Rau củ quả là nguồn thực phẩm không thể thiếu cho một chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, ít ai biết là nếu rửa rau không đúng cách thì chẳng những không sạch mà còn “bẩn” hơn, thậm chí làm mất chất dinh dưỡng quý giá trong rau.
Vậy liệu bạn đã rửa rau đúng cách chưa?
Hiểu lầm số 1: Ngâm rau quá lâu
Nhiều người nghĩ rằng ngâm rau càng lâu thì càng sạch. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Khi rau được ngâm trong nước, thuốc trừ sâu và các chất bẩn trên bề mặt rau sẽ hòa tan vào nước. Tuy nhiên, nếu ngâm quá lâu, rau lại hấp thụ ngược lại những chất này vào bên trong.
Không chỉ vậy, việc ngâm lâu còn khiến rau bị nhũn, mất vị ngon và giảm giá trị dinh dưỡng. Theo nghiên cứu, thời gian ngâm rau hợp lý chỉ nên trong khoảng 5–15 phút để giúp loại bỏ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn giữ được độ tươi ngon.
Hiểu lầm số 2: Cắt rau trước khi rửa
Sau khi nhặt rau thì tiện tay cắt luôn rồi mới đem đi rửa chắc chắn là thói quen của không ít người. Thực ra, cách làm đúng là: Rửa trước rồi mới cắt, tước hoặc nhặt rau. Lý do là vì khi rau bị cắt, cấu trúc bên trong bị phá vỡ, tạo điều kiện để thuốc trừ sâu và vi khuẩn dễ dàng thâm nhập vào trong rau trong quá trình rửa. Đồng thời, vitamin, dưỡng chất trong rau cũng dễ bị thất thoát nếu rửa sau khi cắt. Vì vậy, hãy luôn rửa rau khi còn nguyên rồi mới sơ chế nhé.
Hiểu lầm số 3: Dùng nước rửa rau nhưng không xả kỹ
Hiện nay có rất nhiều loại nước rửa rau trên thị trường với đủ thành phần và công dụng khác nhau. Nếu bạn muốn sử dụng, nên chọn những sản phẩm uy tín, có thương hiệu rõ ràng. Tuy nhiên, điều quan trọng là sau khi dùng nước rửa rau, bắt buộc phải tráng lại thật kỹ bằng nước sạch. Nếu không, chính nước rửa rau có thể trở thành nguồn gây hại mới cho sức khỏe.
Các mẹo như rửa bằng nước gạo, nước muối đậm đặc, nước có pha baking soda hay dùng máy rửa rau bằng ozone… cũng cần được cân nhắc kỹ, vì nếu lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách sẽ gây ra các vấn đề khác. Tốt nhất là nên hạn chế và sử dụng một cách cẩn trọng.
Các chuyên gia khuyến nghị rằng cách rửa rau hiệu quả nhất chính là: Rửa dưới vòi nước sạch, kết hợp nhẹ nhàng dùng tay chà xát rau trong ít nhất 30 giây. Phần lớn thuốc trừ sâu có thể tan trong nước, nên chỉ cần rửa kỹ bằng nước sạch là đủ loại bỏ đáng kể dư lượng thuốc.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng thêm một số mẹo hữu ích sau:
1. Để rau “nghỉ” trước khi rửa
Một số loại rau củ quả có thể để ở nhiệt độ phòng vài ngày trước khi dùng như khoai tây, cà chua, bí đỏ, dưa leo, chuối, kiwi... Việc để rau củ “thở” một thời gian giúp dư lượng thuốc trừ sâu phân hủy dần theo thời gian, từ đó giảm bớt lượng tồn dư độc hại.
2. Rửa trước, ngâm sau (trong thời gian ngắn)
Đối với các loại rau lá như cải bó xôi, xà lách, cải ngọt… bạn có thể rửa sơ bằng nước sạch để loại bỏ đất cát, sau đó mới ngâm trong nước sạch thêm vài phút. Cách này giúp loại bỏ tạp chất mà không làm rau bị úng hay mất chất.
3. Dùng nước muối loãng
Bạn có thể pha nước muối theo tỉ lệ nhẹ: khoảng 2 thìa muối cho 1 chậu nước lớn (nồng độ khoảng 0.3%). Dùng nước này để ngâm và rửa rau sẽ giúp sát khuẩn nhẹ mà không làm rau bị mềm nhũn hoặc biến chất. Lưu ý nhỏ là không nên pha muối quá đặc vì có thể khiến rau mất độ giòn và ngon.
4. Chần sơ rau trước khi chế biến
Một số loại rau như cần tây, bắp cải, ớt chuông, đậu que, súp lơ… nên được chần sơ qua nước sôi trong 2–5 phút sau khi đã rửa sạch. Quá trình gia nhiệt sẽ giúp phân hủy thêm một phần thuốc trừ sâu còn sót lại. Sau đó, bạn có thể rửa lại nhanh bằng nước sạch và đem đi chế biến.
Với mỗi loại rau cũng sẽ có 1 cách rửa chuyên biệt để đảm bảo sạch sẽ trước khi được đưa vào cơ thể người. Bạn cũng có thể tham khảo 1 số cách sơ chế theo từng loại rau như sau:
- Rau củ thân mềm, có vỏ sần như dưa leo, ớt chuông, khoai tây, mướp đắng: Có thể ngâm nước ấm 1–2 phút, thêm một ít nước rửa rau (nếu có) rồi dùng bàn chải mềm chà nhẹ các khe rãnh, sau đó rửa sạch lại dưới vòi nước. Nếu thấy vỏ quá bẩn hoặc không an tâm, có thể gọt bỏ vỏ ngoài.
- Rau có lá bọc ngoài như bắp cải, cải thảo: Nên bỏ lớp lá ngoài cùng, phần bên trong thì bạn ngâm nước ấm nhẹ rồi xả sạch dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn và dư lượng hóa chất.
- Rau lá nhỏ như cải bó xôi, cải cúc, rau dền: Cắt bỏ rễ trước rồi ngâm rau vào nước và dùng tay khuấy nhẹ, sau đó xả kỹ bằng nước sạch dưới vòi. Khi rửa nên để phần gốc hướng lên trên để dòng nước rửa sạch đất cát bám ở rễ.
Nguồn: Aboluowang