Huawei, trên thực tế đã vượt mặt Samsung hồi tháng 4 vừa qua nhờ nhiều yếu tố, mà một trong số đó, khá thú vị, chính là lệnh cấm giao thương của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, đó là một thành công chóng vánh. Huawei vẫn là một trong những nhãn hiệu smartphone lớn nhất thế giới, nhưng điều đó chủ yếu nhờ vào thành công của họ tại thị trường Trung Quốc. Bên ngoài quê nhà, câu chuyện hoàn toàn khác biệt.
Trong nửa thập kỷ qua, Huawei đã trở thành một trong những nhãn hiệu smartphone phổ biến nhất thế giới. Hãng mang đến cho người dùng một loạt các sản phẩm đa dạng, từ điện thoại và tablet giá rẻ, cho đến những thiết bị cao cấp đe dọa doanh số của Samsung tại nhiều thị trường trọng điểm.
Đã có lúc Huawei trở thành một mối đe dọa thực sự cho Samsung tại các thị trường trọng điểm phương Tây. Hãng này đã tiến gần đến ngai vàng của Samsung hơn bất kỳ nhà sản xuất Android nào khác, nhưng cuối cùng lại đánh mất cơ hội bởi những sắc lệnh cấm vận từ phía Mỹ và nhiều giới hạn khác. Đối với người dùng smartphone, điều đó đồng nghĩa smartphone Huawei không còn được hỗ trợ các dịch vụ Google nữa, tức không cần biết phần cứng của họ ưu việt đến mức nào, trải nghiệm phần mềm về cơ bản là không hoàn chỉnh.
Huawei vẫn duy trì số đơn hàng xuất xưởng toàn cầu ở mức tốt trong năm 2020, nhưng điều đó chủ yếu nhờ vào thị trường quê nhà Trung Quốc. Tại Mỹ, thị phần smartphone của Huawei cực kỳ ít ỏi, trong khi số đơn hàng xuất xưởng tại châu Âu đã lặn ngụp trong suốt 3 quý đầu tiên của năm.
Số đơn hàng xuất xưởng trong quý 2/2020 và quý 3/2002 của Huawei và Samsung
Thất bại của Huawei ở châu Âu trong 3 quý đầu tiên của năm 2020 góp phần dẫn đến thành công đối với Samsung. Thị trường Nga cũng tương tự, nơi Samsung tái chiếm vị trí đầu bảng từ Huawei trong quý 3/2020.
Nhưng trong khi đội ngũ marketing của Samsung Mobile làm đủ mọi chuyện để "xát muối vào vết thương" của Huawei, Samsung Display ra sức "nịnh bợ" vị khách hàng này. Được biết, Samsung đã được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép để bán tấm nền OLED cho Huawei.
Tạm gác số liệu đơn hàng xuất xưởng và phân bổ thị phần sang một bên, cả Samsung lẫn Huawei đều có một danh mục sản phẩm di động cực kỳ đa dạng trong năm 2020. Dòng Galaxy A và M trung cấp của Samsung trở nên đông đúc bất ngờ, và công ty hiện đang bán ra thị trường 3 mẫu Galaxy S20 cùng với một phiên bản đặc biệt dành cho người hâm mộ mang tên Galaxy S20 FE, cũng như hai phiên bản của mẫu flagship Galaxy Note 20.
Samsung vẫn là nhà sản xuất tablet Android hàng đầu thế giới, và trong năm nay, hãng đã tung ra các mẫu tablet Galaxy Tab S6 Lite, Galaxy Tab S7 và Tab S7+, Galaxy Tab A 8.4, và Galaxy Tab Active 3. Huawei cũng tung ra một loạt các mẫu tablet mới, nhưng không mẫu nào có bộ vỏ cứng cáp hoặc đi kèm một thiết bị nhập liệu tương tự S-Pen. Điều tương tự cũng diễn ra với danh mục smartphone của Huawei.
Về phần smartwatch, trong quý 3/2020, cả Huawei và Samsung đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, trong đó Samsung nắm giữ 10% thị trường (so với 8% của năm ngoái), và Huawei nắm giữ 15% (tăng từ 10%). Nhưng Samsung đạt được mức thị phần 10% dù có số lượng thiết bị wearable mới ra mắt ít hơn. Chúng bao gồm Galaxy Watch 3 và Galaxy Fit 2. Trong khi đó, Huawei tung ra đến 5 mẫu smartwatch mới, bao gồm một mẫu trông như Apple Watch, và một mẫu dành cho trẻ em.
Thị phần smartwatch toàn cầu trong quý 3/2020 so với quý 3/2019
Xét một cách toàn diện, dù sức ảnh hưởng của Huawei tại các thị trường phương Tây có giảm đi, công ty dường như vẫn duy trì được vị thế trong cuộc chạy đua, và đó là nhờ một thứ: những chipset Kirin mới mà bộ phận chipset của Huawei liên tục giới thiệu. SoC Kirin 990 được trang bị cho các thiết bị như Huawei P40 Pro được đánh giá là tốt hơn Exynos 990 trong các bài benchmark tổng hợp (như Geekbench). Có thể nói, 2020 là một năm thuận lợi cho Samsung, nhưng xét trên nhiều mặt, công ty Hàn Quốc đã gặp may.
Chiến thắng của Samsung trên thị trường thiết bị màn hình gập là điều không phải bàn cãi. Chiếc Huawei Mate X không có cơ hội trước Galaxy Fold, và phiên bản mới mang tên Mate Xs - ra mắt hồi đầu tháng 3 - cũng không khả quan hơn là bao. Cả thị trường tập trung nhiều hơn vào chiếc Galaxy Z Flip, và có lẽ điều đó cho thấy rằng điện thoại màn hình gập với màn hình lớn nằm bên ngoài không thực sự là một ý tưởng hay.
Chiếc Galaxy Z Fold 2 ra mắt tháng 9 và trở thành thiết bị màn hình gập flagship mà bất kỳ ai nghiêm túc về công nghệ mới nổi này và mong muốn có được trải nghiệm tốt nhất cũng phải khao khát. Ngay lúc này, Samsung là nhãn hiệu đi cùng công nghệ điện thoại màn hình gập, và sẽ mất nhiều năm nữa để một đối thủ thực thụ có thể xuất hiện và đối đầu với họ. Huawei từng được xem là một mối đe dọa vào năm 2019, nhưng năm 2020, chúng ta đã rõ ai mới là nhà phát minh vĩ đại trong lĩnh vực này.
Bất kể mọi thứ diễn ra như thế nào đối với Samsung và Huawei trong lĩnh vực di động hoặc màn hình/ bộ nhớ, thắng lợi lớn nhất của Samsung với những hệ quả lâu dài có lẽ nằm trong cuộc đua 5G. Chúng ta đang nhắc đến trang thiết bị mạng 5G chứ không phải các sản phẩm tiêu dùng hỗ trợ 5G.
Năm ngoái, thị trường 5G toàn cầu dường như chia đều giữa Samsung và Huawei, trong đó Samsung chiếm các thị trường Mỹ và Canada sau khi lệnh cấm Huawei đi vào hiệu lực. Nhiều người dự đoán gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sẽ bù đắp được thiệt hại nhờ sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên lĩnh vực 5G ở châu Âu, nhưng 2020 hóa ra không đơn giản.
Các nhà mạng tại nhiều quốc gia châu Âu đã quyết định cấm Huawei không được bán trang thiết bị 5G; số khác quyết định ngừng làm mới các hợp đồng hiện có với Huawei một khi chúng hết hạn trong vài năm tới.
Sự không may của Huawei đã giúp Samsung có cơ hội đặt chân vào thị trường này và cung cấp một giải pháp thay thế tại nhiều quốc gia châu Âu. Nói cách khác, thị phần 5G của Huawei suy giảm, trong khi Samsung liên tục giành được những bản hợp đồng 5G mới ở ngày càng nhiều thị trường hơn. 2020 đã định hình lĩnh vực 5G theo cách mà những hiệu ứng của nó sẽ tiếp diễn trên toàn ngành công nghiệp trong những năm sắp tới, và Samsung sẽ là hãng hưởng lợi nhiều nhất.
2020 là một năm khó khăn đối với nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là về mặt kho vận, nhưng Huawei còn phải căng mình giải quyết những thay đổi không lường trước được của thị trường lẫn những chính sách hạn chế do Mỹ và các quốc gia khác đặt ra. Điều đáng ngạc nhiên là công ty này không hề sụp đổ như một số người dự báo; thay vào đó, họ tiếp tục tận hưởng thành công tại Trung Quốc.
Samsung đã hưởng lợi lớn từ những thất bại của Huawei trên nhiều lĩnh vực, nhưng công ty Hàn Quốc còn thể hiện khả năng sáng tạo và thích ứng với những thay đổi thị trường. Tuy nhiên, Samsung suýt nữa mất ngôi đầu bảng về tay Huawei trong cuộc đua smartphone 2020, và nếu không nhờ những lệnh cấm vận và chính sách giới hạn, ai mà biết được hiện tại sẽ trông ra sao?
Tham khảo: SamMobile