1 loại hoa sang thường chơi vào ngày Tết, có chứa chất độc nhưng ít người biết

Ngọc Minh, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 20:00 25/01/2025
Chia sẻ

Đây là một loại hoa sang trọng được nhiều gia đình chọn chơi Tết. Tuy nhiên, loại hoa này lại có chất độc có thể gây hại cho sức khỏe.

Hoa thủy tiên gắn liền với thú chơi hoa Tết của nhiều người. Đồng thời, thú chơi hoa thủy tiên cũng là nét đẹp văn hóa phản ánh sự cầu kỳ, tỉ mỉ và thanh lịch của người dân Hà Nội.

Theo nhiều tài liệu ghi chép, thú chơi này có thể bắt nguồn từ thời nhà Lê (thế kỷ 15 - 18). Vào thời điểm đó, hoa thủy tiên được xem là một loại hoa quý, chỉ dành cho vua chúa và tầng lớp quý tộc.

Hoa thủy tiên được nhiều người yêu thích vì có vẻ đẹp tao nhã và hương thơm dịu dàng. Loại hoa này được coi là biểu tượng của sự may mắn, tài lộc và thịnh vượng trong năm mới.

Chơi hoa thủy tiên đòi hỏi sự cầu kỳ, tinh tế từ bước chọn củ, gọt củ, chăm sóc đến khi hoa nở. Người chơi hoa phải có kiến thức chăm sóc về hoa.

1 loại hoa sang thường chơi vào ngày Tết, có chứa chất độc nhưng ít người biết- Ảnh 1.

Hoa thuỷ tiên. (Ảnh minh hoạ)

Hoa thủy tiên đẹp nhưng có độc

Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm khoa học & Công nghệ Việt Nam, người có thâm niên nghiên cứu về các loại thực vật, hoa, quả…, cho biết hoa thủy tiên đẹp nhưng chứa chất độc.

Hoa thủy tiên có nguồn gốc từ châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, sau đó được du nhập vào Việt Nam. Cây thuộc chi Narcissus gồm khoảng 40 loài thực vật thân củ, thuộc họ Amaryllidaceae.

Hoa thủy tiên là cây lâu năm, lá mọc từ củ vào mùa xuân, lá dẹt, cây có chiều cao 20 cm -1.6 m tùy theo loài. Hoa có hình loa kèn màu vàng, trắng, hồng, có sáu cánh, trung tâm là nhụy hoa. Hoa thuỷ tiên có củ như hành tây, lá giống lá tỏi nhưng mảnh hơn.

Tất cả các bộ phận của cây hoa thủy tiên đều có độc, nhất là củ.

Theo ông Sáng, trong thành phần của cây chứa chất lycorine là một alkaloid, gây ức chế Enzym cholinesterase, gây ra các triệu chứng như nôn, buồn nôn, đổ mồ hôi, nhịp tim chậm.

Nếu vô tình ăn phải hoa thủy tiên với số lượng lớn có thể gây co giật, ức chế tuần hoàn, hô hấp và hôn mê. Bên cạnh đó, củ của hoa thủy tiên chứa thành phần oxalat, nếu nuốt phải có thể gây bỏng và kích ứng niêm mạc môi lưỡi, họng.

ThS.BSNT Bùi Tiến Công – Khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cho biết, trong quá trình công tác, bác sĩ đã tiếp nhận một số trẻ nhỏ ngộ độc hoa thủy tiên vào cấp cứu. Gần đây nhất là hai bệnh nhi bị ngộ độc do ăn nhầm lá hoa thủy tiên. Gia đình hai bé đã nhầm lẫn lá thủy tiên với lá hẹ nên đã sử dụng để nấu cháo chữa ho cho các bé. Sau khi ăn, cả hai trẻ xuất hiện triệu chứng đường tiêu hoá như đau bụng, nôn liên tục. Ngay sau đó, gia đình đã nhận ra sự nhầm lẫn và lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

Rất may mắn, cả hai bé được đưa tới bệnh viện sớm nên được tiến hành các biện pháp thải trừ chất độc ra khỏi cơ thể bằng việc rửa dạ dày kết hợp sử dụng than hoạt tính để hấp thụ độc tố và nhuận tràng… Hai bé đã an toàn xuất viện.

Qua trường hợp ngộ độc hoa thủy tiên trên, bác sĩ Bùi Công Tiến khuyến cáo hoa thuỷ tiên có củ như hành tây, lá giống lá tỏi nên phải cẩn thận để tránh nhầm lẫn. Một số loại cây khác như cây kim tiền, khoai nước cảnh cũng có thể gây bỏng, kích ứng miệng, họng khi trẻ ăn nhầm. Do đó, gia đình có trẻ nhỏ cần tìm hiểu rõ về các loại cây trưng trong nhà.

Ngoài ra, người lớn cần tránh trồng hoặc trưng bày các loại cây có độc ở những nơi có trẻ nhỏ, phải để xa tầm tay của trẻ. Nếu trẻ ăn phải cây nghi có độc, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ngọc Minh

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày