17 năm làm mẹ, tôi nhận ra: Dạy con từ sớm 10 nguyên tắc này, lợi ích nhiều hơn tưởng tượng!

Thanh Hương, Theo Đời sống & Pháp luật 12:31 15/04/2025
Chia sẻ

Sau này con cái sẽ biết ơn bạn vì những gì được dạy hôm nay.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, con còn nhỏ thì chưa cần ép vào khuôn khổ, để lớn hơn rồi dạy cũng chưa muộn. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại – càng nhỏ, trẻ càng cần những quy tắc rõ ràng để cảm thấy an toàn và hiểu đâu là ranh giới của thế giới xung quanh.

Một blogger nổi tiếng tên "Mẹ mọt sách", chuyên viết về chủ đề nuôi dạy con tại Trung Quốc chia sẻ, chị đã chứng kiến quá nhiều trường hợp trẻ em bị “thả rông” trong những năm đầu đời, đến khi đi học thì không biết tuân thủ kỷ luật, không biết hòa nhập, cuối cùng chính các em là người chịu thiệt thòi.

Theo blogger này, có 10 quy tắc cơ bản nhưng thiết yếu mà mọi gia đình nên áp dụng cho con từ khi còn nhỏ:

1. Gặp người lớn phải biết chào hỏi

Không chỉ là phép lịch sự mà còn là cách trẻ học cách tôn trọng người khác. Cha mẹ nên làm gương, hướng dẫn trẻ từng câu đơn giản như “Cháu chào ông”, “Con chào cô”. Nếu con rụt rè, hãy đồng hành: “Mẹ chào cùng con nhé?”.

17 năm làm mẹ, tôi nhận ra: Dạy con từ sớm 10 nguyên tắc này, lợi ích nhiều hơn tưởng tượng!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Không la hét, chạy nhảy ầm ĩ nơi công cộng

Đây là cách thể hiện sự văn minh và tôn trọng không gian chung. Trước khi ra ngoài, hãy dặn con: “Mình đi ăn như chú mèo con nhẹ nhàng nhé!”. Nếu con mất kiểm soát, nên đưa bé ra chỗ yên tĩnh để trấn tĩnh thay vì mắng mỏ giữa chốn đông người.

3. Không được tự ý lấy đồ của người khác

Ngay từ nhỏ, trẻ cần hiểu rằng “không phải cái gì cũng là của mình”. Hãy dạy con cách hỏi mượn thay vì giành giật. Đồng thời, cha mẹ cũng cần tôn trọng đồ đạc của con – đừng tùy tiện lấy hay đem cho người khác.

4. Tự dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong

Thói quen này giúp trẻ hình thành tinh thần trách nhiệm. Biến việc dọn đồ thành trò chơi hoặc thi đua sẽ khiến trẻ hứng thú hơn. Đặc biệt, đừng làm thay con chỉ vì con làm chậm.

5. Không được đánh người, dù có đang tức giận

Hãy dạy con diễn đạt cảm xúc bằng lời: “Con không thích bạn lấy đồ chơi của con”. Nếu con đánh bạn, cần ngăn chặn ngay và hướng dẫn xin lỗi.

6. Thời gian sử dụng thiết bị điện tử không quá 30 phút mỗi ngày

Thói quen dùng màn hình nhiều ảnh hưởng xấu đến khả năng tập trung và sáng tạo. Cha mẹ nên giới hạn bằng đồng hồ cát hoặc hẹn giờ, đồng thời là người làm gương, không “ôm” điện thoại cả ngày.

7. Gặp khó khăn, hãy thử trước khi nhờ giúp

Việc tự mình giải quyết vấn đề sẽ giúp trẻ tăng tính kiên trì. Hãy khuyến khích và khen ngợi sự cố gắng của con, dù kết quả chưa hoàn hảo.

8. Nói dối tệ hơn nhiều so với mắc lỗi

Giá trị cốt lõi của một con người là sự trung thực. Khi con nhận lỗi, hãy khen sự dũng cảm và cùng con khắc phục hậu quả. Đừng bao giờ cố gài bẫy để “bắt quả tang” con.

9. Mỗi ngày cần vận động ít nhất 1 tiếng

Vận động không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hỗ trợ tư duy học tập. Hãy biến việc vận động thành hoạt động gia đình như đạp xe, leo núi, chơi bóng.

10. Biết nói lời cảm ơn với người giúp mình

Trẻ biết biết ơn sẽ dễ nhận được sự yêu mến và giúp đỡ từ người khác. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ như “Cảm ơn bà đã múc cơm cho con” và đừng quên cha mẹ phải là tấm gương trong việc bày tỏ lòng biết ơn.

Việc đặt ra luật lệ không phải để khiến con bạn sợ bạn mà là để giúp con trở thành một con người tốt hơn. Nếu bạn chịu khó dạy bảo con ngay bây giờ, chắc chắn con sẽ cảm ơn bạn trong tương lai!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày