Nếu bạn đang bị quá tải trong công việc, bạn có thể nghĩ rằng làm việc thêm mỗi cuối tuần hoặc dậy sớm hơn để check email sẽ là cách giải quyết khối lượng công việc chất đống của mình. Nhưng đối với những nhân viên đã đến mức kiệt sức, làm thêm ngoài giờ vẫn là không đủ. Họ dùng một cách khác là dùng ngày nghỉ của mình, dù là ngày nghỉ phép hoặc ngày lễ Tết để hoàn thành bù công việc.
Được biết đến với cái tên “leavism” (tạm dịch: chủ nghĩa nghỉ việc), thói quen này có thể dẫn đến kiệt sức, trầm cảm và bệnh tật nặng hơn trước. Xu hướng đó đang gia tăng mạnh kể từ sau đại dịch. Báo cáo năm 2022 của Viện Phát triển Chuyên nghiệp (CIPD) của Anh cho thấy 67% các tổ chức đã quan sát thấy hiện tượng “chủ nghĩa nghỉ việc” đang diễn ra trong số nhân viên của họ.
Ảnh minh họa
Theo CIPD, xu hướng này là hậu quả của cường độ làm việc và căng thẳng trong môi trường công sở ngày càng tăng cao. Ben Willmott - một nhà làm chính sách tại Anh giải thích việc “đóng cửa” do Covid-19 chỉ làm cho tình hình đó trở nên tồi tệ hơn. “Không còn nghi ngờ gì nữa, việc chuyển sang làm việc tại nhà và làm việc kết hợp đã xóa nhòa một số ranh giới giữa cuộc sống tại nhà và nơi làm việc của mọi người. Có lẽ điều này khiến việc tắt máy tính trở nên khó khăn hơn. Mọi người có thể làm việc khi họ được nghỉ, điều mà trước đây họ không thể làm được”.
Làm việc khi được nghỉ không phải điều gì lạ đối với Sasha, một giám đốc tiếp thị làm việc cho một trường đại học lớn ở Vương quốc Anh. “Tôi đã xin nghỉ chỉ để làm việc. Tôi đã trở lại làm việc sau khi sinh nhưng khối lượng công việc của tôi tăng gấp đôi”, cô nói. “Tôi không thể theo kịp”.
Bất chấp sự phát triển của các công nghệ mới, nhiều người cảm thấy rằng công việc đang ngày càng trở nên cạnh tranh và căng thẳng hơn. Kết quả là họ thấy mình bị bắt buộc hoặc cần phải làm việc ngoài giờ làm việc theo hợp đồng, hoặc thậm chí vào ngày nghỉ của họ.
Những nhượng bộ như trả lời tin nhắn của đối tác trong lúc đang ăn cỗ với gia đình có vẻ vô hại, nhưng chúng có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức lâu dài.
Với những người mắc chứng cuồng công việc, ôm laptop khi chuẩn bị đón giao thừa không phải là cảnh tượng gây ngạc nhiên. May mắn, đây chỉ là số ít. Còn những lý do khác khiến chúng ta nghỉ lễ để làm việc.
Ảnh minh họa
Đầu tiên, có một số cảm thấy văn phòng làm việc không phải nơi tuyệt vời nhất để họ tập trung thoải mái hoàn thành công việc. Có rất nhiều sự gián đoạn và phiền nhiễu vô nghĩa ở văn phòng. Đôi khi, cảm giác gò bó vì mình đang ở trong văn phòng với sếp ngồi ngay trước mặt cũng tạo tâm lý khó chịu ảnh hưởng tới năng suất làm việc. Làm việc ở nhà thì khác vì đây là nơi con người được thoải mái nhất. Bạn có thể không cần quá gấp gáp, có thể vừa ăn vặt vừa gõ máy tính và mặc bộ đồ ngủ rộng rãi. Dùng ngày nghỉ để cặm cụi hoàn thành deadline trở thành một phương tiện tuyệt vọng để tìm kiếm thời gian không bị phân tâm để làm việc.
Một lý do nữa khiến xu hướng thích làm việc ngày Tết gia tăng, đó là làm việc thậm chí còn thoải mái và dễ dàng hơn so với làm những việc khác, ví dụ như đi gặp gỡ họ hàng bạn bè, trả lời những câu hỏi thăm bạn không muốn trả lời. Với những người sợ phải tụ tập, sợ phải gặp gỡ giao tiếp xã hội bên ngoài, sợ những trách nhiệm ngày Tết, “phải làm việc” chính là lý do tuyệt vời nhất để không ai dám bắt ép họ làm những việc họ không muốn.
Những kỳ nghỉ dài cả tuần như Tết đôi khi cũng là quá dài với một số người, nhất là với những ai đã quen với nhịp làm việc nhanh, liên tục hằng ngày. Quãng nghỉ đến khiến họ cảm thấy “hẫng” vì có quá nhiều thời gian rảnh mà lại không có hoạt động thú vị hơn để làm. Thế nên, nhóm người này sẵn sàng làm việc Tết.
Ảnh minh họa
Bằng cách chạy trốn đằng sau màn hình laptop trong kỳ nghỉ, chúng ta có thể bỏ qua các mối quan hệ cá nhân, mối quan hệ gia đình và cảm xúc của chính mình. Làm việc vào ngày nghỉ là một cơ chế phòng vệ. Nó giúp chúng ta tránh phải đối mặt với viễn cảnh đáng sợ rằng mình không có cuộc sống bên ngoài công việc.
Nguồn: Independent, The Guardian