2018 của Indonesia: Quá nhiều tang thương và mất mát

Agent.P, Theo Trí Thức Trẻ 11:15 24/12/2018

Indonesia đã có một năm 2018 không thể tồi tệ hơn với hàng loạt sự vụ dẫn đến những cái chết rất thương tâm.

Vào một buổi tối Thứ 7, ban nhạc rock nổi tiếng tại Indonesia là Seventeen đang trình diễn tại khu nghỉ mát bãi biển Tanjung Lesung, eo biển Sunda. Một cơn sóng thần bất ngờ ập đến, cuốn trôi cả nghệ sĩ và các khán giả đang thưởng thức âm nhạc bên dưới. Thành viên chơi bass cùng quản lý nhóm được xác định là đã thiệt mạng, còn 2 thành viên khác mất tích. Ca sĩ hát chính của nhóm thì thông báo vợ anh cũng đang mất tích.

Chỉ còn một vài ngày nữa là đến Giáng Sinh, và cũng chỉ còn một vài ngày nữa là tới Năm mới. Niềm vui chưa kịp đến, người dân Indonesia đã phải đối mặt với cơn cuồng nộ của tự nhiên - vốn dĩ đã là kẻ khó đoán khó lường. 

222 người chết, 843 người bị thương, rất nhiều người còn đang mất tích, khắp nơi là nhà cửa đổ nát vỡ vụn là hậu quả của trận sóng thần ập vào khu vực ven biển tại Eo biển Sunda đêm 22/12. Theo các phân tích, nguyên nhân gây nên sóng thần là do các đợt thuỷ triều bất thường và những chuyển địa tầng sâu dưới đáy biển do núi lửa Anak Krakatoa phun trào. 

Không một tín hiệu báo trước, Thần Chết cứ thế lầm lũi tới và cướp đi sinh mạng của hàng trăm con người ngay trong tuần lễ vui vẻ nhất của năm, cái khoảng thời gian mà đáng ra con người ta phải được thảnh thơi nhất, đỡ vướng bận nhất để chuẩn bị cho một năm tới lao động vất vả. Nhưng không, cái họ phải làm bây giờ là tuyệt vọng đi tìm người thân của mình, nơm nớp lo sợ rằng dưới đống đổ nát kia là những thân hình bất động mang gương mặt thân quen.

2018 của Indonesia: Quá nhiều tang thương và mất mát - Ảnh 1.

Năm 2018 của người dân Eo biển Sunda kết thúc trong nước mắt.

Cũng chưa thể hiểu nổi đây có phải là "cú chốt" cho một năm sóng gió của đất nước vạn đảo hay không. Indonesia năm nay quá nhiều thảm kịch.  

Nạn nhân trước đó là hơn 2.500 người dân sinh sống tại đảo Sulawesi, cũng thuộc khu vực quần đảo Sunda. Sự việc xảy ra vào ngày 28/9, tuy rằng người dân đã được cảnh báo nhưng thật đáng tiếc họ vẫn không thể tránh khỏi bi kịch. 

2018 của Indonesia: Quá nhiều tang thương và mất mát - Ảnh 2.

Hậu quả để lại sau trận sóng thần đổ ập vào đảo Sulawesi làm 2.500 người chết và thương vong.

Indonesia đã có một năm đầy thảm kịch. Và kẻ gây ra những thảm kịch đó, hầu hết là núi lửa. "Xứ sở vạn đảo" là biệt danh đầy sự thơ mộng của quốc gia này, nhưng đằng sau sự mỹ miều ấy là 127 ngọn núi lửa vây quanh. Indonesia nằm trên Vành đai núi lửa Thái Bình Dương, thường xuyên đối diện với động đất và nguy cơ núi lửa phun trào. 

Quay trở lại ngày 19/06/2018. Tại Hồ Toba - hồ núi lửa được đánh giá là lớn nhất thế giới, cũng là điểm tham quan vô cùng hút khách tại quần đảo Sumatra, Indonesia. 

