Khoảng 1% dân số Anh Quốc tự nhận mình là người vô tính – đây là khái niệm để chỉ những người không có khoái cảm tình dục với người khác. Khi còn là một cô bé vị thành niên, phát hiện thấy mình không thực sự rung động trước con trai, Maria cứ ngỡ rằng, bản thân là người đồng tính. Tuy vậy, đến khi điều tương tự xảy ra với người cùng giới khác, cô cảm thấy bản thân như được sinh ra trong một hình hài khác lạ.
Chỉ đến năm tròn 24 tuổi, Maria mới biết về khái niệm "vô tính". Từ này đã miêu tả đúng những gì cô đang cảm thấy. Nhờ biết được điều đó mà Maria cũng biết đến Mạng lưới giáo dục và nhận thức về Vô tính (AVEN) – tổ chức kết nối cộng đồng những người vô tính hoặc những người ít có nhu cầu về tình dục.
Hình ảnh đời thường của Maria
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn xung quanh chủ đề người vô tính với Maria do phóng viên của trang Vice thực hiện.
1. Chào Maria, bạn có thể giải thích khái niệm "vô tính" là gì không?
Vô tính tức là không hề có khoái cảm tình dục với người khác, hoặc nếu có cũng là rất ít và chỉ thoáng qua. Cộng đồng người vô tính cũng rất đa dạng: có những người vẫn duy trì các mối quan hệ tình cảm với người khác, chỉ là trong mối quan hệ đó không tồn tại tình dục mà thôi; có những người thì hoàn toàn không thích mối ràng buộc giới tính nào với ai cả. Thậm chí, người đồng tình và chuyển giới cũng tham gia sinh hoạt trong cộng đồng chúng tôi nữa. Một điểm chung duy nhất giữa tất cả mọi người trong cộng đồng đó là việc chúng tôi không cảm thấy sức ép bắt buộc phải có nhu cầu quan hệ tình dục với người khác.
2. Người vô tính có bao giờ quan hệ tình dục kể cả khi họ không thích hoặc không có nhu cầu phải làm hay không?
Bạn cần phân biệt 2 khái niệm: một là khoái cảm tình dục và hai là hành vi tình dục. Khoái cảm là cảm xúc bên trong bạn. Nó giống như động lực thúc đẩy cảm xúc hoặc hành vi của bạn trong một trường hợp cụ thể. Cơ thể con người vẫn luôn tồn tại những phản ứng kích thích tình dục – có nghĩa là người vô tính vẫn có thể có cảm giác hưng phấn và muốn thủ dâm. Chính vì lẽ đó, một số người vô tính vẫn sẵn sàng quan hệ với người khác, lý do có thể là vì họ thích cảm giác được chiều chuộng đối tác của mình. Hoặc cũng có thể là vì họ cảm thấy đó là cách để họ thư giãn, tuy rằng việc đó không phải là điều họ thèm muốn.
Nhiều trường hợp người vô tính vẫn hẹn hò và lao vào một mối quan hệ, do áp lực của xã hội khiến họ phải chấp nhận làm theo. Những người ấy thậm chí còn lập gia đình, sinh con đẻ cái, nhưng sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc thực sự bởi luôn có một rào cản ngăn họ không thể giải thích cảm xúc thật của mình với người bạn đời.
3. Nhưng liệu có khả năng một cặp đôi yêu nhau đều là người vô tính được hay không?
Hoàn toàn có thể. Nhiều người vô tính vẫn tìm kiếm bạn đời cho mình, bởi vì con người ta sinh ra đã thích cảm giác lãng mạn rồi. Người ta có hàng ngàn cách để tạo nên một mối quan hệ tình cảm giữa một người vô tính và một người dị tính, thậm chí là giữa 2 người đều là người vô tính. Nhưng điều quan trọng nhất trong mỗi một mối quan hệ chính là sự đồng lòng và giao tiếp với nhau. Điều này càng trở nên cần thiết trong mối quan hệ khi mà một trong hai người không có ham muốn tình dục.
4. Người vô tính có bao giờ thủ dâm không?
Có người có và cũng có người không. Nhiều người không cảm thấy khoái cảm trước một ai khác, nhưng họ vẫn có thể cảm thấy hưng phấn nên họ chọn cách thủ dâm. Là người vô tính, điều đó chỉ thể hiện xu hướng tính dục của bạn, còn nhu cầu tình dục lại là một chuyện hoàn toàn khác. Nhiều cô gái còn chủ động thủ dâm trước "ngày đèn đỏ" bởi việc này giúp họ chống lại những cơn chuột rút khi hành kinh.
5. Bạn đã từng xem phim khiêu dâm bao giờ chưa?
Tôi đã từng, nhiều người vô tính khác cũng vậy và họ thường tự tạo cho mình những viễn cảnh khác nhau. Nếu như cho tôi xem một bộ phim mà ở đó hai nhân vật có mối quan hệ tình cảm với nhau, tôi sẽ chờ cho đến khi họ quan hệ - dù rằng đối với cuộc sống riêng của bản thân mình, tình yêu và tình dục không bao giờ có mối liên hệ với nhau. Tôi cũng không rõ vì sao mình lại làm vậy, nhưng thực sự là thế. Ngoài ra, những cảnh "ướt át" ở trong phim cũng khiến tôi cảm thấy hưng phấn, nhưng nếu xảy ra ở ngoài đời thực thì điều đó chẳng bao giờ khiến tôi phải thèm muốn được quan hệ cả.
