146 người chết và mất tích, gần 800 người bị thương do bão lũ

Văn Duẩn, Theo nld.com.vn 14:38 10/09/2024
Chia sẻ

Tính đến 13 giờ ngày 10-9, mưa bão, lũ đã làm 82 người chết và 64 người mất tích; gần 800 người bị thương; thiệt hại vô cùng nặng nề về kinh tế, nhiều địa phương đang bị cô lập do lũ dâng cao

146 người chết và mất tích, gần 800 người bị thương do bão lũ- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp vào khu dân cư thăm hỏi, động viên người dân tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên đang bị cô lập. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Cục quản lý đề điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), tính đến 13 giờ ngày 10-9, bão số 3 và mưa, lũ sau bão đã làm 146 người chết, mất tích (82 người chết, 64 người mất tích).

Cụ thể, tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có 19 người chết, 36 người mất tích. Tỉnh Lào Cai có 19 người chết, 11 người mất tích, gồm: Bát Xát 10 người, Sa Pa 8 người, Bắc Hà 6 người, Si Ma Cai 4 người, Văn Bàn 2 người.

Tỉnh Yên Bái có 22 người chết, 6 người mất tích do sạt lở đất, gồm: Lục Yên 13 người, TP Yên Bái 14 người, Văn Chấn 1 người.

Tỉnh Quảng Ninh 9 người chết do bão và lũ. TP Hải Phòng 2 người chết do bão; Hải Dương 1 người chết do bão; Hà Nội 1 người chết do bão. Hòa Bình 4 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn 2 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất. Bắc Giang 1 người chết do lũ cuốn. Tuyên Quang 2 người mất tích do lũ cuốn. Hà Giang 1 người chết và 1 người mất tích. Lai Châu 1 người chết do sạt lở đất. Phú Thọ có 8 người mất tích trong sự cố sập cầu Phong Châu.

Về số người bị thương lên tới gần 800 người, trong đó nhiều nhất ở tỉnh Quảng Ninh với 536 người, Hải Phòng 81 người, Hà Nội 10 người, Lạng Sơn 10 người, Lào Cai 14 người, Yên Bái 10 người, Cao Bằng 12 người…

Bộ NN-PTNT cho biết hiện hoàn lưu của bão số 3 còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 11-9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc.

Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đối với khu vực miền núi phía Bắc: Tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang).

Tập trung sơ tán người dân tại khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, an toàn hồ chứa, hạ du hệ thống sông Hồng - Thái Bình.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động nắm bắt, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày