Đến thời điểm hiện nay, nếu bạn thử tìm kiếm trên Internet sẽ dễ dàng thấy đầy rẫy những bài viết nói về vấn đề thay đổi giới tính của thai nhi. Thậm chí có người còn hồn nhiên đăng đàn hỏi rằng: "Thật sự có trường hợp 'biến nữ thành nam' không?".
Nhưng, tại sao những người mẹ lại có chung nỗi ám ảnh lớn về vấn đề sinh con trai như thế?
Hiện tại là năm 2020 nhưng tại sao vẫn có người còn giữ tư tưởng "trọng nam khinh nữ" như trong xã hội phong kiến?
1.
Người Trung Quốc có câu "Con trai trưởng, cháu đích tôn chính là sinh mệnh của người già" đã thể hiện rất rõ tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Con trai trưởng và cháu đích tôn được cưng chiều, trong khi đó con gái, cháu nội gái, cháu ngoại gái đều bị người lớn gạt sang một bên. Chính định kiến giới đã biến cuộc sống của nữ giới trở thành địa ngục.
Chẳng những thế, đó còn là áp lực quá lớn đối với những người phụ nữ đang mang thai. Họ không chỉ lo lắng cho tương lai của mình nếu sinh con gái, mà còn mệt mỏi khi nghĩ đến cuộc sống mịt mù của con nếu đứa bé thật sự là con gái.
Chắc hẳn không ít người biết đến tác phẩm nổi tiếng một thời "Báu vật của đời" của nhà văn Mạc Ngôn, quyển tiểu thuyết đã trở thành một hiện tượng nổi bật ngay khi vừa được xuất bản vào năm 1995. Tác phẩm khái quát thời kỳ lịch sử hiện đại của Trung Quốc thông qua các mẩu truyện về từng thế hệ của một gia đình.
Người mẹ trong "Báu vật của đời" sinh được 8 cô con gái và đặt tên lần lượt là Lai Đệ, Chiêu Đệ, Lĩnh Đệ, Tưởng Đệ, Phán Đệ, Niệm Đệ, Cầu Đệ và Ngọc Nữ. Chỉ thông qua những cái tên, chúng ta dễ dàng thấy rõ ước muốn sinh con trai của người mẹ. Người phụ nữ đó cũng chính là mô hình thu nhỏ của phụ nữ Trung Quốc xưa nói riêng và phụ nữ Châu Á xưa nói chung.
Nhưng, điều đó cũng khá hợp lý, bởi trong một xã hội nông nghiệp, chuyện có thêm con trai là một vấn đề rất tốt. Có thêm con trai đồng nghĩa với việc gia đình sẽ có thêm nhân lực lao động trong tương lai. Trong thời đại mà nghề nông chỉ thiên về thể chất, con trai thật sự có lợi thế hơn con gái.
Trước đây, một phụ nữ tầm 60 tuổi đã từng kể lại câu chuyện bà từng chống đối với mẹ khi chứng kiến sự bất công trong gia đình: "Tại sao khi ở nhà nấu cơm thì anh trai đều được ăn no nhưng con và em gái chỉ có thể ăn lưng chừng bụng thôi?".
Mẹ bà đã chỉ tay vào chiếc xe đẩy chứa đầy gạo và nói: "Lại đây, con xem thử mình có thể đẩy số gạo này lên dốc được không?". Tất nhiên, bà không đủ sức để làm điều đó, nhưng anh trai bà thì có thể.
Và theo lẽ đương nhiên, khi bố mẹ bà già yếu, bà không cần phải chi tiền nhưng anh trai bà phải có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ.
Nam giới trong thời đại xưa được hưởng nhiều quyền lợi và cũng phải gánh vác những nghĩa vụ tương đương. Nhưng thật khó để tưởng tượng được rằng, trong thế kỷ 21 lại có nhiều người mẹ "trọng nam khinh nữ" đến vậy. Đa phần họ đều sống ở các thành phố lớn, cuộc sống không phải toan tính nhiều nhưng tại sao họ vẫn có khát vọng sinh con trai lớn đến thế?
Nguyên nhân rất đơn giản, thời đại thay đổi nhưng quan niệm của nhiều người vẫn không thay đổi.
Thế hệ 8x và 9x Trung Quốc được sinh ra trong thời đại mới, chắc hẳn đã biết đến những cô gái có cái tên như Á Nam, Thắng Nam, Nhược Nam. Do thời đại thay đổi, chính sách kế hoạch hóa ở đất nước này khiến nhiều cặp vợ chồng chỉ sinh được một con gái. Trong lúc tuyệt vọng, họ chỉ có thể đặt tên con gái như thế để tự an ủi chính mình vì không sinh được con trai.
Cảnh Ngôn là một người phụ nữ đáng ngưỡng mộ, cô vừa xinh xắn vừa giỏi giang, làm việc trong cơ quan nhà nước. Trong suy nghĩ của nhiều người, cô là một người vợ, người mẹ hoàn hảo.
Tuy nhiên, không lúc nào Cảnh Ngôn không cảm thấy có lỗi với chồng, bởi vì cô chỉ sinh được một người con gái. Chồng cô là con một và cô luôn xem mình chính là nguyên nhân khiến gia đình chồng "tuyệt tử, tuyệt tôn". Mặc dù bố mẹ chồng thuộc tầng lớp trí thức, họ không nhắc nhiều đến vấn đề này nhưng thật sự họ rất để tâm.
Về sau, khi Trung Quốc cho phép sinh con thứ 2, một hiện tượng mới lại xảy ra vào lúc này. Nếu như con đầu lòng là con trai, bố mẹ sẽ không muốn sinh nữa. Nếu con đầu lòng là con gái thì họ sẽ gấp rút chuẩn bị cho việc mang thai lần 2.
Cảnh Ngôn cũng không ngoại lệ, cô cố gắng mang thai lần 2 và thật sự đã sinh một bé trai kháu khỉnh.
Nhưng, trong thực tế, không nhiều phụ nữ có được may mắn như Cảnh Ngôn. Chính vì vậy, "biến nữ thành nam" đã trở thành keyword được quan tâm nhiều nhất trong thế giới của những mẹ bầu.
Nhiều kẻ lừa đảo đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ khát khao sinh con trai quá mức của các bà mẹ. Và một loại thuốc thần kỳ đã xuất hiện, nó tên là "thuốc biến đổi thai nhi". Chúng tuyên bố, chỉ cần sử dụng thuốc này, thai nhi giới tính nữ sẽ biến đổi thành nam.
Đây chính là tia sáng trong đêm đen đối với những mẹ bầu thèm muốn con trai đến phát điên.
Cách đây không lâu, một phụ nữ đang mang thai sống ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vì muốn có con trai nên đã chi rất nhiều tiền để mua viên thuốc biến đổi giới tính thai nhi đó. Nhưng vài tháng sau, đứa bé chào đời nhưng cả gia đình đều chết lặng: Đứa bé vừa là trai vừa là gái, rất giống với kiểu người "liên giới tính".
Hóa ra cái gọi là "thuốc biến đổi thai nhi" chứa rất nhiều nội tiết tố nam. Thai nhi vốn đã định giới tính là nữ, các đặc điểm nữ giới đã được hình thành nhưng vì được bổ sung thêm số lượng lớn nội tiết tố nam nên cũng phát triển thêm các đặc điểm sinh dục nam.
Đây chính là một thảm kịch của cuộc đời!
Điều đáng mỉa mai hơn cả, chính các mẹ bầu thèm muốn con trai là những người "trăm cay nghìn đắng" đi tìm cho bằng được "thuốc biến đổi thai nhi", trực tiếp đẩy con cái rơi vào bi kịch kinh hoàng.
Nhưng không ai có quyền ngăn cản những người phụ nữ đang thèm khát con trai tìm kiếm thứ thuốc quái đản đó.
Bên cạnh những kẻ "trọng nam khinh nữ", cũng có nhiều phụ nữ bị đè nặng bởi những nỗi khổ tâm khó nói. Họ thích con gái nhưng lại không dám sinh con gái, bởi vì thế giới này vốn không quá thân thiện với con gái.
Từ xưa đến nay, đối với nữ giới gần như không có khái niệm "phúc lợi giới tính". Tiêu Hồng, một nữ đệ tử kiêu hãnh nhất của văn sĩ Lỗ Tấn từng than thở: "Điều bất hạnh lớn nhất đến với đời tôi, đều vì tôi là phụ nữ".
Ngay cả trong thế kỷ 21 ngày nay, hoàn cảnh sống của phụ nữ vẫn chưa hề lạc quan hơn. Một phụ nữ chuẩn bị làm mẹ đã tâm sự rằng: "Tôi hi vọng mình có thể sinh con trai. Vì nếu là con gái, tôi sợ mình không đủ khả năng bảo vệ con".
Lúc con còn bé, sợ con sẽ bị kẻ xấu làm tổn thương, khi con trưởng thành lại sợ con bị phân biệt đối xử nơi làm việc. Kết hôn và mang thai đều dễ dàng trở thành lý do khiến phụ nữ mất việc.
Và còn nhiều bất công xã hội khác, bình đẳng giới thật sự vẫn là một chặng đường dài phía trước. Nếu một ngày tất cả phụ nữ có thể được hưởng những "đặc ân" như nam giới, nếu như xã hội không xảy ra quá nhiều vụ án oan nghiệt mà nạn nhân là phụ nữ thì có lẽ những người mẹ sẽ không còn quá đắn đo với chuyện sinh con trai hay con gái nữa.
Nguồn: Sohu, Zhihu, Baidu