Những ngày lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua khiến không ít người dân lo lắng, vất vả. Tất cả đã cật lực, vật lộn để sinh tồn giữa dòng nước lũ kinh hoàng.
Không thể không nhắc đến những người cán bộ gần dân như xóm trưởng, trưởng thôn, chủ tịch xã, những người tuyến đầu giúp dân, sát cánh cùng dân trong những ngày trong và sau lũ.
6 năm làm chức xóm trưởng, chưa bao giờ ông Lê Quang Tường (thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị) lại có nhiều điều khó quên như năm nay.
Chân dung xóm trưởng Lê Quang Tường
Trong đợt lũ vừa qua, Thượng Xá là một trong những nơi thiệt hại nặng nề nhất của Quảng Trị. Là người xóm trưởng, từ hôm lũ lên ông Tường đều tất bật đi cứu trợ người dân.
Những ngày lũ lên, rất nhiều người gọi điện nhờ ông giúp đỡ, thế nên ông phải thức trắng để đi cùng thuyền đoàn cứu trợ đến từng nhà.
"Trận lũ năm nay diễn ra quá nhanh, cao hơn các năm hơn 30cm, điều may mắn là không có thiệt hại về người.
Sau lũ, ông Tường vẫn tất bật đi giúp đỡ người dân trong xóm. Ông lên danh sách hộ khó khăn, dẫn đoàn cứu trợ đến từng nhà dân để giúp đỡ họ
Những đêm lũ về tôi cùng anh em trong thôn, xã túc trực ứng cứu người cả đêm, ít khi được về nhà, ăn uống thì ghé nhà nào có gì ăn thì xin ăn cùng. Vất vả nhưng lúc đó là lúc dân cần mình nhất, không thể bỏ mặc họ được", ông Tường nói.
Thời gian ông đi giúp dân, nên công việc trong gia đình không thể gánh vác, ông đành nhắm mắt chấp nhận tài sản trong nhà mình bị dòng nước lũ làm hư hỏng. Trận lũ đã làm hỏng chiếc tủ lạnh, nửa tấn thóc cùng đàn gia cầm ông nuôi lâu nay.
Tài sản gia đình ông Tường hư hỏng nặng sau lũ
Lũ rút, ông lại tất bật đi đến từng nhà khảo sát, nắm tình hình thiệt hại, rồi dẫn đường hàng chục đoàn cứu trợ đến hỗ trợ người dân trong xóm.
6 năm làm xóm trưởng, với khoản trợ cấp vỏn vẹn có 500 ngàn đồng/tháng. Ông nói rằng, 6 năm qua, ông làm xóm trưởng chỉ vì "dân tín nhiệm" chứ không trông mong lợi ích gì ở cái chức vụ này.
20 ngày "bỏ" nhà đi cứu dân trong cơn lũ dữ
Ngày trận lũ chồng lũ lịch sử ở tỉnh Quảng Bình xảy ra cũng là ngày ông Nguyễn Văn Hoan nhận chức Chủ tịch UBND xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chưa đầy hai tháng.
Trong trận lũ ấy, vị chủ tịch đã túc trực 20 ngày ở trụ sở ủy ban, đi ứng cứu những trường hợp khẩn cấp bất kể ngày đêm.
Hình ảnh ông Hoan leo mái nhà cứu người dân trong trận lũ lịch sử
Ông kể, đêm 18/10 trời mưa rất to, nước lũ dâng nhanh, mọi người phải thức trắng đêm để nhận thông tin và giải cứu bà con.
Khi nhận được cuộc gọi từ người dân báo có cụ ông 80 tuổi bị liệt, cùng cụ bà gần 70 tuổi đang sống trong căn nhà bị nước ngập tới nóc, ông liền gọi thêm hai người dùng thuyền chạy đến ngay. Đoàn đến, nước đã ngập tới nóc, gọi thì chỉ nghe thấy tiếng ú ớ đáp lại.
"Tôi liền gỡ mái ngói, thấy cụ ông đang nằm đắp chiếu, dưới là tấm phản nổi trên mặt nước, còn bà đang ngồi phía đầu nóc nhà. Mái ngói được gỡ, nhưng không thể vào cứu được, đành chạy đi lấy dao, cưa đến phá kèo gỗ mới đưa được hai ông bà thoát ra.
Ngôi nhà của ông Hoan tan hoang sau lũ, nhưng ông vẫn nhường suất cứu trợ cho gia đình thiệt hại hơn
Trong đợt mưa lũ vừa qua, anh em chúng tôi chạy thuyền cole khắp xã, cứu được 250 người đến nơi an toàn, điều mừng là xã không có thiệt hại về người", ông Hoan nói.
Những ngày lũ về, căn nhà cấp 4 của vị chủ tịch ngập sâu trong nước, ông đi vắng, vợ con ông ở nhà trở tay không kịp. Nhiều tài sản trong nhà đã bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
"Lũ lên nhanh, tôi không có ở nhà, vợ con tôi phải tự xoay xở trong đêm. Căn nhà của tôi gần như bị xóa sổ trong lũ. Tài sản không có người di dời đi nên cũng đành cho ngâm nước. Giờ về, thấy nhà cửa dày bùn đất, tài sản hư hỏng, tôi xót lắm.
Nhà thiệt hại hàng chục triệu đồng nhưng tôi không nhận quà cứu trợ, tôi dành lại cho những nhà khác khó khăn hơn, để họ sớm ổn định cuộc sống", ông Hoan chia sẻ.
Chỉ mong giấc ngủ thật ngon
Cách nhà ông Tường không xa là nhà ông Lê Quang Phong (SN 1960) trưởng thôn Thượng Xá. Trận lũ vừa qua gia đình ông cũng thiệt hại gần 30 triệu đồng do thóc, chiếc máy xay xát ngâm nước hỏng hoàn toàn.
Ông Phong kể những ngày thức đêm túc trực cứu dân trong trận lũ lịch sử
Đến nay, công việc dọn dẹp trong nhà vẫn còn ngổn ngang, máy móc chưa sửa kịp, ông vẫn đang tất bật với công việc cứu trợ cho người dân.
Hằng ngày, ông phải lên danh sách người dân ảnh hưởng, dẫn đoàn cứu trợ đến tận nhà trao quà, rồi đến ủy bản xã nhận quà cứu trợ về phát cho các hộ dân trong thôn.
Ông Phong bên chiếc máy xay xát của gia đình đã hỏng do nước lũ. Đến nay ông vẫn chưa thể sửa do thời gian tập trung đi cứu trợ bà con sau lũ
Làm việc đã mệt, để được công bằng, đúng người đúng hoàn cảnh đòi hỏi ông phải tập trung nên có những đêm ông không thể chợp mắt.
"Lũ lên có nỗi vất vả riêng, chúng tôi đi cứu người dân. Hết lũ, chúng tôi lại tất bật với hàng cứu trợ. Nói thật nhiều hôm mệt lắm nhưng vì người dân vẫn cố gắng làm việc.
Những người tuyến đầu giúp dân trong mưa lũ vừa qua
Có những ngày nghe hàng trăm cuộc điện thoại, nói chuyện với hàng chục người dân về chuyện cứu trợ, đi không ngừng nghỉ.
Vất vả như thế nhưng có những lúc, bà con phàn nàn chúng tôi cũng khá buồn, công việc thì không phải lúc nào cũng hoàn hảo cả, có lúc phải sai.
Giờ chỉ mong người dân sớm ổn định cuộc sống, những người xóm trưởng, trưởng thôn như chúng tôi được về nhà nghỉ ngơi, ăn bữa cơm cho ngon, ngủ giấc cho đã, không bị ai làm phiền là mừng lắm", ông Phong nói.