Facebook - Cầu nối thầy trò thời đại số

Chuột@, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 21/11/2013

Khoảng cách thầy - trò đã được rút ngắn lại khi hoạt động dạy và học được đưa lên mạng xã hội Facebook.

Không thể phủ nhận sự tiện lợi của việc sử dụng Facebook cho những cuộc trao đổi, chia sẻ tài liệu trực tuyến. Thông qua Facebook, giáo viên hoặc một đại diện của lớp có thể nhanh chóng tạo một nhóm trực tuyến cho môn học. Từ đây, tất cả các thành viên chỉ việc tham gia và mọi hoạt động diễn ra khá hiệu quả. Có thể nói, Facebook gần như lấn áp hoàn toàn hình thức trao đổi qua diễn đàn đã tồn tại bấy lâu.

Thậm chí, có những giảng viên sẵn sàng từ bỏ trang web học tập chính thống của nhà trường để chuyển sang Facebook. Chia sẻ về lý do này, thầy M.V - giảng viên Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM nói: “Một thông báo vừa được đăng tải lên Group môn học trên Facebook là ngay lập tức thu hút các bạn sinh viên kéo vào xem, còn khi đăng lên trang môn học của trường thì ít ai quan tâm tới”.

Bên cạnh đó, thầy M.V còn cho biết thêm: “Hầu như ai cũng kiểm tra Facebook ít nhất một lần trước khi ngủ nên đăng thông báo bằng hình thức này tỏ ra rất hiệu quả”. Thế nhưng, để những thành phần cá biệt không thể phá phách hoạt động của lớp, thầy M.V yêu cầu sinh viên phải đặt tên đầy đủ cho tài khoản Facebook và phải có avatar khuôn mặt "chính chủ".

Facebook - Cầu nối thầy trò thời đại số 1
Khoảng cách giữa thầy và trò đã rút ngắn hơn từ khi Facebook xuất hiện.

Không chỉ vậy, trên môi trường này, thầy cô và học sinh, sinh viên có thể hỏi - đáp với nhau nhanh chóng hơn thông qua những comment, chat. Đó có thể là những trao đổi liên quan bài học hoặc về cuộc sống. Bởi vì, trên Facebook, khoảng cách thầy cô và học trò không còn nữa, họ dần trở thành những thành viên của một cộng đồng mạng lớn, cái đích họ cùng hướng tới chính là chia sẻ cuộc sống của mình. Những “cú” nhấn Like, lời bình luận đã vô hình chung giúp thầy - trò trở nên thật gần gũi.

Duy Khánh, một teen học lớp 12, Trường THPT Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) cho biết: “Mình cảm thấy khá thoải mái khi trò chuyện với cô giáo trên Facebook. Có lần cô viết status than mệt nên mình bình luận để an ủi và làm liều gọi vui cô là “cô gái”, mặc dù cô lớn tuổi hơn cả mẹ của mình”.

Tuy nhiên, một số nơi trên thế giới xem điều này là cấm kỵ. Chẳng hạn, hai bang Rhineland-Palatinate và Schleswig-Holstein của Đức đã có quy định giáo viên và học sinh không được trao đổi việc học trên Facebook. Cụ thể, giáo viên không được sử dụng Facebook để thông báo điểm thi, còn học sinh muốn trao đổi với giáo viên phải thông qua diễn đàn môn học của nhà trường.

Facebook - Cầu nối thầy trò thời đại số 2
Một số nơi cấm lạm dụng Facebook trong việc trao đổi học tập.

Dễ thấy, giờ đây Facebook đã và đang ăn sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong học tập, Facebook giúp rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò là một điều đáng mừng. Thế nhưng, điều này là tính tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người.