Xét xử vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Cựu giáo viên thay nhau bật khóc, nói "chưa bao giờ nghĩ rằng chấm thi mà bị đi tù"

Ngọc Thắng, Theo Tổ Quốc 11:52 15/05/2020

Trong phiên xét xử sáng nay, nhiều giáo viên bật khóc nức nở trước tòa, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm về với gia đình. Các bị cáo khẳng định không vụ lợi cá nhân khi phạm tội.

Sáng ngày 15/5, tại TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2017-2018 tại tỉnh Hòa Bình đối với 15 bị cáo là các cựu cán bộ, giáo viên, công an gây bức xúc dư luận tại địa phương này.

Xét xử vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Cựu giáo viên thay nhau bật khóc, nói chưa bao giờ nghĩ rằng chấm thi mà bị đi tù - Ảnh 1.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử.

Trong phiên xét xử sáng nay, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Chung (40 tuổi, giáo viên trường THPT Ngô Quyền, TP Hoà Bình) khi trình bày bào chữa bật khóc, thừa nhận hành vi phạm tội. 

Chung khai chỉ giúp bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu phó phòng khảo thí) nhờ xem bài chấm và chuyển thông tin nhờ giám khảo chấm điểm. "Chị Liên nói xem giúp thông tin, do lãnh đạo nhờ, chứ bị cáo không tác động việc chấm thi, không tác động nâng điểm" - Chung khai tại tòa.

Chung mong HĐXX xem xét vì chị phạm tội trong tình thế ép buộc. Bị cáo này không được hưởng lợi ích gì về vật chất mà chỉ thực hiện trong tình huống khó có thể từ chối. 

Xét xử vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Cựu giáo viên thay nhau bật khóc, nói chưa bao giờ nghĩ rằng chấm thi mà bị đi tù - Ảnh 2.

Chung bật khóc tại tòa.

Cùng hoàn cảnh với bị cáo Chung, tại tòa sáng nay, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Loan (41 tuổi, giáo viên trường THPT Lạc Long Quân, TP Hoà Bình) bật khóc liên tục và nói rằng rất hối hận, thừa nhận mọi hành vi phạm tội. 

Bị cáo Loan cho biết, bản thân tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội năm 2000 và suốt quá trình công tác liên tục là giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và còn nhiệt tình ngăn chặn cái xấu như săn bắt cướp giao cho công an.

Năm 2018, bị cáo Loan được triệu tập đi chấm thi THPT và được phân công làm tổ trưởng chấm thi tự luận môn Ngữ văn. 

Xét xử vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Cựu giáo viên thay nhau bật khóc, nói chưa bao giờ nghĩ rằng chấm thi mà bị đi tù - Ảnh 3.

Loan trình bày tại tòa.

Loan nghĩ đã hoàn thành nhiệm vụ chấm thi cho đến khi nhận thông tin các thí sinh từ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu phó phòng khảo thí), sau đó can thiệp chấm lệch điểm cho các thí sinh này. 

Tại tòa, bị cáo Loan khai báo chấm lệch điểm vì nghĩ đó là hành vi có lợi, không gây tổn hại đến học sinh nên đã "cần mẫn làm một việc sai trái". 

Theo bị cáo Loan, nguyên nhân dẫn đến sai lầm là do bản thân nể nang đồng nghiệp, để tình cảm lấn át lý trí nên xảy ra sai lầm. Hơn nữa, Loan thừa nhận thiếu hiểu biết về pháp luật nên mới thực hiện hành vi phạm tội. 

Từ khi bị bắt, Loan chưa từng chối tội nên "nghĩ mình không phải là người xấu vì đã nhận ra lỗi". Suốt quá trình điều tra, Loan đã thành khẩn khai báo, phối hợp với cơ quan an ninh làm rõ hành vi của những người khác. 

Theo bị cáo này, việc khai báo giúp cơ quan điều tra bắt Diệp Thị Hồng Liên là "một nỗi đau đớn xót xa và hối hận vô cùng" của bản thân.

Xét xử vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Cựu giáo viên thay nhau bật khóc, nói chưa bao giờ nghĩ rằng chấm thi mà bị đi tù - Ảnh 4.

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí).

"Chưa bao giờ nghĩ rằng đi chấm thi mà bị đi tù. Nếu biết vậy Loan sẽ bỏ nghề từ lâu để mà không phải đứng trước toà như ngày hôm nay", Loan nói trước tòa.

Cuối bài bào chữa, Loan cho hay hành vi phạm tội của mình không nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho xã hội mà chỉ làm mất niềm tin, danh dự cho bản thân và mọi người. Loan mong HĐXX cho hưởng khoan hồng để "sớm trở về làm người tốt". 

Loan cho hay đã nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, có nhiều thành tích xuất sắc nên rất mong toà án xem xét giảm án để sớm trở về chăm hai con nhỏ đang gửi bà ngoại gần 70 tuổi. 

Trong phần luận tội, VKS đề nghị tuyên phạt Nguyễn Thị Thu Loan và Nguyễn Thị Hồng Chung mỗi người từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 -2018 tại Hòa Bình, ông Nguyễn Quang Vinh (SN 1966, cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hoà Bình) đã cùng các bị cáo khác lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, các mối quan hệ cá nhân để cấu kết, can thiệp bài làm theo hướng nâng điểm cho 65 thí sinh gồm 64 em thi năm 2018 và 1 em dự thi năm 2017.

Các thí sinh này đã sử dụng kết quả sai nói trên để xét tốt nghiệp THPT và dự tuyển vào các trường đại học .

Trong đó, có 45 thí sinh trúng tuyển nhưng bị buộc thôi học; 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển; 3 thí sinh không xét tuyển.

Cáo trạng xác định, bị can Nguyễn Quang Vinh có vai trò chủ mưu đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT; thành viên ban chấm thi trắc nghiệm) và đưa chìa khóa phòng chấm thi, tạo các điều kiện thuận lợi để các bị can khác nâng điểm 145 bài thi trắc nghiệm cho 58 thí sinh.

Ông Vinh cũng chỉ đạo bị can Mạnh Tuấn "sinh mã phách" bài thi tự luận môn ngữ văn trái Quy chế thi để lấy thông tin; cung cấp "mã phách", thông tin thí sinh tham gia thi môn ngữ văn cho bị can Liên để chấm nâng điểm 20 bài thi.

Cơ quan truy tố làm rõ thêm, năm 2017, Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên Phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình) còn can thiệp, nâng điểm thi cho cháu gái mình. Ngoài ra, năm 2018, bị can Hồ Chúc đã đưa hối lộ 300 triệu đồng để Đỗ Mạnh Tuấn can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho 2 thí sinh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày