Xu hướng công việc trong tương lai: Làm mới mình hay là “chết”

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 15:30 04/11/2020

"Sự bùng nổ của công nghệ trong đời sống, công việc và học tập buộc con người phải có sự thích ứng linh hoạt, sẵn sàng hấp thụ những kĩ năng mới để không bị máy móc thay thế" - Phó Tổng giám đốc Nhân sự VNG Abhishek Mathur nhấn mạnh.

Năm 2020, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận sự sụt giảm của 205 triệu công việc trong ngành nông nghiệp và được bù đắp bởi hơn 740 triệu công việc trong ngành dịch vụ. Công nghệ được ứng dụng vào hầu hết mọi mặt đời sống và trong các mô hình kinh doanh. Nhờ sự dễ dàng, thông suốt trong tiếp cận công nghệ, bức tranh việc làm đã có sự chuyển dịch tương đối rõ nét: Hiện nay, một người lao động làm việc 8 tiếng/ngày có thể phụ trách khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều so với trước đây nhờ sự can thiệp của Internet, của các công nghệ như AI (Trí tuệ nhân tạo), BigData (Dữ liệu lớn), Machine Learning (Học Máy).

Tuy nhiên, viễn cảnh công nghệ bao trùm cũng đặt ra nhiều thách thức với người lao động. Câu hỏi đặt ra là làm sao có thể cân bằng giữa yếu tố công nghệ và yếu tố con người trong công việc tương lai, đặc biệt ở khu vực kinh tế nóng như Châu Á - Thái Bình Dương với dân số chiếm 60% toàn thế giới.

Là một chuyên gia đã có nhiều năm "lăn lộn" trong lĩnh vực nhân sự tại các tập đoàn lớn đa quốc gia như Johnson & Johnson, GE Capital, ông Abhishek Mathur, Phó Tổng giám đốc phụ trách Nhân sự của VNG, kỳ lân công nghệ đầu tiên tại Việt Nam có những góc nhìn và phân tích sâu sắc cho vấn đề này. Tại phiên trao đổi về chủ đề "Kiến thiết lại công việc tương lai cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương" trong khuôn khổ Hội thảo RMIT Global Leader Experience APAC (chương trình phát triển kĩ năng lãnh đạo dành cho sinh viên Đại học RMIT trên toàn cầu) mới đây, ông nhấn mạnh để kiến thiết lại công việc trong tương lai, người lao động nói chung, đặc biệt là người trẻ, cần tập trung ở ba điểm:

Thứ nhất, đẩy mạnh tự động hóa. Công nghệ, máy móc sẽ thay thế con người trong những điều kiện môi trường độc hại, chấm dứt thời đại của nhân công giá rẻ, thay vào đó, người lao động có cơ hội được học tập, đào tạo và mở khóa những tiềm năng mới của bản thân. Amazon hiện nay cũng đang triển khai nhiều máy móc để thực hiện thao tác đóng gói, một trong những thao tác được đánh giá là rất phức tạp. Robot đóng hàng có thể xử lí với tốc độ nhanh gấp 5 lần người thường và thay thế tới 24 lao động! Do đó, những người trẻ thực sự cần đầu tư thời gian và công sức để tạo ra những giá trị khác biệt của bản thân.

Xu hướng công việc trong tương lai: Làm mới mình hay là “chết” - Ảnh 1.

Sinh viên ĐH Bách Khoa Đà Nẵng tham gia cuộc thi lập trình DUT Program Challenge

Thứ hai, phổ cập tăng cường các ngành nghề mới như STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) bên cạnh đào tạo kĩ năng mềm. Thực tế cho thấy, sinh viên Việt Nam mặc dù chuyên môn không thua kém với bạn bè quốc tế song những kĩ năng rất thiết yếu như ngoại ngữ, thuyết trình, làm việc nhóm còn rất nhiều lỗ hổng. PGS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội) từng nhận xét: "Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi với điểm xếp loại 3.2/4 nhưng IELTS chỉ 5.0, không biết viết email, CV thì không thể kiếm việc lương cao hay ra nước ngoài được".