6. Xã hội có phân biệt đối xử giữa người vô tính nam và nữ hay không?
Có. Người vô tính nam thường bị coi như không đủ nam tính và bị cho là không chịu thừa nhận bản thân là đồng tính nam. Đối với người vô tính nữ, họ thường bị nhầm là người đồng tính nữ, nhưng đôi khi cũng chỉ đơn giản là bị nhận xét lạnh lùng không cảm xúc mà thôi.
7. Mọi người phản ứng ra sao khi họ phát hiện bạn là người vô tính?
Người ta nghĩ rằng, tôi đang thủ tiết giữ mình, điều đó hoàn toàn không phải. Những người như vậy vẫn có khoái cảm tình dục nhưng họ chỉ đơn giản là không muốn quan hệ, còn người vô tính thì khác, họ không tồn tại khoái cảm nhưng vẫn có thể quan hệ nếu muốn. Thêm vào nữa là người ta thường có thái độ coi thường người vô tính – họ thường nói rằng đó chỉ là một giai đoạn tạm thời và chỉ đến khi gặp được người phù hợp thì chúng tôi sẽ mở lòng ngay. Một số người thậm chí còn nói với tôi rằng, lý do tôi không quan hệ là bởi chẳng có ai muốn ngủ với tôi cả.
8. Sau khi mọi người biết được xu hướng tính dục của bạn, họ có thay đổi cách đối xử với bạn không?
Chắc chắn rồi. Một số thì hoàn toàn phớt lờ tôi khi đi chơi buổi tối ngay sau khi họ biết rằng sẽ không có chuyện tôi ngủ cùng họ. Những người khác lại tỏ ra rất hứng thú đến mức ám ảnh với điều đó. Có lần, khi nghe tôi tâm sự thật rằng mình là người vô tính, cô bạn tôi bắt đầu hỏi tôi dồn dập. Hễ tôi cứ trả lời xong thì cô ấy lại ngắt lời tôi, và nói rằng tự dưng trong người cô ấy có cảm giác muốn được quan hệ với tôi. Còn trước đây, giữa tôi và cô ấy hoàn toàn không có chuyện cảm thấy bị đối phương thu hút.
Với những người như tôi, việc không bao giờ có khoái cảm tình dục thực sự đã là một thứ gì đó tồi tệ rồi. Tuy vậy, với những người vô tính khác không may trỗi dậy khoái cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, thì điều đó chẳng khác nào cực hình cả. Khi người khác biết được điều đó, họ tự cho mình là có khả năng "kỳ diệu" để khiến chúng tôi cảm thấy hưng phấn trở lại.
9. Để tránh khiến người khác hiểu nhầm, bạn có tỏ thái độ ít quan tâm hơn đến họ hay không?
Hồi tôi phát hiện ra mình không thực sự có cảm xúc trai gái như nhiều người khác, lúc đó tôi mới chỉ 17 tuổi. Lúc đó tôi cũng chưa hình dung ra khái niệm "vô tính" là như thế nào. Điều mà tôi biết là tôi không muốn quan hệ với bất cứ ai, nên dần tôi biến mình trở thành một người không cảm xúc, không muốn hôn ai, không thích được ôm ấp, và đương nhiên là không tỏ ra quá quan tâm đến ai đó, để tránh việc họ hiểu nhầm. Vì tôi nghĩ là đằng nào họ cũng sẽ mong nhận lại điều gì đó từ tôi. Và đến lúc họ nhận ra không thể mang đến hạnh phúc cho họ thì chẳng khác nào tôi lừa gạt họ. Dần dần tôi cũng trưởng thành hơn và hiểu biết hơn, và một khi tôi biết diễn đạt cảm xúc của mình, tôi trở nên cởi mở và thẳng thắn hơn về vấn đề đó với bất cứ ai thân thiết.
10. Việc sống ở một thế giới đặt nặng việc tình dục hóa mọi thứ, trong khi bản thân lại không có ham muốn tình dục, liệu điều đó có cản trở bạn?
Việc trưởng thành trong chính môi trường ấy (Tây Ban Nha) từ nhỏ khiến tôi không cảm thấy có gì xa lạ với điều đó. Nhìn lại, tôi nhớ có những lúc chính tôi cảm thấy rất kì cục khi bản thân không có chút phản ứng gì với bất cứ kích thích tình dục nào, mà đáng ra tôi phải có cảm xúc với nó mới phải.
Chẳng hạn, có lần tôi đứng chờ ở bến xe buýt với bạn bè, nghe họ đùa cợt về một bức quảng cáo bên cạnh có hình anh chàng mặc quần lót. Tôi vẫn nhớ rất rõ lúc đó, rằng mình không hề chú ý đến hình ảnh đấy dù chỉ một lần. Kể cả bây giờ, mỗi khi xem một bộ phim mà trong đó hai nhân vật quan hệ tình dục với nhau mà không rõ lí do – nói cách khác là không liên quan gì đến cốt truyện của phim cả - tôi không thể ngừng suy nghĩ về mục đích chính đằng sau cảnh phim vô nghĩa ấy là gì.
Nguồn: Vice