Chiều 23/6 chương trình đám cưới tập thể "Giấc mơ có thật" lần thứ 2 tại Hà Nội cho 65 cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật đã diễn ra tại Hà Nội.
Lễ cưới tập thể của 65 cặp đôi có hoàn cảnh kém may mắn lần thứ hai được tổ chức.
Chương trình nhằm tạo cơ hội cho người khuyết tật kém may mắn trong cuộc sống có một ngày kết duyên ý nghĩa và đáng nhớ, thiết thực hướng tới ngày gia đình Việt Nam.
Đây là năm thứ hai, chương trình đám cưới tập thể "Giấc mơ có thật" được tổ chức và mong muốn nhận được nhiều sự chung tay, góp sức của các cấp lãnh đạo và cộng đồng để chương trình được tổ chức thường niên, mang lại giá trị nhân văn và hạnh phúc cho những mảnh đời kém may mắn.
Các cặp đôi cho biết, họ rất hạnh phúc và thực sự rất cám ơn chương trình này đã giúp họ thực hiện được một ước mơ bình dị nhưng thiêng liêng nhất mà bất cứ ai trong đời cũng có quyền và được quyền thực hiện.
65 cặp đôi chụp ảnh tập thể trước buổi lễ.
Đó là làm đám cưới và được mặc tấm áo cưới màu trắng. Màu trắng tinh khôi như minh chứng cho tình yêu trong sáng và ước vọng mong muốn được hạnh phúc.
Ngồi cạnh vợ và hai người con nhỏ trong không gian tiệc cưới sang trọng và hoành tráng, anh Trần Văn Tưởng (SN 1987, quê Thường Tín, Hà Nội) không giấu được niềm hạnh phúc.
Anh Tưởng và chị Tiền lần đầu được tổ chức lễ cưới.
Sinh ra kém may mắn hơn bao người, anh mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh, cơ thể anh rất nhỏ nhắn, chỉ cao 1 mét và nặng 28 cân.
Căn bệnh khiến cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn, vất vả. Lớn lên anh được vào làm trung tâm dạy nghề ở quê, và tại đây anh gặp và đem lòng yêu mến chị An Thị Kim Tiền (SN 1990, quê Thanh Trì, Hà Nội).
Dù hơn 30 tuổi nhưng anh Tưởng chỉ cao một mét và nặng 28 cân. Căn bệnh xương thủy tinh đã khiến anh gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Chị Tiền từ nhỏ đôi chân đã không lành lặn, một bên chân của chị khuyết tật, đi lại rất khó khăn. Hiểu và thông cảm hoàn cảnh của nhau, cả hai đã về chung một nhà, vun vén tổ ấm cho mình.
14 năm về chung nhà, biết bao khó khăn vất vả, cả hai đã gặp và trải qua, niềm an ủi động viên lớn nhất là hai người con xinh xắn, kháu khỉnh luôn bên cạnh.
Cũng từng ấy thời gian về với nhau, chưa bao giờ anh chị nghĩ đến việc sẽ được mang váy cưới, chụp ảnh cưới và tổ chức được một đám cưới như bao người khác.
Niềm hạnh phúc của gia đình anh Tưởng khi được tổ chức đám cưới.
"Hôm nay có mặt tại đây, được nhìn vợ mang váy cưới, cả hai được chụp ảnh cưới và hơn hết gặp được những con người có hoàn cảnh như mình tôi rất xúc động và hạnh phúc. Tôi không biết phải nói gì, chỉ biết nói lời cảm ơn đến ban tổ chức", anh Tưởng xúc động.
Cùng chung tâm trạng như những cặp đôi khác, gia đình anh Lường Văn Quý (SN 1982, trú tại Hà Giang) và vợ Hoàng Thị Luyến (SN 1983) hôm nay đã cùng con và người thân về Hà Nội để dự đám cưới.
Vợ chồng anh Quý lấy nhau đã 14 năm nhưng chưa bao giờ được thấy nhau và được tổ chức đám cưới.
Anh chia sẻ anh từ nhỏ bị khiếm thị bẩm sinh, đôi mắt không thể nhìn thấy gì, vợ anh ảnh hưởng chất độc da cam từ người thân đôi mắt cũng hỏng, không thể nhìn được.
Cả anh và vợ quen nhau trong hội khuyết tật tỉnh Hà Giang, ở đây anh và chị hay đi hát tình thương nên cả hai gặp nhau và đem lòng yêu nhau. Tình cảm dành cho nhau cả hai đều thể hiện qua lời nói và những cái nắm tay thật chặt, đầy ấm áp.
Niềm hạnh phúc của vợ chồng anh Quý.
Ngồi nắm tay chồng, chị Luyến vui vẻ cho biết, nghe tin cả hai vợ chồng được tổ chức đám cưới, chị và anh đều rất hạnh phúc. Do nhà cách Hà Nội hơn 300km nên cả hai anh chị đã xuống Hà Nội từ đêm qua.
Đôi mắt không nhìn thấy gì khiến đi lại của cả hai rất vất vả, phải nhờ vào các bạn tình nguyện viên. Nhưng chừng ấy không làm mất đi niềm sung sướng tột độ của hai người, bởi lấy nhau đã 14 năm, có hai người con trai nhưng chị Luyến chưa một lần được mang váy cưới.
"Dù chưa bao giờ nhìn thấy nhau, nhưng tôi cảm nhận được cả hai bên nhau vì tình yêu. Cuộc sống nhiều lúc khó khăn nhưng chúng tôi đã cùng nhau quyết tâm để vượt qua.
Niềm hạnh phúc của các cặp đôi lần đầu được tổ chức đám cưới.
14 năm đã qua chúng tôi vẫn hạnh phúc, có hai người con trai là minh chứng cho tình yêu nồng nàn ấy", chị Luyến vui vẻ nói.
Chia sẻ thêm với PV, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - giám đốc ảnh viện áo cưới Vivan, một trong các đơn vị tổ chức chương trình cho biết, các cặp đôi được chia thành từng nhóm nhỏ để thuận tiện chụp ảnh, trang điểm.
Tất cả đều không may mắn như người bình thường nên để có được bộ ảnh cưới đẹp và ưng ý, ban tổ chức và các tình nguyện viên đã phải làm việc rất vất vả.
Bà Thủy (áo đỏ) chụp ảnh cùng các cặp đôi.
"Là phụ nữ bản thân tôi luôn mong giúp đỡ những chị em khác, mong muốn góp một phần công sức để các cặp đôi có được lễ cưới.
Vốn dĩ lễ cưới là một việc rất bình thường với bao người nhưng với họ rất khó để trở thành hiện thực. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với chương trình", bà Thủy chia sẻ.