1. Một buổi sớm, ông Đoàn Nguyên Đức tới khách sạn HAGL và có cuộc trò chuyện cùng một vài phóng viên ở nhà ăn. Ngay sau cuộc trò chuyện này thì báo chí xuất hiện thông tin, ông Đức không chỉ nghỉ bóng đá mà còn rút cả HAGL khỏi V-League, cho Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh đi đá nước ngoài hết nếu ông Trần Anh Tú trúng cử chức Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính.
Nghe mà sốc!
Quán cafe Công Phượng trên đường Cù Chính Lan, Pleiku.
20 phút sau khi ông Đức lên xe rời khách sạn, tôi tới quán cafe của Công Phượng trên đường Cù Chính Lan, thành phố Pleiku trong tâm trạng rối bời. Đầu tôi cứ váng vất mãi câu hỏi trong bài báo vừa dẫn lời ông Đức, rằng: “Tôi là người lớn, Chủ tịch tập đoàn, lời nói của tôi ảnh hưởng đến xã hội và hàng ngàn nhân viên của HAGL thì làm sao có chuyện nói cho vui, nói xong rút lời được. Thử hỏi, bóng đá Việt Nam cần bầu Tú hay người hâm mộ cần Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn...
Nếu 6 tài năng của HAGL vừa góp mặt trong thành phần U23 Việt Nam không còn ra sân ở V-League, HAGL không còn thi đấu ở giải này thì ai chịu thiệt?”
2. Quán cafe của Công Phượng buổi sáng khá đông. Vì lần đầu tới đây, tôi chọn một góc nhỏ ngồi quan sát. Nhưng nhiều người cứ nhìn về phía tôi bởi tôi mắc chiếc áo HAGL số 44 cùng cái tên “Công Phượng” sau lưng.
Một bác gái khoảng 60 tuổi, ngồi cách tôi vài bàn, cầm iPad lại gần tôi và hỏi: “Cháu là fan của Công Phượng à? Công Phượng sắp về bán cafe rồi”. Tôi chưa kịp trả lời thì bác đưa ipad dẫn chứng luôn: “Đây này, ông Đức bảo nghỉ bóng đá, rút HAGL khỏi V-League, cho Công Phượng về làm nông. Đời chẳng biết lối nào mà lần!”.
Tôi không biết trấn an bác thế nào. Chỉ cười trừ khi trước mặt tôi lại là những dòng chữ: “Tôi là người lớn, Chủ tịch tập đoàn, lời nói của tôi ảnh hưởng đến xã hội và hàng ngàn nhân viên của HAGL thì làm sao có chuyện nói cho vui, nói xong rút lời được”, hiện lên trên iPad.
3. Trong quán cafe của Công Phượng treo tấm hình 18 cầu thủ trúng tuyển khóa I và khóa II Học viện HAGL JMG. Tất cả đều đi chân đất, khoác vai nhau nhìn về phía trước, cười rất tươi – nụ cười “phơi phới tương lai” như chính câu slogan khắc trên những phiến đá trong Học viện: “Vì tương lai bóng đá Việt Nam”.
Để tìm ra 25 cầu thủ khóa I và khóa II, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Vinh – nguyên cố vấn của bầu Đức là một cuộc chọn lọc gắt gao từ hàng chục nghìn thí sinh khắp cả nước. Có nơi như Cần Thơ ông Vinh tới, cả 1000 cậu bé ứng tuyển, không chọn được ai.
Thế nhưng sau 10 năm, trong số 25 tài năng ấy, chỉ có Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn, Văn Sơn, Đông Triều, Thanh Hậu được mọi người biết tới. Số còn lại, có người phải dạt đi nhiều nơi tìm kiếm cơ hội ra sân, có người vì chấn thương phải chuyển sang làm công tác đào tạo trẻ như Văn Vũ, Văn Đại, Thành Nam, có người không thể tiến xa hơn nữa với bóng đá phải từ bỏ giữa chừng như Tiến Hoài, K’so Úc…
Ngay cả 4 tài năng xuất sắc nhất Học viện từng được HLV Arsene Wenger chọn sang Arsenal tập huấn năm 2012, giờ cũng chỉ có Công Phượng, Xuân Trường thường xuyên được thi đấu. Đông Triều có dấu hiệu chững lại, làm bạn với băng dự bị. Tuấn Anh vật lộn với chấn thương.
Quy luật đào thải của bóng đá là vậy, nên mới càng thấy giá trị của việc ươm trồng ra một tài năng thực sự không dễ chút nào.
Vậy mà tương lai của những tài năng ấy, giờ được mang ra “đánh cược” trong cuộc chiến ngoài sân cỏ của người lớn. Có xót xa không?
4. Khi tập đoàn HAGL khủng hoảng kinh tế năm 2016 và đứng trước nguy cơ phá sản, ông Đoàn Nguyên Đức tuyên bố, mọi thứ với ông có thể bán nhưng bệnh viện HAGL và Học viện HAGL JMG thì không, bởi đó là tâm nguyện cả đời, là đam mê của ông.
Nói tới đam mê, trong quá cafe của Công Phượng, có dòng slogan rất hay: “Bóng đá là đam mê, cafe là tri kỷ”. Như câu slogan ấy, người Gia Lai lâu nay coi bóng đá là tri kỷ như cafe. Nếu bây giờ Công Phượng về bán cafe thì… tất cả đam mê đều bỏ dở.