Khi nhắc tới việc thực hiện các tập phim hậu truyện, hầu hết mọi người thường hiểu lầm rằng đó chẳng qua chỉ là chiêu trò "vắt sữa" của mấy hãng phát hành nhằm thu hút thêm đối tượng khán giả. Tuy nhiên, đối với dân làm nghề có tâm, sequel được xem như chiếc chìa khóa để khai mở hết những tiềm năng thú vị vẫn còn đang ẩn giấu bên trong tác phẩm.
Tiếp nối bài viết trước, 5 thương hiệu (franchise) cuối cùng xuất hiện trong danh sách sau đây đều đáng xếp vào hàng ngũ tượng đài điện ảnh. Dưới bàn tay phù phép diệu kì của các vị đạo diễn tài ba, chúng đã đặt ra vô số chuẩn mực "vàng ngọc" mà thế hệ làm phim hậu bối phải học hỏi noi theo. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, nhân tố quan trọng góp phần đưa chúng tiến đến đỉnh vinh quang lại chính là những sequel sở hữu nội dung xuất sắc, thậm chí vượt trội hơn cả bản gốc.
Sau thành công vang dội từ The Terminator (1984) và Aliens (1986), đạo diễn James Cameron nghiễm nhiên được bật đèn xanh cho dự án Terminator 2. Với kinh phí sản xuất lên tới 102 triệu USD, thuộc hàng đắt đỏ nhất tại thời điểm đó, Judgment Day (Ngày Phán Xử) đánh dấu bước tiến dài trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy thông qua việc ứng dụng công nghệ CGI để mô phỏng chuyển động tự nhiên của con người. Hình ảnh con robot T-1000 (Robert Patrick) có khả năng thay đổi nhân dạng liên tục nhờ chất liệu kim loại lỏng đã gây bất ngờ lớn cho khán giả lẫn giới chuyên môn.
Được sáng tạo bởi chính James Cameron, hành trình giải cứu thế giới khỏi hệ thống máy tính Skynet của mẹ con nhà Connor dẫu đơn giản, dễ hiểu nhưng chẳng hề hời hợt. Trái ngược hình tượng phản diện lạnh lùng ở The Terminator, kẻ hủy diệt T-800 (Arnold Schwarzenegger) đôi lúc khiến người xem quên mất ông ta là cỗ máy được lập trình sẵn. Không chỉ trở thành tay vệ sĩ đắc lực, T-800 còn mang dáng dấp một người cha đích thực, luôn sẵn sàng che chở, bảo vệ cậu bé John Connor trong mọi tình huống nguy cấp.
Khác biệt hẳn hơi hướng kinh dị (horror) xưa kia, Judgment Day mang đến những thước phim hành động kinh điển không thể nào quên, đơn cử như trường đoạn đuổi bắt tay ba đầy gay cấn giữa mô tô phân khối lớn và chiếc xe đầu kéo, hoặc cảnh T-1000 lái trực thăng luồn lách dưới chân cầu vượt nhằm truy sát con mồi. Sự dàn dựng công phu đó đã giúp Judgment Day vinh dự giành lấy 4 tượng vàng Oscar năm 1992 tại hạng mục Hình ảnh, Âm thanh, đồng thời đem về doanh thu phòng vé gấp 5 lần số vốn bỏ ra ban đầu.
Đêm 29 tháng 2 năm 2004, đúng với cái tên của mình, The Lord of the Rings: The Return of the King (Chúa tể của những chiếc nhẫn: Sự trở về của nhà vua) gây chấn động làng giải trí quốc tế khi lần lượt chinh phục toàn bộ 11 đề cử Oscar: từ Phục trang, Kỹ xảo, Hòa âm cho tới Kịch bản, Đạo diễn và cả Tác phẩm Xuất sắc nhất. Đây cũng là lần đầu tiên lẫn duy nhất một bom tấn phiêu lưu kì ảo được Viện Hàn Lâm trao tặng nhiều giải thưởng danh giá như vậy. Ngoài ra, The Return of the King còn khiến hãng New Line Cinema nở mày nở mặt bởi tổng doanh thu toàn cầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Dựa trên bộ tiểu thuyết huyền thoại của văn hào J. R. R. Tolkien, đạo diễn Peter Jackson đã hoàn tất bộ ba phim Chúa Nhẫn theo cách không thể hoàn hảo hơn. Tuy sử dụng công nghệ CGI từ thập niên 2000 kết hợp với việc xây dựng mô hình thật, nhưng các trận đánh trong The Return of the King đều được thể hiện cực kì chân thực, bi tráng. Đến nay, vẫn chưa có đại cảnh chiến tranh nào đủ sức đem lại cảm giác phấn khích cho người xem giống như trường đoạn tử thủ lâu đài Minas Tirith. Nhà phê bình nổi tiếng Peter Bradshaw đã phải thốt lên: "Bằng dòng máu nóng cùng sự tỉ mẩn tới từng chi tiết, Peter Jackson đã làm sống lại một trong những thiên truyện kì ảo bậc nhất của thế giới.
