Xem livestream bán hàng sao mà cuốn thế: "Chốt đơn" trong cơn hưng phấn không chủ đích, chẳng biết giá có thật sự hời?

Hương.H, Theo Phụ nữ số 12:12 07/03/2024

Bạn có thường xuyên “lạc” vào các buổi livestream bán hàng và chốt đơn một sản phẩm mà chẳng cần đắn đo, dù chưa thật sự cần đến món đồ đó?

Livestream bán hàng ngày càng phổ biến và trở thành "cơn sốt" trong thời đại công nghệ. Các “ông lớn” như TikTok, Shopee, Lazada, Tiki… đều không nằm ngoài xu hướng này.

Xuyên suốt sự kiện mua sắm 12-12 tại Việt Nam năm ngoái, sàn Shopee đã cán mốc 26 triệu sản phẩm bán ra trong 1,4 triệu giờ livestream .Trên TikTok, các “chiến thần livestream” như Diệp Lê, Võ Hà Linh, PewPew... hay "hot" nhất gần đây là Quyền Leo Daily liên tục lập kỷ lục với doanh thu lên đến hàng chục tỉ đồng, số đơn bán ra đạt hàng chục nghìn lượt.

Rõ ràng, khả năng kích cầu mua sắm của livestream bán hàng là điều không thể bàn cãi.

Xem livestream bán hàng sao mà cuốn thế: Chốt đơn trong cơn hưng phấn không chủ đích, chẳng biết giá có thật sự hời? - Ảnh 1.

Vậy rốt cuộc, livestream bán hàng có “ma lực” gì mà khiến người xem “mua sắm bất chấp” đến thế?

Giải mã bí ẩn của tâm lý “mua sắm bất chấp” trên livestream bán hàng

Đánh vào tâm lý FOMO và hiệu ứng đám đông

FOMO - Nỗi sợ bỏ lỡ là một tâm lý phổ biến mà nhiều nhà bán hàng livestream lợi dụng để tăng doanh số. Một trong những "chiêu trò" thường được sử dụng là đơn hàng ảo.

Xem livestream bán hàng sao mà cuốn thế: Chốt đơn trong cơn hưng phấn không chủ đích, chẳng biết giá có thật sự hời? - Ảnh 2.

Số lượng đơn hàng ảo lớn thường tạo cảm giác sản phẩm đang bán rất chạy, sắp hết hàng. Chưa kể, các nhà bán hàng thường giới hạn số lượng sản phẩm hoặc thời gian khuyến mãi, khiến người xem FOMO và muốn mua hàng ngay lập tức.

Bên cạnh đó, theo hiệu ứng tâm lý đám đông, khi người xem thấy nhiều người mua hàng, họ có xu hướng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và dễ dàng đưa ra quyết định mua hàng.

Tính giải trí

Livestream bán hàng giờ đây không chỉ để chốt đơn, mà còn thỏa mãn được nhu cầu giải trí của người xem. Shoppertainment - sự kết hợp giữa mua sắm và giải trí, đang trở thành xu hướng "gây nghiện" mới trong thế giới livestream.

Xem livestream bán hàng sao mà cuốn thế: Chốt đơn trong cơn hưng phấn không chủ đích, chẳng biết giá có thật sự hời? - Ảnh 3.

Những nội dung livestream bán hàng cũng vì vậy mà ngày càng sáng tạo không giới hạn. Từ livestream drama gia đình đầy kịch tính, vợ giận chồng nên thanh lý hết đồ với giá siêu rẻ; livestream cosplay tiên giới độc lạ ở xứ Trung cho đến livestream trò chuyện kiêm tư vấn theo phong cách “mỏ hỗn” như của Pew Pew… tất cả đều kích thích sự tò mò cực mạnh cho người xem vì không thể đoán được diễn biến tiếp theo.

Xem livestream bán hàng sao mà cuốn thế: Chốt đơn trong cơn hưng phấn không chủ đích, chẳng biết giá có thật sự hời? - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, người xem còn có thể bình luận, chia sẻ và tham gia vào livestream. Đây là cách thu hút sự chú ý và giữ chân khách hàng khéo léo và hiệu quả, đặc biệt đặt trong bối cảnh thị trường livestream ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Và rõ ràng, cảm xúc vui vẻ, thoải mái khi xem livestream cũng góp phần khiến người mua dễ dàng “xuống tiền” mà chẳng cần suy nghĩ nhiều.

Sức hút từ người nổi tiếng

Sự tham gia của KOL (Key Opinion Leader), KOC (Key Opinion Consumer) và người nổi tiếng trong các buổi livestream bán hàng cũng là yếu tố lớn góp phần gia tăng sức hút. Họ sở hữu lượng fan hùng hậu, có khả năng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người xem.

Chẳng nói đâu xa, Chu Thanh Huyền - vợ tiền vệ Nguyễn Quang Hải cũng rất chịu khó tận dụng KOL “của nhà trồng được” để livestream bán hàng, thu hút rất đông người xem và thu về lượng đơn cực “khủng”.


Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng V-biz như Hòa Minzy, Quỳnh Lương, Hồ Ngọc Hà, Chi Pu, Diệp Lâm Anh, Lê Dương Bảo Lâm,... cũng rất nhiệt tình tham gia hình thức kinh doanh hấp dẫn này

Mua hàng qua livestream có thật sự hời hơn các kênh khác?

Tất nhiên bên cạnh các yếu tố kể trên, giá cả và ưu đãi cũng là lý do hấp dẫn khiến nhiều người tiêu dùng chọn mua hàng trên Livestream.

Thực tế, nhiều nhà bán hàng livestream thanh lý hàng tồn kho, hàng lỗi nhỏ với giá rẻ hơn so với giá niêm yết. Không chỉ vậy, trên livestream thường có voucher giảm giá cao hơn so với voucher thông thường trên các sàn TMĐT.

Xem livestream bán hàng sao mà cuốn thế: Chốt đơn trong cơn hưng phấn không chủ đích, chẳng biết giá có thật sự hời? - Ảnh 7.

Lấy ví dụ như các sản phẩm mua trên Shopee Live thường sẽ đi kèm mã miễn phí vận chuyển và nhiều voucher giảm giá lên đến 50%, hời hơn và cũng dễ "săn" hơn nhiều so với voucher thông thường trên sàn Shopee.

Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp nhà bán hàng nâng giá gốc lên trước khi tung voucher giảm giá. Người dùng cần lưu ý so sánh giá để không bị “mua hớ”. Bên cạnh đó, người dùng thường khó kiểm tra chất lượng sản phẩm qua livestream, đôi khi vì ham giá rẻ mà mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng và bỗng dưng bị mất tiền oan. Do đó, người dùng cũng nên cẩn trọng kiểm tra kỹ thông tin nhà bán hàng, nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo không mua phải hàng kém chất lượng.