Đến hẹn lại lên, mùa Oscar luôn là khoảng thời gian sôi động nhất trong năm với các tín đồ điện ảnh. Địa hạt phim hoạt hình (animation) luôn là một trong những tâm điểm được quan tâm nhiều nhất mỗi mùa giải.
Đã 15 năm trôi qua kể từ khi hạng mục "Phim hoạt hình xuất sắc nhất" (Best Animated Feature) được đưa vào danh sách, dường như đã có một số tiêu chuẩn và khuôn khổ vô hình được hình thành cho hạng mục giải thưởng này. Trong đó, vấn đề được bàn tán nhiều nhất chính là vị thế của các phim hoạt hình không-phải-của-Hollywood tại Oscar, đặc biệt là hoạt hình Nhật Bản (anime).
Anime luôn có một chỗ đứng rất đặc thù trong điện ảnh thế giới chứ không riêng gì Nhật Bản. Dù bây giờ công nghệ hoạt họa của Hollywood đã đạt đến những trình độ và kĩ thuật thượng thừa còn anime vẫn chỉ trung thành với dạng hoạt hình 2D nhưng sự sáng tạo về nội dung và ý tưởng trong các tác phẩm anime là vô bờ. Đến cả một số bom tấn Hollywood còn từng mang tiếng "đạo nhái" anime thì đừng thắc mắc vì sao loại hình nghệ thuật này trở thành thứ đại diện cho tinh thần sáng tạo của người Nhật và làm say mê hàng vạn người trên đời.
Ở Nhật, anime không đơn thuần là những sản phẩm giải trí như nhiều người lầm tưởng mà nó gần như là một "tiêu chuẩn" cho sự thành công. Chẳng hạn như ở ngành manga (truyện tranh Nhật), "được chuyển thể anime" luôn là tiêu chí các mangaka (tác giả truyện tranh) hướng đến. Bạn hãy nhớ lại những cái tên đình đám như Dragon Ball, One Piece, Naruto mà xem, chẳng có bộ nào không có anime. Chưa kể anime còn quyết định rất lớn đến sự phổ biến của manga. Ví dụ rõ ràng nhất là Đại Chiến Titan (Shingeki no Kyojin/Attack On Titan), được phát hành từ năm 2010, từng đạt giải thưởng nhưng đến tận 2012 khi tác phẩm này được chuyển thể thành anime thì mới thực sự bùng nổ.
Điều này chứng tỏ anime là một hình thức giải trí phổ biến bậc nhất tại Nhật với đối tượng hướng đến không chỉ là trẻ em. Và, nếu bạn vẫn nghĩ anime chỉ là một loại hình tiêu khiển phục vụ cộng đồng otaku thì coi chừng lầm to vì đã có rất nhiều anime gây tiếng vang trên thị trường quốc tế, tiêu biểu là các bộ phim của Ghibli Studio. Nếu Osamu Tezuka được xem là "ông tổ" của manga thì Hayao Miyazaki chính là "vị thần" của anime. Là một trong những người đồng sáng lập Ghibli Studio, Hayao Miyazaki còn là đạo diễn của những bộ phim Ghibli mang tính biểu tượng như My Neighbor Totoro, Spirited Away, Howl's Moving Castle, Ponyo, The Wind Rises, v.v..
Totoro - một trong những nhân vật biểu tượng của anime
Trong đó Spirited Away còn vinh dự nhận được tượng vàng Oscar cho hạng mục "Phim Hoạt hình xuất sắc" năm 2002 và là tiền lệ phim châu Á đoạt giải duy nhất cho đến hiện nay. Chiến thắng của Spirited Away năm đó như một sự tự hào của người Nhật và cả những người yêu thích anime. Dù sau đó vẫn có những cái tên lọt vào danh sách tranh giải như Howl's Moving Castle (2005), The Wind Rises (2013), The Tale of the Princess Kaguya (2014), When Marine Was There (2015) nhưng Spirited Away vẫn là một kẻ chiến thắng đơn độc.
