Sau một thời gian gắn bó với công việc văn phòng, nhiều người ôm giấc mơ trở thành ông chủ. Bắt đầu bằng công việc kinh doanh của riêng mình, họ cho rằng sẽ không phải nghe theo mệnh lệnh của bất kỳ ai. Đặc biệt họ sẽ không còn phải dậy sớm để kịp chấm công hay thức đến nửa đêm để hoàn thành công việc cho kịp deadline. Mọi việc cứ để nhân viên lo còn bản thân chỉ cần ngồi đếm tiền mỗi ngày.
Đối với những người có số vốn hạn chế, việc mở một cửa hàng nhỏ là lựa chọn hàng đầu. Đa số mọi người thường bắt đầu bằng việc kinh doanh trà sữa bởi vì tin vào những thông tin quảng cáo về mức độ lãi khủng của ngành. Song thực tế có phải vậy?
Kinh doanh trà sữa không phải là câu chuyện dễ dàng. Mỗi lần đi ngang qua một thương hiệu trà sữa độc quyền nào đó có số lượng người xếp hàng dài, chắc chắn bạn cũng tưởng tượng cửa hàng của mình cũng sẽ ăn nên làm ra như vậy. Tuy nhiên đó là thương hiệu độc quyền, bạn khó có thể cạnh tranh được.
Nhìn sang thương hiệu Coco Tea (Trung Quốc) dẫu đông khách nhưng muốn tham gia nhượng quyền bạn phải ký hợp đồng sẽ mở chi nhánh cửa hàng toàn khu vực dựa theo số lượng dân cư. Năm đầu tiên, bạn phải chuẩn bị vốn để mở 5-10 cửa hàng, 3 năm sau con số đó sẽ là 15.
Tiền thôi là chưa đủ, thương hiệu trà sữa này đòi hỏi đối tác phải có trình độ làm việc và kinh nghiệm quản lý ở vị trí tương đương. Vì thế những người mới bước chân vào ngành khó có cơ hội này.
Giải pháp cuối cùng là bạn tự mở một thương hiệu trà sữa của riêng mình. Tuy nhiên chi phí để làm điều này không hề nhỏ. Theo trang web chính thức của thương hiệu trà sữa Yi Dian Dian, chi phí mở một cửa hàng vào khoảng 400.000-600.000 NDT (1,3-2 tỷ đồng), chưa bao gồm tiền thuê cửa hàng và lương nhân viên. Vậy giá thuê cửa hàng là bao nhiêu?
Ảnh minh hoạ
Nếu mở ở vị trí đắc địa, lưu lượng khách lớn như các khu phố thương mại, chắc chắn tiền thuê mặt bằng không ít và ngược lại.
Theo Báo cáo Nghiên cứu chỉ số giá thuê bất động sản thương mại Trung Quốc vào năm 2019, giá thuê trung bình của 100 cửa hàng trên những khu phố thương mại tại 15 thành phố lớn của Trung Quốc là 25,9 NDT/m2/ngày. Giả sử cửa hàng của bạn rộng 15m2, tiền thuê mặt bằng mỗi ngày của bạn ước tính 388 NDT.
Không chỉ có vậy, tiền thuê nhân viên cũng tiêu tốn của bạn một khoản lớn. Thông thường một quán trà sữa cần 4 nhân viên đứng bán và 1 người đứng bếp. Nếu bạn có thể đảm nhận 1 trong những vị trí này, số lượng người thuê chỉ còn 4. Về mức lương nhân viên bán trà sữa, 4.000 NDT/tháng là mức thấp nhất. Ngay cả mức lương tối thiểu, tổng số tiền phải chi trả trả 4 người này cũng lên đến 16.000 NDT.
Ngoài ra chi phí khấu hao tài sản cố định cũng là một khoản phí bạn cần tính toán. Lấy ví dụ máy pha trà sữa thường có giá 70.000 NDT có thể sử dụng trong 3 năm . Tính theo số năm trung bình, chi phí hàng tháng bạn cần chi trả là 1.945 NDT.
Trên đây là toàn bộ chi phí cần thiết để mở một cửa hàng trà sữa tuy nhiên thực tế phức tạp và phát sinh nhiều thứ hơn bạn nghĩ. Nhiều người vì tin kinh doanh trà sữa lãi khủng mà dốc sạch túi tiền để đầu tư. Song thực thực tế "lãi khủng" này không phải là lãi ròng. Nó chỉ đơn giản được tính bằng cách lấy giá bán của ly trà sữa trừ đi vốn mà không xét đến các chi phí khác.
Thực tế, chi phí của cốc trà sữa không chỉ bao gồm phí nguyên liệu như sữa, trà, trân châu mà còn gồm tiền thuê mặt bằng, thuê nhân công, tiền điện, nước…
Ví dụ, tiền thuê nhà mỗi tháng, 11.640 NDT, chi phí khấu hao, 1.945 NDT, lương nhân viên, 16.000 NDT tổng là gần 30.000 NDT. Điều này có nghĩa là số tiền bán trà sữa sau khi trừ các chi phí nguyên liệu không phải tất cả đều vào túi bạn. Thực tế, nó cần phải chịu thêm 30.000 NDT này. Số tiền này còn chưa tính tiền điện, nước, phí dịch vụ khác.
Vì thế nếu thu nhập từ việc bán trà sữa của bạn dưới 30.000 NDT/tháng, không những không kiềm được thêm tiền mà bạn còn phải bù lỗ.
Theo báo cáo của China Merchants Securities, tỷ suất lợi nhuận ròng của các cửa hàng trà sữa lâu năm chỉ là 10-15%, thấp hơn nhiều so với con số 90% nhiều người vẫn đồn đoán về số tiền lãi từ hình thức kinh doanh này.
Nhìn vào menu của các quán trà sữa, bạn không khó để nhận ra thương hiệu nào cũng có những món đồ uống tương tự nhau. Trà trái cây, trà trái cây phô mai, trà sữa trân châu… là những cái tên quen thuộc xuất hiện trong menu đồ uống của các quán. Peng Xin, người sáng lập Naixue Tea từng lên tiếng chỉ trích một thương hiệu đã "đạo" ý tưởng đồ uống của mình.
Nhiều người cho rằng kinh doanh trà sữa không cần nhiều đến các kỹ năng. Thêm nữa, hoạt động kinh doanh này lại luôn được quảng cáo là "lãi khủng" chính vì thế thu hút một lượng lớn người tham gia vào ngành này.
Tại Trung Quốc, trong số các thương hiệu trà sữa có thể tham gia nhượng quyền, hơn 20 thương hiệu đã có hơn 1.000 cửa hàng. Michelle Ice City là thương hiệu có nhiều cửa hàng nhất ở quốc gia này với số lượng lên đến 5.000 điểm bán.
Theo số liệu của Meituan cho thấy chỉ tính riêng từ năm 2016-2018, số lượng cửa hàng trà sữa ở Trung Quốc tăng 74%, đạt 400.000 cửa hàng. Lấy Taikoo Li Sanlitun, một trong những trung tâm mua sắm không thể bỏ qua khi đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại đây, cứ 1km, bạn sẽ thấy không dưới 10 quán trà sữa. Dường như từ thương hiệu nổi tiếng cho các quán mới mở đều mong muốn cốc trà sữa của mình được hiện diện ở nơi thịnh vượng nhất ở Bắc Kinh.
Số lượng quán trà sữa mọc lên nhanh nhưng nhu cầu của người tiêu dùng không theo kịp dẫn đến việc những quán mới tham gia vào thị trường vắng khách là điều dễ hiểu. Theo Sách trắng tiêu thụ trà sữa năm 2019 của Trung Trung Quốc, số lượng cốc trà sữa mà người tiêu dùng sử dụng mỗi tháng thường từ 5-14 cốc, chiếm tỷ lệ 83%, còn người dùng từ 15 cốc trở lên/tháng chỉ chiếm 11%.
Ngoài ra, những nhà hàng, thương hiệu ăn nhanh cũng tung ra loại trà sữa của riêng mình như Mcdonald đưa ra trà sữa trân châu khổng lồ, KFC có trà sữa Bobo, trà Xiaolu của Luckin Coffee.
"Báo cáo tiêu thụ hương liệu trà sữa Meituan Waimai" cho thấy vào năm 2018, số lượng thương nhân cung cấp trà sữa trên nền tảng Meituan Waimai đã tăng gấp ba lần. Nhiều nhà hàng thậm chí còn thêm trà sữa vào thực đơn của họ để thu hút lượng truy cập.
Ngành trà sữa từ lâu đã là nơi cạnh tranh khốc liệt. Số lượng quán trà sữa mở ra nhiều song số lượng quán đóng cũng khá lớn. Theo số liệu của Meituan Dianping, kể từ nửa cuối 2015, số lượng quán trà sữa phải đóng cửa tăng dần. Theo Báo cáo Phân tích ngành trà sữa Trung Quốc, tính đến nửa đầu năm 2017, số lượng cửa hàng đã vượt quá 28% số cửa hàng mở. Năm 2017, 96.000 cửa hàng trà sữa mở ra, 78.000 điểm phải đóng cửa, chỉ 18,8% điểm bán hoạt động được liên tục trong 1 năm sau đó.
Nếu không hiểu về hoạt động kinh doanh trà sữa mà lao vào mở quán với hy vọng kiếm được tiền, bạn sẽ phải khóc khi trải nghiệm thực tế.
Xét cho cùng, việc mở quán trà sữa không dễ dàng kiếm được lợi nhuận khủng như lời đồn. Trong một thị trường cạnh tranh như hoạt động kinh doanh trà sữa, bạn cần tỉnh táo trong hoạt động đầu tư.
Theo 163