Liên quan đến vụ việc khách hàng sử dụng pate Minh Chay bị ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn yêu cầu thu hồi 13 sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý của vụ việc trên, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa (thuộc đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo, Pate Minh Chay có chứa độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Khách hàng nhập viện cấp cứu vì sử dụng Pate Minh Chay
Đây là loại độc tố thuộc nhóm cực kỳ nguy hiểm, việc nhiều người sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới đang trực tiếp kinh doanh và sản xuất dẫn đến bị ngộ độc thì rõ ràng là đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Căn cứ các luật An toàn thực phẩm, luật Dân sự thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (về cả sức khỏe lẫn tinh thần) khi có các căn cứ chứng minh sản phẩm có yếu tố lỗi, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Trụ sở Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới đóng cửa sau khi xảy ra vụ việc.
Các khoản chi phí bồi thường cụ thể như: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe, chi phí lao động thực tế bị mất… và chi phí bồi thường tổn thất về mặt tinh thần (không quá 50 lần mức lương cơ sở).
Việc bồi thường sẽ tôn trọng thỏa thuận của các bên hoặc áp dụng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất, kinh doanh Pate này còn có thể bị xử phạt hành chính theo nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tùy vào mức độ vi phạm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm của đơn vị này.
Việc xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, còn đối với tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền lên tới 200 triệu đồng.
Trong trường hợp hành vi cấu thành tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì người phạm tội có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần phải nhanh chóng tiến hành kiểm tra, điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện độc tố trong các sản phẩm của đơn vị này là gì? Đơn vị sản xuất này có lỗi hoặc lỗi như thế nào để tiến hành xử lý cụ thể.