Các công ty sở hữu ứng dụng dạng này liên tục tung ra những chương trình truyền thông, khuyến mại, quảng cáo để khuếch trương hình ảnh sản phẩm. Cuộc chiến lan từ các bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng tới các chương trình hợp tác tặng kèm sản phẩm.
Trong cuộc chiến cam go này, vị trí số 1 của Line rất không chắc chắn, khi các đối thủ khác đang liên tục đổ tiền vào truyền thông và cải tiến sản phẩm. Nhưng trước hết, chúng ta hãy thử điểm xem Line chiến thắng bằng cách nào.
Thứ nhất, Line liên tục tung ra các chương trình quảng cáo ở gần như khắp các mặt trận: bài PR trên báo điện tử, quảng cáo trên web, PC, dùng hình ảnh nhân vật nổi tiếng để quảng bá, quảng cáo trên các chợ ứng dụng. Nếu lướt web thường xuyên, bạn sẽ thấy quảng cáo của Line chạy gần như ở hầu hết các trang web có đông lượt truy cập.
Trong khi đó, các nỗ lực quảng bá của các ứng dụng khác vẫn chưa tạo được đủ độ bứt phá cho họ. Zalo mới chỉ quảng bá qua hệ thống website của Zing và Báo Mới hay qua các bài PR khá khéo léo, cũng như ép người dùng cài đặt khi truy cập bản di động của các ứng dụng này. Thì đối thủ Kakaotalk lại chỉ chạy “nội bộ” qua hệ thống của VTC, đơn vị hợp tác với ứng dụng này và thực hiện việc khuyến mại khá hấp dẫn cho các game thủ VTC để gia tăng lượng cài đặt.
Thứ hai, Line vốn là một nền tảng mạng xã hội có khá nhiều thế mạnh. Những sản phẩm của nhà phát triển Naver được khéo léo tận dụng để quần tụ quanh Line ID. Từ đó đáp ứng được nhiều nhu cầu của người dùng như tạo thiệp mừng, chỉnh sửa ảnh và đặc biệt là chơi game đơn giản, giải trí, ganh đua cùng bạn bè.
Quả thực, trong cuộc chiến ở Việt Nam, một hệ sinh thái tròn trịa như Line là điều mà khó có đối thủ nào sánh được. Hệ sinh thái này không chỉ giúp Line kiếm tiền khi bán các vật phẩm ảo trong trò chơi, khi ứng dụng này liên tục xếp đầu bảng của Appstore và Google Play về bán hàng trong ứng dụng (In app purchase).
Điều đó còn giúp người dùng tài khoản của Line thấy được những ích lợi của việc sử dụng hệ thống tài khoản này. Đặc biệt là cùng chia sẻ những tấm thiệp với bạn bè hay cùng chơi các tựa game ưa thích.
Thế mạnh thứ 3 của Line đó là ứng dụng này đã phát triển và chứng minh được sức mạnh ở một số thị trường quốc tế với hơn 100 triệu người dùng và vị trí số 1 tại thị trường Nhật Bản. Những kinh nghiệm ở thị trường quốc tế sẽ giúp Line có khả năng chinh phục nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.
Ở thị trường Việt Nam, chỉ có WeChat (Tencent) là có nhiều người dùng hơn Line với hơn 300 triệu người sử dụng trên thế giới. Nhưng Wechat từng có động thái xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam khi hiển thị bản đồ đường lưỡi bò, dẫn tới việc nó khó lòng được người dùng trong nước chấp nhận.
Cuộc chiến ứng dụng liên lạc miễn phí chắc chắn sẽ còn cực kỳ căng thẳng và trong cuộc chiến này chất lượng sản phẩm chỉ là một phần. Phần quan trọng hơn đó là ứng dụng nào có thể xây dựng được một cộng đồng năng động và quảng bá được hình ảnh mình rộng rãi hơn sẽ chiến thắng.
Tuy nhiên, các ứng dụng liên lạc miễn phí cũng cần phải dè chừng đối thủ siêu nặng ký Facebook. Khi mới đây gã khổng lồ mạng xã hội liên tục tung ra những tính năng cạnh tranh cho phiên bản Facebook di động như: voice chat, gọi điện thoại miễn phí, giảm giá cước dịch vụ internet khi dùng Facebook Messenger. Với lợi thế khoảng gần 10 triệu người dùng ở Việt Nam và tỷ lệ người dùng smartphone ở nước ta đã đạt 1/3, có thể thấy Facebook có thế mạnh lớn về lượng người dùng sẵn có và sự gắn kết của người dùng với mạng lưới bạn bè của Facebook.