Bên cạnh đại tiệc hiệu ứng mãn nhãn, Peter Jackson cũng không quên chăm chút cho khâu kịch bản lẫn tuyến nhân vật. Đan xen giữa các hiệu ứng cháy nổ hoành tráng, tác phẩm vẫn chứa đựng những khoảng lặng ý nghĩa về lòng trung thành tận tụy từ anh bạn Hobbit Samwise Gamgee (Sean Astin), hay tinh thần đồng đội vào sinh ra tử của chàng tiên tộc Legolas (Orlando Bloom) và lão người lùn Gimli.
Năm 1977, hiện tượng Star Wars: Episode IV - A New Hope đã tạo nên ảnh hưởng có tính cách mạng đến ngành công nghiệp điện ảnh thế giới, mở đầu cho thời kì hoàng kim của thể loại khoa học viễn tưởng ngoài vũ trụ. Thừa thắng xông lên, đạo diễn kiêm biên kịch Geogre Lucas bắt tay thực hiện sequel mang tên The Empire Strikes Back (Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao 5: Đế Chế Phản Công). Được phát hành bởi 20th Century Fox, bộ phim tiếp tục gây tiếng vang lớn với một nội dung u ám, đen tối hơn hẳn A New Hope. Cây viết huyền thoại Roger Ebert thẳng thắn nhận xét: "The Empire Strikes Back là tác phẩm hay nhất xuyên suốt bộ ba đầu tiên".
Thêm một lần nữa, Geogre Lucas lại làm người xem phải trầm trồ thán phục trước mảng đồ họa tiên tiến nhất thập niên 80. Còn gì tuyệt vời bằng lúc được chiêm ngưỡng kiến trúc tuyệt đẹp ở thành phố nổi Cloud City, hoặc tận mắt chứng kiến những cuộc chạm trán nảy lửa giữa lực lượng quân khởi nghĩa với đế chế Galatic Empire. Đường dây tâm lý nhân vật cũng là một điểm sáng đáng nhớ khi xoay quanh quá trình khổ luyện để trở thành kiếm sĩ Jedi của Luke Skywalker (Mark Hamill), bên cạnh câu chuyện tình cảm lãng mạn của cặp đôi Han Solo (Harrison Ford) và công chúa Leia (Carrie Fisher).
Chưa hết, The Empire Strikes Back còn khiến cộng đồng fan hâm mộ Star Wars choáng váng, sững sờ bởi nút thắt tình tiết (plot twist) nằm ngoài sức tưởng tượng: Darth Vader, tên đồ tể máu lạnh đáng sợ thuộc phe phản diện lại mang mối quan hệ huyết thống cha con với Luke Skywalker. Nhằm đảm bảo tính bất ngờ, chỉ có vài thành viên "cấp cao" trong ekip sản xuất (như tài tử Mark Hamill) mới được Geogre Lucas tiết lộ sự thật động trời trên. Thậm chí, David Browse, nam diễn viên thủ vai Darth Vader, cũng bị đưa cho bản hội thoại giả trước khi chính thức tham gia công đoạn lồng tiếng.
Không có gì là không thể, bằng bộ ba bom tấn về chàng kỵ sĩ bóng đêm, đạo diễn Christopher Nolan đã khiến giới phê bình phải nghiêm túc nhìn nhận lại dòng phim siêu anh hùng dưới một góc độ tích cực. Vốn thường bị gắn mác giải trí và hời hợt, ông chứng minh rằng chúng thực sự có thể sánh vai cùng những kiệt tác điện ảnh. Trong đó, hậu bản The Dark Knight (Hiệp Sĩ Bóng Đêm) được xem như điểm nhấn của cả trilogy, làm thay đổi toàn bộ diện mạo ở thể loại này khi dung hòa tuyệt hảo yếu tố giải trí thương mại với nghệ thuật đỉnh cao.