Để khắc phục điểm yếu này, hiện nay các trường đại học bắt đầu có sự điều chỉnh về chương trình học tập, tăng thêm các giờ giảng gắn với thực tiễn và kéo dài thời gian thực tập bắt buộc tại doanh nghiệp, thường là ngay từ năm 2, năm 3 thay vì cuối năm 4 như trước đây. Sự điều chỉnh này cần có hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa các trường và doanh nghiệp: sinh viên được tiếp thu không chỉ kiến thức học thuật là nền tảng cốt lõi mà còn được cọ xát với bài toán thực tế trên thị trường.

Trên thực tế, VNG hiện là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc hợp tác với các trường Đại học tốp đầu Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực tài năng, như là một phần quan trọng trong Sứ mệnh "Phát triển Con người" của doanh nghiệp này. Tính tới tháng 10/2020, VNG đã ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại học RMIT, Đại học FulBright Vietnam, Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội với những hoạt động cụ thể như tiếp nhận các sinh viên giỏi thực tập và làm việc hàng năm, đồng hành cùng các câu lạc bộ chuyên môn, cố vấn và tài trợ nhiều cuộc thi học thuật, cũng như xây dựng phòng nghiên cứu phục vụ học tập cho nhà trường. Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19, theo chia sẻ của ông Abhishek, vẫn có tới hơn 500 nhân sự đã được VNG tuyển thêm và gần 200 trong số đó là sinh viên mới ra trường và thực tập sinh. Rất nhiều bạn cũng đã hoàn thành các khóa đào tạo và trở thành nhân viên chính thức với phúc lợi "chuẩn quốc tế". Với chiến lược "Go Global" - mang sản phẩm của kĩ sư Việt phát triển tại các thị trường ngoài Việt Nam, VNG xác định lộ trình tuyển dụng mới lên tới gần 2.500 nhân viên trong vòng 3 năm tới.

Xu hướng công việc trong tương lai: Làm mới mình hay là “chết” - Ảnh 2.

VNG vinh dự đứng thứ 14/100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2020 theo Anphabe

Thứ ba, để định hình lại công việc trong tương lai, cần thiết phải có sự phối hợp từ nhiều bên: chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp và người lao động. Nhưng phần chủ động nhất thuộc về người lao động, họ cần chuẩn bị một tinh thần sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng để "đào tạo lại" - một điều có lẽ sẽ là trở ngại rất lớn đối với thế hệ cũ. "Nếu không muốn trở nên thừa thãi, cần phải bỏ lại quá khứ và làm mới bản thân" - ông Abhishek nhấn mạnh. Ông cũng dẫn chứng tại VNG, văn hóa chia sẻ và học hỏi luôn được khuyến khích, thông qua rất nhiều hoạt động đào tạo, rèn luyện cả về thể chất, chuyên môn, tinh thần cho đội ngũ nhân viên như các khóa học kĩ năng mềm, hệ thống chăm sóc sức khỏe, các sân chơi thể dục thể thao. Đặc biệt trong lĩnh vực tuyển dụng, để hạn chế tối đa việc "phân biệt đối xử" với các lao động hoặc tình trạng "ngồi nhầm chỗ", VNG ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao trên khắp thế giới. AI sẽ giúp VNG đánh giá hồ sơ ứng viên với độ chính xác cao và đẩy nhanh tiến độ cũng như không có cơ chế ưu tiên trong quá trình xét duyệt.

"Tôi tin rằng tạo ra một cộng đồng người tài không chỉ cho tổ chức mà còn cho xã hội, là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi xem phát triển con người là một trong những trách nhiệm được ưu tiên hàng đầu và sẽ tiếp tục thực hiện nó" - Phó Tổng giám đốc VNG chia sẻ.

Xu hướng công việc trong tương lai: Làm mới mình hay là “chết” - Ảnh 3.

VNG Campus tại Quận 7, TPHCM

Về VNG:

Thành lập từ năm 2004, VNG là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam với hệ sinh thái sản phẩm phục vụ nhu cầu của hơn 100 triệu khách hàng tại nhiều quốc gia.

Sau 16 năm, VNG là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được định giá trên 1 tỷ USD bởi World Startup Report và Google - Temasek Report. Năm 2020, VNG nhận giải thưởng "Nơi làm việc tốt nhất Châu Á" lần thứ hai liên tiếp do HR Asia, tạp chí uy tín hàng đầu về Nhân sự tại Châu Á tổ chức và bình chọn. Mới đây nhất, VNG cũng lọt vào Top 15 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2020, số 2 trong lĩnh vực công nghệ - thương mại điện tử trong cuộc khảo sát do Anphabe tiến hành.