Thật ra thời buổi ngày nay, chuyện vợ chồng ly hôn nó cũng không còn là câu chuyện lạ lùng gì nữa rồi. Ai cũng biết bố mẹ bỏ nhau thì khổ nhất là con cái. Thế nhưng, những đứa trẻ "khổ nhất" mà người ta nói đó sẽ lớn lên, trưởng thành như thế nào thì có lẽ ít ai quan tâm, đề cập tới.
Tôi sinh ra trong 1 gia đình như vậy, Bố mẹ tôi ly hôn khi tôi còn quá nhỏ để nhớ nổi một buổi tối có cả bố và mẹ cùng ngồi ăn cơm. Từ đó, tôi sống cùng ông bà ngoại. Ông bà rất thương và chăm sóc tôi chu đáo, lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy tôi lễ phép, học hành đàng hoàng.
Tôi luôn làm bài tập thật sớm, luôn vâng lời, luôn cười, luôn cố không gây phiền phức. Tôi sợ nếu mình khiến ai buồn, họ sẽ không thương tôi nữa. Tôi cố gắng giỏi không phải để tự hào, mà để được công nhận. Tôi thường né tránh xung đột, kể cả khi mình đúng. Tôi hay hỏi đi hỏi lại những câu như “Mình làm vậy có ổn không?”. Nếu có bất kỳ mâu thuẫn nào xảy ra dù là với bất kỳ ai, tôi sẽ vắt tay lên trán và tự hỏi rằng mình có làm gì sai không nhỉ.
Tôi từng tưởng như vậy là trưởng thành là con ngoan trò giỏi. Nhưng lớn lên rồi, tôi mới nhận ra vấn đề lớn nhất của tôi là luôn sợ hãi việc bản thân không được công nhận. Tôi dễ cảm thấy cô đơn, dễ rơi vào những mối quan hệ không lành mạnh chỉ vì sợ mất đi ai đó. Tôi không giỏi yêu thương chính mình vì tôi luôn bận lo làm hài lòng người khác.
35 tuổi, cái tuổi chẳng còn trẻ trung gì, thanh xuân thì đi qua rồi nhưng tương lai mơ hồ, không gia đình, không con cái, không 1 người để tin tưởng. Tôi nhận ra rằng, 1 đứa trẻ không được sống cùng với bố mẹ sẽ phải chịu rất nhiều vấn đề về tính cách và tâm lý trong suốt quá trình trưởng thành.
Không phải đứa trẻ nào lớn lên thiếu vắng cha hoặc mẹ cũng sẽ bất hạnh. Nhưng thực tế cho thấy, việc không được sống cùng bố mẹ trong một gia đình trọn vẹn có thể để lại những ảnh hưởng âm thầm và lâu dài lên tâm lý và tính cách của trẻ. Dù được ông bà, người thân hoặc người giám hộ chăm sóc chu đáo, đứa trẻ vẫn có nguy cơ đối mặt với nhiều cảm xúc tiêu cực do thiếu hụt tình cảm gốc rễ từ cha mẹ ruột.
Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất là nỗi sợ bị bỏ rơi. Trẻ lớn lên trong hoàn cảnh này thường có xu hướng gắn bó dính bám, lo lắng thái quá khi cảm thấy ai đó sắp rời xa mình. Vì thiếu sự an toàn tình cảm từ nhỏ, các em rất dễ cảm thấy bất an trong mọi mối quan hệ – kể cả tình bạn hay tình yêu khi trưởng thành.
Thêm vào đó, trẻ thiếu tự tin, hay nghi ngờ giá trị bản thân. Các em thường cho rằng: “Có lẽ mình không đủ tốt nên bố/mẹ mới không ở bên mình.” Niềm tin sai lệch này có thể khiến trẻ lớn lên luôn cần người khác công nhận để cảm thấy có giá trị, thay vì biết tự yêu thương và chấp nhận chính mình.
Một đặc điểm đáng chú ý nữa là tâm lý muốn làm hài lòng người khác. Để tránh bị từ chối hay bỏ rơi lần nữa, trẻ thường cố gắng cư xử thật ngoan, thật đúng mực, không dám thể hiện cảm xúc thật – dù là tức giận hay buồn bã. Dần dần, điều này hình thành một kiểu nhân cách chịu đựng, sống vì người khác nhưng quên mất bản thân.
Trẻ trong hoàn cảnh này cũng có thể giao tiếp cảm xúc kém. Do không được hướng dẫn, phản hồi cảm xúc một cách đầy đủ từ cha mẹ – những người gắn bó thân mật nhất – trẻ dễ trở nên khép kín, khó mở lòng và không biết cách bộc lộ cảm xúc một cách lành mạnh.
Hậu quả nặng nề hơn, khi lớn lên, những đứa trẻ này có thể rơi vào các mối quan hệ độc hại mà không nhận ra, hoặc không dám rời bỏ. Đơn giản vì các em đã quen với việc chịu đựng thiếu thốn tình cảm, và sợ cô đơn đến mức chấp nhận bị tổn thương chỉ để có cảm giác được "gắn bó".
Trẻ không sống cùng bố mẹ không có nghĩa là không thể hạnh phúc. Nhưng để lớn lên một cách vững vàng, các em cần nhiều hơn cả sự chăm lo vật chất đó là sự thấu hiểu, đồng hành và tình cảm đủ đầy từ những người thay thế vai trò cha mẹ.
Người lớn đừng mặc định “nó quen rồi, nó sẽ ổn”. Đúng! Nó sẽ quen, sẽ ổn nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai sau này.