Nghe có vẻ khó tin nhưng theo một khảo sát mới đây, gần 60% nữ giới và 76% nam giới Nhật Bản trong độ tuổi 20 - 30 cho biết họ không hề có một mối quan hệ yêu đương lãng mạn nào cả. Thế mà trong khi đó, có tới 80% người độc thân coi hôn nhân là một mục tiêu phải có trong đời.
Trước kết quả nghe vừa vô lý vừa mâu thuẫn này, hiển nhiên là người ta sẽ đặt ra câu hỏi: Làm sao có thể lập gia đình mà không tìm một người để yêu và phát triển mối quan hệ đó trước khi quyết định "quỳ gối trao nhẫn" cơ chứ?
Và câu trả lời của giới trẻ Nhật chính là đây: Cho bỏ qua mấy thứ hẹn hò đó luôn đi, tôi sẽ cưới bất kì ai tôi cảm thấy… thuận tiện!
Người Nhật và trào lưu cưới bạn thân
Những năm gần đây, xu hướng kosai zero nichikon (tạm dịch: kết hôn không hẹn hò) đang dần trở nên phổ biến tại Nhật, đặc biệt là sau khi có những đám cưới của các ngôi sao nổi tiếng tại đất nước này được diễn ra khi các cô dâu, chú rể chỉ mới làm việc cùng hay quen biết nhau được khoảng 1 tháng.
Theo đó, rất nhiều người sống tại đất nước Mặt trời mọc này đang chọn bạn bè hoặc người quen, phổ biến nhất là bạn thân, để tiến tới hôn nhân nhằm tránh những ràng buộc về thời gian hay tài chính khi hẹn hò.
Hiện tượng này được các chuyên gia nhận định như một trạng thái thay đổi tâm lý, khi người ta muốn loại bỏ các tương tác về mặt tình cảm để đi thẳng luôn vào vấn đề. Thậm chí có người còn cho rằng, tìm một người để yêu rồi cưới không khác gì việc phải… tự tử.
Các nhà tâm lý học cho biết có thể giải thích xu hướng này bằng hai nguyên nhân chính.
Lý do lớn nhất đó là ở một đất nước siêu nguyên tắc và có tốc độ phát triển "khủng" như Nhật Bản, con người luôn phải đối mặt với khối lượng và áp lực công việc rất cao. Và thế là hẹn hò dần trở thành thứ xa xỉ bởi nhiều người Nhật cảm thấy điều đó quá phiền phức.
Ngoài ra, việc cưới bạn thân còn được coi sẽ giúp người ta kiếm luôn được người hợp với mình, do vậy sẽ tiết kiệm được thời gian "yêu lại từ đầu" mà lại vẫn bảo đảm được sự độc lập của bản thân.
Cưới bạn thân – Tốt hay xấu?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tồn tại cách biệt tương đối lớn khi xét về mức độ hài lòng trong cuộc sống của những người có vợ hoặc chồng là bạn thân với những người "bạn riêng, tình riêng".
Theo John Helliwell - tiến sĩ tại Đại học Vancouver, số người cảm thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của họ khi đối phương là bạn thân thậm chí gần gấp đôi con số ghi nhận được ở nhóm còn lại.
Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu trường hợp những cuộc tình kiểu này đổ vỡ, chưa đến 50% trong số đó có thể tiếp tục duy trì tình bạn như cũ. Vì vậy có thể nói đây chính là dạng hôn nhân…được ăn cả, ngã về không.
Một mối quan hệ có sự gắn kết chặt chẽ luôn ảnh hưởng đến cách con người nhìn nhận hạnh phúc. Đối với một số người, hôn nhân "sánh đôi" một cách hoàn hảo với tình bạn, nhưng cũng có những người tốt nhất là nên tách biệt hai thứ đó.
Vậy nên theo các nhà tâm lý học nghiên cứu về lĩnh vực này, cái quan trọng là cách con người kết nối và hòa hợp với đối phương chứ chẳng phải việc cân nhắc đối phương có phải bạn thân hay không.
Trở lại với trường hợp giới trẻ Nhật Bản, đương nhiên xu hướng kết hôn không hẹn hò không có nghĩa yếu tố tình yêu đã hoàn toàn bị hạ bệ ở đất nước này, thế nhưng nếu trào lưu "ngại yêu" vẫn tiếp tục lan rộng thì đây cũng là vấn đề đáng được cân nhắc đấy chứ nhỉ!
Nguồn: Japan Today, Psychology Today