Cách nghe nhạc bằng smartphone để không... bị điếc

Hiếu Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 18:01 08/03/2015
Chia sẻ

Nghe nhạc đã trở thành hoạt động thường ngày của mỗi người, nhưng liệu bạn đã biết cách nghe nhạc đúng cách để bảo vệ đôi tai?

Giảm thính lực trên thực tế đã trở thành một “đại dịch” đã và đang đe dọa ngày một nghiêm trọng tới người trẻ đến từ những nước có thu nhập từ trung bình đến cao. Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có đến 1,1 triệu người có độ tuổi từ 12 - 35 nghe nhạc với mứ câm thanh không an toàn, thậm chí có thể dẫn tới mất thính lực vĩnh viễn. Tồi tệ hơn, những người có nguy cơ bị giảm thính lực đều không có được sự chỉ dẫn cần thiết một cách kịp thời, dẫn tới thiếu nhận thức cần thiết về những nguy hại tiềm ẩn trong việc nghe nhạc không đúng cách.

Một nguyên nhân nữa có liên quan tới việc giảm thính lực xuất phát chính từ sự bùng nổ của những chiếc điện thoại thông minh – sản phẩm thường đi kèm với một chiếc tai nghe, vô hình trung đã làm tăng nguy cơ gây hại cho tai của người sử dụng.


Tiến sĩ Diane Catalano – chuyên gia về âm thanh ở Trung tâm Y tế Đại học Duke, trong một bài phỏng vấn với tờ Huffington Post, khẳng định: “ Đôi tai của con người phải làm việc liên tục trong thời đại này. Áp lực liên tục này hiển nhiên gây ra sự gia tăng về những chỉ số liên quan đến căn bệnh mất thính lực”.

Chủ tịch Hiệp hội những Người Khiếm thính tại Mỹ, Anna Gilmore Hall, cũng nhấn mạnh việc ngày càng có nhiều người bị giảm thính lực từ rất sớm.

Dưới đây là một số cách đơn giản bạn có thể áp dụng để tự bảo vệ đôi tai của mình.  

1. Ưu tiên những chiếc tai nghe có kích cỡ vừa vặn

Có lẽ không phải nói nhiều về sự lan tỏa của trào lưu sử dụng điện thoại thông minh. Tính riêng trong lãnh thổ nước Mỹ, có đến 86% người tiêu dùng sở hữu smartphone trong năm 2014. Smartphone cũng hàng ngày ở trong túi của 85% trong số 1000 người ở độ tuổi từ 18 đến 24. Vấn đề cần bàn ở đây đến từ những chiếc tai nghe đi kèm, vốn không được thiết kế riêng cho tai của bạn, dẫn đến việc vô tình “để lọt” những tạp âm xung quanh. Nếu được chọn, hãy cố gắng sử dụng tai nghe có thể loại bỏ hoàn toàn tạp âm và đem lại sự thoải mái thực sự cho đôi tai của bạn

2. Hãy cho đôi tai nghỉ ngơi


WHO khuyến cáo những người trẻ tuổi nên giới hạn thời gian nghe nhạc trên những thiết bị công nghệ cao xuống còn 1giờ / ngày. Hall cũng chia sẻ: “Bạn không nên để đôi tai tiếp xúc với mức âm thanh cường độ 80 decibels liên tục trong vòng 1 tiếng”. Để bạn đọc có thể dễ dàng hình dung hơn, 80 decibels tương đương với mức âm thanh trên những con đường ở những thành phố lớn hay những nơi bị ô nhiễm tiếng ồn

3. Vặn nhỏ “volume” xuống


Năm 2013, Liên minh Châu Âu đưa ra một đạo luật về giới hạn âm thanh trên toàn bộ những thiết bị cầm tay (bao gồm cả điện thoại thông minh). Theo đó, người dùng chỉ có thể nghe nhạc ở mức độ âm thanh dưới 85 decibels. Điều này có nghĩa những người sử dụng một số ứng dụng nghe nhạc như Spotify sẽ được khuyến cáo nếu muốn nghe nhạc to hơn mức này

Hiện nay một số điện thoại chạy hệ điều hành Android sẽ đưa ra cảnh báo nếu bạn thử nghe nhạc ở mức âm lượng không an toàn. Ở iPhone, người dùng có thể tự tay đặt ra mức giới hạn âm thanh phù hợp với bản thân

4. Kiểm tra y tế định kỳ


Sau khi đã có đầy đủ những nhận thức về việc làm thế nào để bảo vệ đôi tai thì việc bạn cần làm là phải chắc chắn liệu đôi tai của mình có khỏe mạnh hay không

Rất ít người hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm tra tai định kỳ. Đối với người trưởng thành, việc kiểm tra tai nên được thực hiện mỗi 5 hay 10 năm. Cũng không nên xem nhẹ những vấn đề về thính giác bởi nó sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

(Tham khảo: HuffingtonPost)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày