Chuyên trang Android mang tên Phandroid mới đây đã công bố
danh sách 10 thiết bị Android “dở tệ” nhất trong lịch sử với các tiêu chí đến từ ngoại hình máy, phần cứng và phần mềm (việc các nhà sản xuất tùy biến
Android quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu năng). Bạn đọc lưu ý đây chỉ là
đánh giá chủ quan của trang tin công nghệ Phandroid.
10. HTC EVO 3D
Tại thời điểm ra mắt,
HTC EVO 3D nhận được nhiều sự chú ý từ
phía cộng đồng quan tâm do những tính năng nổi trội mà nó sở hữu. Theo đó, thiết
bị này có thể hiển thị nội dung 3D mà người dùng có thể thưởng thức không cần
kính chuyên dụng. Song song với đó là khả năng quay video và chụp hình ở định dạng 3D. Tuy
nhiên, sau khi ánh “hào quang” mà những tính năng này tan đi, HTC EVO 3D lại
mang đến không ít sự thất vọng.
Mặc dù sở hữu viên pin có dung lượng lên tới 1.730 mAh, lớn
nhất trong các thiết bị Android của HTC lúc bấy giờ thì thời lượng pin mà máy
mang lại vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của người dùng. Nhiều khách hàng phản hồi
mặc dù họ chỉ bật màn hình khoảng 60 phút giữa mỗi lần sạc, HTC EVO 3D vẫn
không thể sử dụng được quá 8 giờ. Thêm nữa, hệ điều hành Android và giao diện
Sense lúc bấy giờ chưa thực sự tối ưu đã làm giảm đi đáng kể hiệu năng của máy.
Nhìn chung, HTC EVO 3D là một thiết bị mang tính đột phá,
tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ, đi trước không đồng nghĩa với thành công.
9. Samsung Continuum
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý khi
Samsung giới thiệu Samsung
Continuum nằm ở việc thiết bị này sở hữu tới hai màn hình, trong đó màn hình nhỏ phụ có tên “ticker” cho phép người dùng truy xuất một số thông tin mà không cần
mở màn hình lớn (giúp tiết kiệm pin) đồng thời hỗ trợ đa nhiệm khá tốt. Lúc bấy giờ, đây là một tính năng được
đánh giá rất cao, tuy nhiên, Samsung dường như lại phạm phải một sai lầm khi
không cung cấp giao diện lập trình ứng dụng (API) của “ticker” rộng rãi cho giới
lập trình viên do đó tính ứng dụng của nó vô cùng hạn hẹp.
Bên cạnh đó, thiết kế của Samsung Continuum cũng không nhận
được nhiều phản hồi tích cực.
8. Motorola DROID BIONIC
Motorola DROID BIONIC kể từ khi chưa lên kệ đã mang tiếng xấu
bởi thiết bị này liên tiếp trễ hẹn với người dùng và ngay cả khi đã ra mắt
phiên bản thương mại, thiết bị này cũng chứa đầy lỗi. Nhìn vào danh sách các vấn
đề mà
Motorola DROID BIONIC gặp phải, nhiều người còn nói vui rằng không hiểu
các kĩ sư của Motorola đã làm gì trong suốt mấy tháng trước khi máy ra mắt.
Motorola và nhà mạng phát hành Verizon về sau đã có rất nhiều
động thái sửa sai khi liên tục tung ra các bản cập nhật, vá lỗi. Tuy nhiên, có
vẻ như chừng đó là không đủ để người dùng quên đi những thất vọng ban đầu của
mình.
7. HTC Thunderbolt
HTC Thunderbolt là một chiếc smartphone khác cũng tạo được
tiếng vang khi lần đầu được giới thiệu ra công chúng. Thành thực mà nói đây
không phải một thiết bị có nhiều yếu tố đột phá, vấn đề nằm ở chỗ Thunderbolt
là chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị công nghệ kết nối 4G LTE. Rất tiếc,
điểm nhấn này không thể bù đắp lại những thiếu sót mà Thunderbolt mắc phải, đặc
biệt là vấn đề liên quan đến thời lượng sử dụng máy trong một lần sạc.
Vấn đề trầm trọng tới mức, lúc bấy giờ một vị nhân sự cấp
cao của HTC đã phải đứng ra nhận lỗi: “Tôi rất tiếc khi nghe phản hồi về trải
nghiệm của các bạn. Chúng tôi xin lỗi về chiếc Thunderbolt. Đó là một dự án khó
và chúng tôi thực sự hy vọng mình đã không phá hủy niềm tin của khách hàng dành
cho HTC.”
