Trong phim "The Social Network", lý do Facebook ra đời được nêu ra là bởi sinh viên Harvard cần một công cụ để hẹn hò với... bạn gái. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa với phim ảnh, theo những gì chính Mark Zuckerberg chia sẻ gần đây trong một cuộc phỏng vấn. Cụ thể, ở thời điểm đó, Mark Zuckerberg đã có bạn gái - Priscilla Chan, hiện tại chính là vợ anh - đồng thời có một niềm đam mê vô tận với Internet. Lúc bấy giờ, Google là công cụ tuyệt vời để tìm kiếm tin tức, trong khi đó Wikipedia là website không thể thiếu trong việc tìm kiếm các nguồn tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, có một khoảng trống chưa được lấp đầy.
Facebook ra đời do Mark Zuckerberg... lười học.
"Không có bất kì công cụ nào bạn có thể dùng để tìm hiểu và làm quen với mọi người. Tôi cũng không biết cách nào để phát triển công cụ như thế, vì vậy tôi bắt đầu bằng những thứ nhỏ nhất," Mark nói. Sau đó, Mark Zuckerberg phát triển một dịch vụ nhỏ có tên gọi Coursematch nơi người dùng có thể liệt kê danh sách các lớp học mà mình đang tham gia. Mark cũng tự tay phát triển Facematch, như bạn đã biết nếu xem "The Social Network" nhưng đó chỉ là một trò đùa không hơn không kém. Thực tế, "nguồn gốc" của Facebook đến từ một cậu sinh viên thiếu chú ý trong giờ học và yêu lập trình. Đọc đoạn phỏng vấn dưới đây, bạn sẽ hiểu cách Mark Zuckerberg biến một công cụ học tập thành một mạng xã hội và tại sao không ai khác có thể làm điều đó.
Nhiều người cho rằng Facematch, ứng dụng bình chọn độ xinh đẹp của các nữ sinh Harvard, là tiền thân của Facebook nhưng điều này không đúng.
Mathias Döpfner: Coursematch đã biến thành Facebook như thế nào?
Mark Zuckerberg: Khi ấy có một môn học mang tên "Rome of Augustus", nơi bạn được xem rất nhiều tác phẩm nghệ thuật và sẽ phải viết luận về những ảnh hưởng lịch sử mà chúng để lại. Tôi không quá chú ý trong lớp học bởi đang "bận" lập trình mấy thứ linh tinh và đó là lý do khi kì thi cuối kì đến, tôi cảm thấy mình chẳng có chút gì trong đầu cả.
Vì thế, tôi đã tạo ra một công cụ ôn tập đơn giản với khả năng hiển thị ngẫu nhiên các tác phẩm nghệ thuật và cho phép người dùng nhập vào suy nghĩ của mình về tác phẩm đó từ khía cạnh lịch sử. Tôi gửi công cụ này qua email cho mọi người và nó cuối cùng trở thành một công cụ học tập mang tính xã hội cao.
Năm ấy, điểm môn này cao hơn điểm các khóa học trước đó khá nhiều. Do đó, tôi tiếp tục phát triển công cụ tương tự cho nhiều môn học khác. Cả thảy, có thể tôi đã làm điều này cho tới 10 môn học ở Harvard. Cuối cùng, tôi nảy ra ý tưởng phát triển một công cụ tổng hợp nơi người dùng có thể chia sẻ bất kì thứ gì mình muốn với mọi người xung quanh. Đây là cách phiên bản đầu tiên của Facebook ra đời.
Mathias Döpfner: Anh mất bao nhiêu thời gian để phát triển nó?
Mark Zuckerberg: Tôi chỉ mất hai tuần để dựng phiên bản đầu tiên của Facebook bởi trước đó tôi cũng làm được kha khá thứ rồi.
Mathias Döpfner: Lúc đó, anh có bao giờ nghĩ rằng nó sẽ trở thành một công ty "kếch xù" trong tương lai không?
Mark Zuckerberg: Dĩ nhiên là không rồi.
Mathias Döpfner: Anh nhận ra Facebook sẽ trở thành một điều gì đó lớn lao khi nào?
Mark Zuckerberg: Bạn biết đấy, tôi nhớ rất rõ cái đêm tôi "trình làng" Facebook ở Harvard. Tôi ra ngoài mua pizza với một người bạn mà tôi thường làm bài tập khoa học máy tính cùng. Tôi nhớ đã nói với anh ta rằng tôi thực sự hạnh phúc vì đã phát triển được công cụ này cho Harvard vì cộng đồng nhờ đó sẽ gắn bó và kết nối với nhau nhiều hơn. Nhưng một ngày nào đó, ai đó sẽ dựng lên công cụ này cho cả thế giới.
Tôi không nghĩ nhân vật đó chính là chúng tôi. Cũng hoàn toàn không phải ý tưởng rằng hy vọng nhân vật đó sẽ là chúng tôi. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó, không hề mảy may có suy nghĩ này. Phải là một ai khác chứ, bởi chúng tôi chỉ là những sinh viên đại học mà thôi. Khi tôi nhìn lại 12 năm vừa qua, điều đáng ngạc nhiên là chẳng ai làm điều đó. Và tôi tự hỏi chính mình, tại sao không ai khác làm nó.
Mathias Döpfner: Tại sao?
Mark Zuckerberg: Tôi chỉ cho rằng có quá nhiều lý do cỏn con mà mọi người không làm điều đó. Như kiểu "Ồ, nó chỉ dành cho đám thanh niên thôi" vì thế họ đã không làm việc nghiêm túc như họ có thể. Hay, "Cũng được đấy, có một số người dùng nó rồi nhưng nó sẽ chẳng bao giờ ra tiền đâu". Hay, "Công cụ này có thể được sử dụng tại Mỹ nhưng khi đi ra thế giới thì không."Hay, cũng hiệu quả đấy nhưng trên nền tảng di động thì thất bại chắc chắn." Tất cả các lý do ấy, bạn biết rồi đó.
(Tham khảo: Business Insider)