Dư luận cả nước lo lắng trước sự việc nữ bệnh nhân số 178, làm việc tại công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai đã thiếu trung thực khai báo lịch sử dịch tễ. Chỉ đến khi bệnh nhân này có biểu hiện sốt thì các bác sĩ mới phát hiện bệnh nhân này đã làm thuê ở Bệnh viện Bạch Mai trong 2 tháng vừa qua với công việc đưa cơm đến các khoa, phòng. Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, một số luật sư đề nghị cần xử lý mạnh tay hơn nữa đối với các bệnh nhân khai báo lịch sử dịch tễ không rõ ràng.
Các bác sĩ đang căng mình chống dịch nhưng vẫn còn một bộ phận bệnh nhân ý thức khai báo kém. (Ảnh minh họa)
Trước diễn biến phức tạp ổ dịch COVID 19 tại Bệnh viện Bạch Mai, từ tối qua và trong sáng nay, các địa bàn dân cư, tổ dân phố tại các tỉnh, thành phố tăng cường truyên truyền vận động người dân cần chủ động khai báo đã đến bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay.
Trong khi đó, nhiều người dân tỏ ra lo lắng về trường hợp bệnh nhân số 178, làm việc tại công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, đã khai báo không trung thực việc mình về từ Bạch Mai. Nhiều người đề nghị phải xử lý nghiêm những trường hợp khai báo không trung thực. Anh Trần Trung Kiên và ở Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội, nêu ý kiến:
Anh Trần Trung Kiên cho rằng: “Tôi thấy rằng luật truyền nhiễm thì chúng ta đã có. Tuy nhiên, cụ thể các vấn đề ra thì không ai người dân chưa ai hiểu được rằng mình bị vi phạm đến đâu và mình bị xử lý đến đâu. Cho nên việc tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật phòng chống dịch là rất quan trọng, chẳng hạn như mỗi người từ vùng dịch về hoặc những người trong những vùng cách ly, thậm chí là mỗi người dân đang sống khi hiểu được rằng là nếu người ta vi phạm bất cứ điều khoản nào bất cứ hành động nào vi phạm thì sẽ tương ứng với hình phạt và chế tài pháp luật. Cụ thể, khi người ta hiểu được điều đó thì người ta bớt vi phạm hơn”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Huy Cương, Trưởng bộ môn Luật Dân sự, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, bệnh nhân số 178 đã có nguy cơ cao làm lây lan dịch bệnh ra ngoài xã hội là vi phạm pháp luật. Bộ luật hình sự đã có những quy định rõ, cả những hành vi phải xử phạt hành chính.
PGS-TS Ngô Huy Cương cho biết: “Theo tôi, nếu vi phạm ở mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự phải truy cứu ngay lập tức là làm ngay lập tức làm khẩn trương. Thứ hai, nếu như mức độ vi phạm hành chính mà cần thiết phải cưỡng chế chúng ta phải làm ngay theo đúng quy định pháp luật. Mình đã giáo dục mà vừa thuyết phục đã quá nhiều rồi thì bây giờ là cần thiết có sự xử lý với chế tài áp dụng mức thích đáng. Xử lý thích đáng kịp thời ngay khi chúng ta đang chống dịch. Còn khi xong rồi thì tác động xã hội rất yếu”.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo là phải xử nghiêm những trường hợp khai báo không trung thực gian dối. Tuy nhiên, từ khi có Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý về việc khai báo không trung thực. Do đó việc xử lý nghiêm một số trường hợp khai báo dịch tễ thiếu trung thực để làm gương trong việc nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật trong cuộc chiến chống dịch COVID -19 đang ngày càng quyết liệt./.