Hình ảnh cuối cùng mà Junita Naibaho có được từ em gái mình - cô Manza Naibaho được chụp cách 1 giờ trước cái chết của cô. Manza lúc đó đang đi du lịch tại đảo Samosir - hòn đảo nằm trong Hồ Toba. Qua những hình ảnh, chuyến đi của Manza thật vui vẻ hào hứng. Nhưng Manza không thể trở về với Junita để chia sẻ về chuyến đi này, cũng như hai đứa con của Manza cùng 14 thành viên trong đại gia đình. 

Chiếc du thuyền KM Sinar Bangun mang theo đại gia đình của Manza và hàng trăm du khách khác, xấp xỉ 200 người trên khoang sau 10 phút khởi hành gặp phải sóng thần và bị đánh chìm. Chỉ 18 người trong số đó sống sót, bao gồm thuyền trưởng - người sau đó bị buộc tội vận chuyển người quá tải trọng. Đại gia đình nhà Manza không một ai trở về.

Đáng tiếc rằng, đây lại là một câu chuyện quá đỗi bình thường tại Indonesia. Cũng vì ở Hồ Toba, di chuyển bằng thuyền là rất cần thiết do ở đây chia làm hai khu vực địa lý: khu vực đất liền và khu vực đảo.

Và như thế, mạng người cứ chòng chành, mong manh dựa trên sự giận dữ của thế lực tự nhiên. Đã từ lâu, #prayfor (cầu nguyện cho...) + tên địa danh đã trở thành hashtag quen thuộc trên mạng xã hội Indonesia. 

Rồi lại quay về ngày 29/10/2018.

Chiếc Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT610 thuộc Lion Air rời khỏi thủ đô Jakarta, mang theo 181 hành khách cùng 8 thành viên phi hành đoàn, trong đó ít nhất 23 quan chức và nhân viên chính phủ sau 13 phút cất cánh đã mất tích. Cuối cùng, máy bay được xác định bị rơi ở biển Java. Không một ai sống sót.

2018 của Indonesia: Quá nhiều tang thương và mất mát - Ảnh 3.

Các phi công tại Lion Air rải hoa trên biển tưởng nhớ đồng nghiệp cùng 181 hành khách xấu số.

2018 của Indonesia: Quá nhiều tang thương và mất mát - Ảnh 4.

Công cuộc tìm kiếm các nạn nhân của máy bay mang số hiệu JT610 đã được ngừng lại do không có tiến triển.

2018 của Indonesia: Quá nhiều tang thương và mất mát - Ảnh 5.

Những mảnh vỡ và vật dụng còn lại sau sự cố rơi máy bay Lion Air.

Nguyên nhân được xác định là lỗi hệ thống đến từ chiếc Boeing được cho là "đáng tin cậy nhất thế giới" khiến máy bay bị chúc đầu. Hàng trăm người mất đi nhân thân, nheo nhóc những đứa trẻ bỗng trở nên mồ côi, hệ thống Chính phủ trong phút chốc mất đi hàng chục nhân sự. Tiếng ai oán ở khắp nơi, tiếng cầu xin vang lên rền rã. Nhưng kết cục thảm khốc là điều đã được dự báo trước. 

#prayfor là một hashtag cần phải được ít sử dụng lại. Chúng ta không muốn, và cũng không cần thêm những sự hồi hộp khắc khoải vì mạng sống đồng loại, dù là ở bất cứ đâu trên thế giới, từ vùng Trung Đông chiến sự cho đến vành đai núi lửa hay một địa phương nghèo đói nào nữa. Indonesia đã quá đau thương trong 2018 với hàng loạt sự vụ đau lòng, chưa ai biết được 2019 sắp tới sẽ thế nào, nhưng hãy cầu nguyện cho Indonesia sẽ có một năm mới đỡ vất vả hơn.

Hashtag lần này có lẽ phải là #prayforIndonesia.