6. Motorola CLIQ
Có thể bạn chưa biết Motorola CLIQ chính là thiết bị Android
đầu tiên mà Motorola phát triển. Máy có kích thước khá nhỏ tuy nhiên chất lượng
thân máy lại không được đánh giá cao. Thêm vào đó, CLIQ cũng đánh dấu sự xuất
hiện của MotoBLUR, một trong những giao diện tùy biến cho
Android... tệ nhất từ
trước tới nay. Giao diện này làm ảnh hưởng khá nhiều tới hiệu năng của máy
trong khi đó không thể hiện được rõ nét sức mạnh và đặc trưng của Android.
Tuy nhiên, cũng có thể từ những bài học được rút ra từ Motorola
CLIQ, ít lâu sau đó Motorola đã tung ra thị trường một trong những smartphone
Android nổi tiếng nhất trong lịch sử, Motorola DROID.
5. Samsung Behold II
Behold II là một thiết bị không được đánh giá cao của
Samsung, nhất là về phần ngoại hình máy với hình thù của những nút bấm dường
như là kết quả của quá trình chọn lọc... hình khối ngẫu nhiên. Bên cạnh đó,
với Behold II, ông lớn công nghệ Hàn Quốc cũng mang đến cho người dùng một
giao diện người dùng “hình hộp” mà hãng tự gọi là “mang tính cách mạng” và “vui nhộn”.
Đáng tiếc là người dùng lại không cho là như vậy và nó không hề mang lại trải
nghiệm tương tác hiệu quả.
4. Motorola Backflip
Được đánh giá là sở hữu thiết kế mới lạ cùng camera ấn tượng lên tới 5MP tuy nhiên phần
mềm của BackFlip dở tệ đến mức nhiều người dùng phản hồi máy liên tục bị khởi động
lại. Tại thời điểm máy ra mắt, trang thông tin CNET khuyên người dùng đang mong
đợi một thiết bị mang đến tốc độ và nhiều tính năng, hãy... tránh xa Motorola Backflip.
3. LG DoublePlay
Ý tưởng mà
LG DoublePlay tận dụng khá thú vị và trải nghiệm
hai màn hình mà thiết bị này mang tới khi so sánh với Samsung Continuum rõ ràng
là hơn hẳn. Tuy nhiên, việc sử dụng màn hình phụ không mang tới hiệu quả vượt trội
đồng thời bàn phím QWERTY bị chia ra làm hai phần làm người dùng quá khó để
tương tác đã khiến LG DoublePlay phải góp mặt trong danh sách này.
2. Garmin-Asus Garminfone
Theo đánh giá của Phandroid, cảm nhận đầu tiên của người
dùng khi nhìn thấy Garmin-Asus Garminfone là... xấu. Nhiều người cho rằng thiết
bị này chẳng khác nào sự kết hợp cẩu thả của một chiếc máy nghe nhạc và thiết bị
chỉ đường GPS.
Ngoài ra, Garmin-Asus Garminfone còn không có màn hình Home
với những biểu tượng quen thuộc như thường thấy trên Android. Theo đó, hệ điều
hành của Google đã bị tùy biến quá sâu khiến người dùng không khỏi bỡ ngỡ khi lần
đầu sử dụng.
1. Kyocera Echo
Tại thời điểm ra mắt, nhà mạng Sprint tán dương Kyocera Echo
như một thiết bị mang trên mình những đặc điểm “đột phá” và “đáng mong đợi”,
tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như kì vọng. Việc sở hữu màn hình kép đã làm Kyocera Echo vô tình bị ví
như một “quái vật to xác” cùng phần viền màn hình quá lớn. Dẫu vậy, nhà sản xuất
này cũng nên nhận được một lời khen cho ý tưởng ghép hai màn hình 3,5 inch
thành một màn hình tương đương kích thước 4,7 inch mà họ gọi là chế độ “tablet”.
Để kết lại, một lần nữa vấn đề phần mềm và thời lượng pin
đã phá hỏng hình ảnh đột phá của Kyocera Echo.
Phía trên là 10 thiết bị Android "dở nhất" theo đánh giá của Phandroid. Tất nhiên, với những trải nghiệm khác nhau của người dùng, không hẳn một thiết bị có mức đánh giá thấp đã là một thiết bị sử dụng "chán".