Chấm thi tự luận. Ảnh: Nghiêm Huê
Theo báo cáo của các trường ĐH, cơ bản, đã chấm xong trắc nghiệm. Chấm thi tự luận đang hoàn tất để chuẩn bị chấm kiểm tra.
Thông tin từ trường ĐH Hà Nội cho biết, đơn vị này đã hoàn tất công tác chấm thi trắc nghiệm tại Hòa Bình. Với 26.047 bài thi trắc nghiệm, sáng qua, 5/7, trường ĐH Hà Nội đã bàn giao xong kết quả chấm thi trắc nghiệm cho Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT.
Phụ trách chấm thi trắc nghiệm của Thanh Hóa là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với khoảng 102.000 bài thi. Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, khu vực chấm thi được đặt 5 máy phá sóng, an ninh thắt chặt.
Trung bình 0,63% trong tổng số 102.000 bài thi của thí sinh Thanh Hóa mắc lỗi về tô số báo danh, mã đề, tương đương 650 bài thi phải sửa lỗi. Những lỗi này bắt buộc phải sửa, nếu không phần mềm sẽ không chấm được. Có 1 bài thi không ghi gì và đã được ban chấm thi lập biên bản coi như trường hợp bất thường. Tổng số bài thi mà Ban chấm thi trắc nghiệm phải sửa lỗi là 1.500 bài thi trong tổng số 11.900 bài thi phần mềm nghi lỗi, và phải sửa mất một ngày rưỡi. Ông Trần Văn Tớp cho biết, đã hoàn tất công tác chấm thi vào hôm qua, 5/7. Sáng nay, 6/7 sẽ bàn giao cho Sở GD&ĐT.
Ông Vũ Ngọc Khiêm, trưởng ban chấm thi trắc nghiệm Hội đồng chấm thi Bắc Kạn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết đã chấm xong bài thi trắc nghiệm của Hội đồng thi này với khoảng hơn 8.000 bài. Trong quá trình chấm có một số lỗi phải sửa là thí sinh tô sai SBD, tô trùng SBD, thí sinh tô sai mã đề. Hoặc một số tẩy không kỹ hoặc tô mờ câu trả lời.
Ông Khiêm đánh giá phần mềm chấm thi năm nay không có khó khăn gì đối với tổ kỹ thuật. Quy trình khá chặt chẽ nên tính bảo mật cao. Ông Khiêm cũng cho biết thêm với các bài thi trắc nghiệm, Ban chấm thi cũng không biết được điểm của bài thi vì phần mềm không cấp chức năng quy đổi ra điểm 10.
Năm nay, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, quy trình chấm thi trắc nghiệm rất chặt chẽ, thậm chí còn chặt chẽ “quá mức”. Theo một cán bộ chấm thi trắc nghiệm của một trường ĐH tại Hà Nội, tất cả những bài thi bất thường đều phải lập biên bản khi tiến hành rà soát.
Cụ thể, tại hội đồng thi nơi vị này chấm thi, có một phòng thi có hai thí sinh trùng mã đề thi. Đối chiếu với thông tin, thì thấy một thí sinh đã tô nhầm mã đề từ 120 thành 102 nên trùng với một thí sinh khác trong phòng thi. Không những thế, rất nhiều thí sinh tô sai mã đề và số báo danh.
Theo ghi nhận tại các hội đồng chấm thi, điểm thi môn Ngữ văn năm nay không cao. Tại Hội đồng chấm thi Bắc Kạn, ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết có 1 điểm 9 môn Ngữ văn, chưa có điểm liệt, tuy nhiên, phổ điểm tập trung chủ yếu ở mức 5 - 6. Ông Quyên cho biết, theo phản ánh của giáo viên chấm thi thì đề thi năm nay khó có thể có nhiều điểm cao. Vì câu nghị luận văn học (5 điểm) tương đối khó với thí sinh.
Còn thông tin từ Sở GD&ĐT Cao Bằng, hiện có 2 bài văn được điểm 9. Điểm 5 - 6 là nhiều nhất. Năm nay, đề thi được thầy cô đánh giá khó hơn năm ngoái một chút, nên thí sinh làm bài không tốt như năm trước.