Con khỉ chỉ còn một chi duy nhất đang gãi đầu, ba chi còn lại đều đã cụt - Ảnh: Nguyễn Công Hưng
Anh Nguyễn Công Hưng (trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) là tác giả của bộ ảnh này. Ngay sau khi được anh đăng tải công khai trên mạng xã hội, bộ ảnh đã nhận được quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Nhiều diễn đàn và hội nhóm đã chia sẻ lại ảnh của anh và có một số lượng lớn người chia sẻ, bình luận.
Theo anh Hưng chia sẻ, anh đã dành tới 2 tháng để hoàn thiện bộ ảnh này, từ tháng 6 tới tháng 8 năm 2019. Tuy nhiên, gần đây sau khi biết được đoạn clip một người đàn ông dùng ná bắn khỉ để tiêu khiển khi tham quan Chùa Linh Ứng ở Đà Nẵng, anh đã quyết định đăng bộ ảnh của mình lên mạng như một minh chứng về mức độ tổn thương của đàn khỉ.
Chú khỉ tự ôm cái chân cụt tới lòi xương của mình... - Ảnh: Nguyễn Công Hưng
Những hình ảnh anh chụp gây xúc động và thậm chí khiến người xem bàng hoàng. Nếu là một người yêu động vật, hẳn người xem còn thấy buồn, bởi mỗi chú khỉ được anh Hưng chụp đều bị thương, từ những vết thương "nhẹ nhất" là vết rách da rỉ máu, tới những mức độ tổn thương cơ thể rất nặng và biến thành dị tật suốt đời khỉ như cụt tay chân, lòi xương...
Có những con khỉ chỉ còn duy nhất một chi, ba chi còn lại đều đã cụt.
Theo anh Hưng, đàn khỉ này đã bị bắn phá, cạm bẫy và bị đánh đập nhiều năm nay. Anh cho rằng vết thương của đàn khỉ là do con người phá chúng. Những con khỉ mà anh Hưng chụp ảnh được chỉ là một phần rất nhỏ trong đàn khỉ mình đầy thương tích.
Trước ý kiến của một số người cho rằng, khỉ ở khu vực này rất bạo dạn, thường hay trêu, chọc phá du khách, anh Hưng chia sẻ rằng nhận định này không chính xác. Trong thời gian hai tháng chụp ảnh, anh Hưng thấy khỉ rất thân thiện và thường xuyên chơi với chúng. Nhưng anh cũng kể lại, có lần đang chơi thì đàn khỉ thấy một ai đó, tất cả đều bỏ chạy. Anh cho rằng có những người làm hại đàn khỉ mới khiến chúng sợ hãi tới vậy.
Theo quan sát của anh Hưng, những con khỉ không tự dưng tức giận với du khách. Du khách tới xem khỉ thường đòi bắt con của khỉ, muốn sờ và ôm khỉ, quát khỉ, lấy đồ ăn nhử khỉ rồi không cho chúng ăn, làm vậy rất dễ khiến khỉ cắn lại. Anh lưu ý đặc biệt rằng, khỉ có thể leo lên người khách, mở mũ khách ra bới tóc nhưng chúng sẽ không làm hại du khách, chừng nào khách không chạm vào người chúng.
Việc không hiểu tập tính của loài khỉ nơi đây đã khiến nhiều người hiểu lầm, ghét đàn khỉ bởi cho rằng chúng "phá hoại", rồi dẫn đến những hành động làm tổn thương chúng. Như người đàn ông trong đoạn clip dùng ná cao su bắn khỉ, chắc chắn đây không phải là người đầu tiên. Trong những bức hình của anh Hưng, nhiều con khỉ có những vết thương tròn, trông giống như bị bắn.
Hai con khỉ này có vết thương tròn trên tay và cổ, nghi rằng đã bị bắn. - Ảnh: Nguyễn Công Hưng
Để bảo vệ đàn khỉ không bị tổn thương hơn trong tương lai, anh Hưng nghĩ rằng cần phải có những cảnh báo và hướng dẫn cụ thể cho du khách, và các cơ quan chức năng cũng cần thật sự quan tâm tới loài khỉ để có những chế tài phạt đủ nặng với những hành vi săn bắn động vật.
Du lịch ngày một phát triển, con người ngày càng có xu hướng muốn hòa mình vào giữa thiên nhiên. Đường vào rừng xanh của con người cứ ngày một rộng ra, còn rừng xanh của khỉ cứ ngày một thu hẹp lại và không còn an toàn. Khi rừng không còn là nhà của khỉ bởi có những người lạ xuất hiện rồi bắn phá, đánh đập... Biết chạy đi đâu?
Con khỉ đang an ủi đồng loại bị thương do bị bắn. - Ảnh: Nguyễn Công Hưng
Con khỉ này đã bị cụt mất hai chi, buộc phải di chuyển một cách khó khăn, tập tễnh trên hai chi còn lại. - Ảnh: Nguyễn Công Hưng
Con khỉ này phải bế và chăm con dù đã cụt mất một chi. - Ảnh: Nguyễn Công Hưng
Con khỉ đã bị mất một miếng da lớn. - Ảnh: Nguyễn Công Hưng
Con khỉ đang tự nhìn vết thương trên bụng của mình. - Ảnh: Nguyễn Công Hưng
Con khỉ này bị lòi xương một chi, đang ngồi tự ôm chiếc chân đau của mình. - Ảnh: Nguyễn Công Hưng
Con khỉ này đang được các bạn an ủi, chăm sóc. - Ảnh: Nguyễn Công Hưng