Được biết tới là
mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh, những hoạt động hiện tại trên
Facebook chủ yếu có mục đích liên lạc, kết nối hay đơn giản chỉ là nơi lưu trữ các hoạt động của người dùng. Thế nhưng, giống với xã hội thật, mạng xã hội ảo đang dần biến tướng với nhiều chức năng hơn từ... khoe của cho tới những hoạt động buôn bán hay thậm chí là cả lừa đảo trực tuyến.
Chức năng của mạng xã hội ở thời điểm hiện tại chẳng khác gì xã hội, cuộc sống thật.
Mới đây, một thoả thuận giữa các mạng xã hội phổ biến nhất thế giới (
Twitter, Facebook...) sẽ còn tiếp tục trang bị cho mạng xã hội một tính năng mới, đó chính là... chống khủng bố. Do nhận được nhiều yêu cầu từ phía chính quyền, các mạng xã hội, dịch vụ
Internet lớn trên thế giới sẽ có nhiệm vụ thông báo mọi dấu hiệu của các vụ tấn công khủng bố cũng như những thông tin liên quan lên chính quyền để đề phòng những thiệt hại mà khủng bố có thể mang đến.
Hành động này được thực hiện sau khi nhiều tổ chức khủng bố điển hình là ISIS tận dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông miễn phí có tầm ảnh hưởng cực lớn.
Dẫn lời AP, hành động này được khởi xướng sau khi nhiều tổ chức khủng bố lớn trên thế giới, điển hình là ISIS ở thời điểm hiện tại sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông riêng cho phép chúng tuyển chọn đồng bọn, khoe các chiến tích hay thậm chí là huy động vốn để thực hiện các cuộc tấn công sau này.
Mặc dù vậy, phía các công ty công nghệ, dịch vụ Internet cũng đang tỏ ra quan ngại về thoả thuận mới do họ sẽ phải bổ sung thêm nhân sự kiểm tra số lượng lớn các bài đăng trên tiện ích của mình cũng như họ sẽ chịu phần trách nhiệm lớn nếu vô tình bỏ qua những thông tin nhạy cảm liên quan tới các vụ tấn công.
Các dịch vụ trực tuyến, mạng xã hội sẽ phải kiểm soát nội dung thông tin của mình cũng như thông báo cho chính quyền khi có nghi vấn về các vụ khủng bố.
Ngoài việc thông báo cho chính quyền về các vụ tấn công, thoả thuận mới cũng yêu cầu các dịch vụ này chặn toàn bộ các nội dung phản cảm có liên quan tới khủng bố như tình trạng tra tấn tù nhân của ISIS, các vụ tấn công khủng bố hay những đoạn video có tính chất kích động khủng bố.
Vẫn chưa rõ liệu sẽ có bao nhiêu công ty đồng ý với thoả thuận nêu trên, thời điểm hiện tại đang là khoảng thời gian nhạy cảm khi mà các công ty công nghệ phải cân bằng giữa việc bảo vệ thông tin người dùng, cung cấp thông tin mật cho chính phủ cũng như phát triển tốt hơn dịch vụ của mình tới người dùng.
(Tham khảo: TIME)