Kế thừa phong cách trinh thám, tâm lý tội phạm rất thành công từ Batman Begins (2005), The Dark Knight mang đến cốt truyện sâu sắc, đậm chất suy tư xoay quanh lằn ranh thiện ác. Vay mượn cuộc chiến chống tội phạm tại thành phố Gotham làm bức bình phong, Nolan khéo léo phản ánh cái cách mà chính phủ Mỹ thời bấy giờ định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố. Một điều thú vị nhưng chẳng phải người nào cũng biết, đó là ban đầu, Nolan mong muốn xây dựng thông điệp chủ đề cho tác phẩm qua mối quan hệ nửa bạn nửa thù giữa anh chàng tỷ phú Bruce Wayne/ Batman (Christian Bale) và tay công tố viên Harvey Dent (Aaron Eckhart). Tuy nhiên, ông không ngờ rằng, vai diễn để đời của cố tài tử Heath Ledger đã lấn át hết mọi thứ.
Vận dụng kỹ thuật method acting, Heath Ledger hoàn toàn hóa thân vào gã hoàng tử tội phạm The Joker. Ám ảnh về cả tạo hình, giọng nói lẫn thái độ biểu cảm, anh từng làm diễn viên gạo cội Michael Caine hoảng sợ đến mức quên mất luôn lời thoại trong buổi quay hình. Tạp chí Entertainment Weekly đã hết lời ngợi khen nhân vật này: "Mỗi người hùng lớn đều cần một phản diện lớn. Và năm 2008, Batman của Christian Bale cuối cùng cũng tìm thấy gã điên cuồng loạn trí dành riêng cho mình: The Joker". Tại buổi lễ trao giải Oscar năm 2009, gia đình Heath Ledger đã nhận thay anh bức tượng vàng cao quý ở hạng mục Vai phụ Xuất sắc nhất.
Năm 1972, khi Francis Ford Coppola chuyển thể cuốn tiểu thuyết The Godfather của nhà văn Mario Puzo lên màn ảnh rộng, không ai dám tin sẽ có thêm một bộ phim gangster nào khác đủ sức xứng tầm với nó. Thế nhưng, chỉ hai năm sau, vị đạo diễn tài hoa ấy lại tự phá vỡ kỷ lục do chính mình lập nên bằng đứa con tinh thần The Godfather: Part II. Phần hậu truyện này kinh điển tới mức Viện phim Hoa Kỳ (American Film Institute) đều xếp nó lẫn The Godfather vào bảng xếp hạng 100 tác phẩm điện ảnh hay nhất mọi thời đại. Chưa hết, The Godfather: Part II còn là sequel đầu tiên trong lịch sử vinh dự chiến thắng 6/11 đề cử Oscar cho Kịch bản chuyển thể, Diễn viên phụ, Đạo diễn và Tác phẩm Xuất sắc nhất.
Sử dụng lối kể tường thuật, The Godfather: Part II bao gồm hai câu chuyện diễn ra song song nhau: con đường bước vào thế giới ngầm của ông trùm Vito thời trẻ (Robert De Niro) cùng hành trình củng cố đế chế tội phạm nhà Corleone từ cậu con út Michael (Al Pacino). Bộ phim không chỉ củng cố chủ đề gia đình cốt lõi mà còn khai thác và đẩy chúng lên đỉnh điểm cao trào. Tập hợp dàn diễn viên thuộc hàng tinh hoa nhất thập niên 70, cộng thêm phần kịch bản tuyệt vời do Coppola viết chung với nhà văn Mario Puzo, The Godfather: Part II đã để lại vô số phân cảnh cực kì kinh điển.
Trong khi Robert De Niro thể hiện quá duyên dáng phẩm chất quý ông lịch thiệp, nam tài tử yểu mệnh John Cazale làm khán giả phải căm tức trước tính cách yếu đuối hèn nhất, thì Al Pacino thực sự gây bất ngờ lớn bởi màn nhập vai xuất sắc thành Bố Già đời thứ hai, Michael Corleone. Trái ngược phong thái lãnh đạo ôn hòa nhã nhặn ở người bố, Michael khiến tất cả mọi người đều kiêng dè, nể sợ bởi sự mưu trí lạnh lùng, đôi lúc không từ thủ đoạn nào nhằm "diệt cỏ tận gốc". Tất nhiên, cái gì cũng có cái giá đánh đổi của nó.
Lý do khiến nhiều phim hậu truyện bị thất bại trong vài năm gần đây chủ yếu là do nhà đầu tư quá mải mê chạy đua theo lợi nhuận mà bỏ quên mất vấn đề cốt lõi: kịch bản. Nếu được chăm chút kỹ lưỡng về mặt nội dung, thì bất kỳ tác phẩm nào chứ không chỉ riêng sequel cũng có thể đem đến bất ngờ thú vị cho đông đảo khán giả.