Cảnh trong phim Spirited Away
Từ chỗ tự hào, dần dần Spirited Away biến thành một cơn khát cho những kẻ yêu thích phong vị Nhật Bản. Họ luôn mong mỏi có một tượng vàng thứ hai cho những tác phẩm họ yêu thích. Rồi những cuộc "khẩu chiến" trên bàn phím xảy ra ở các mặt trận mang tầm cỡ quốc tế, một phe bảo vệ Disney - Pixar hết mực và một phe muốn đòi công bằng cho anime.
Những cuộc tranh cãi này luôn bùng phát khi mỗi mùa Oscar bắt đầu và sẽ không bao giờ dừng lại trong tương lai. Bản thân Viện Hàn lâm và những người đại diện cũng chưa bao giờ công bố tiêu chí cho lựa chọn của mình. Vì thế mà những gì đằng sau bức tượng màu vàng ấy luôn luôn sục sôi những ý kiến trái chiều.
Theo kết quả Oscar nhiều năm nay, chúng ta dễ dàng nhận ra những tác phẩm được chọn làm kẻ chiến thắng đều có những đặc điểm chung là sự đại chúng và sự đồng cảm. Những Inside Out, Big Hero 6, Frozen, Brave đều là những quả bom làm rung chuyển phòng vé thế giới và những hình ảnh ăn theo tràn ngập sau đó. Trẻ em quốc tế có thể không biết công chúa Kaguya nhưng chắc chắn trẻ em Nhật Bản sẽ biết Elsa. Đây dường như là mấu chốt khiến mọi người phải chấp nhận những tiêu chí đã hình thành từ lâu của Oscar. Nhưng gượm đã, từ bao giờ chúng ta lại chỉ đích danh "trẻ em" làm đối tượng khán giả cho hạng mục phim hoạt hình!?
Chẳng có một mốc thời gian nào đâu mà nó vốn dĩ đã là một suy nghĩ được đóng đinh vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Người lớn vẫn có thể đến rạp xem phim hoạt hình nhưng đối tượng quan tâm nhiều nhất vẫn là trẻ em. Điều này đã thuộc về khái niệm cảm tính "thích"/"không thích" mà không ai có thể can thiệp. Thậm chí ở Việt Nam, bản thân chúng ta mỗi khi nói đến "phim hoạt hình" thì ai cũng nghĩ đó là phim cho con nít xem. Phải chăng vì suy nghĩ này mà tiêu chí để chọn ra kẻ cầm tượng chính là sự đại chúng và dễ hiểu? Không có dẫn chứng nào để chứng minh nhưng cũng chẳng có luận điểm nào có thể phản bác. Đây cũng là "rào cản" đã khiến nhưng bộ phim thú vị như Coraline, Wreck-it Ralph chỉ có thể tiến đến vị trí "đề cử" mà không thể mang cúp về nhà.
Wreck-it Ralph, tác phẩm xuất sắc này đã thua Brave vào năm 2012
Trong khi đó, dường như Nhật Bản không có khái niệm "phân biệt đối xử" với hoạt hình. Đối với người Nhật, anime - hoạt hình cũng là một dạng phim. Bản thân một bộ phim có thể có nhiều thể loại thì anime cũng vậy, thứ khác biệt duy nhất chính là đồ họa và diễn viên tham gia. Tất nhiên vẫn có những anime khai thác một số đề tài nhạy cảm và nó sẽ được gắn mác cấm trẻ em nhưng nhìn chung, người Nhật không mặc định anime là phim làm ra cho trẻ em. Chính bởi quan niệm này mà suốt 13 năm trôi qua kể từ Spirited Away vẫn chưa có một tác phẩm anime nào rạng danh trên thảm đỏ.
Điểm chung của những anime xuất hiện trong danh sách đề cử suốt nhiều năm chính là đẹp và nội dung không đơn giản. Có một số phim (ngay cả Spirited Away cũng thế) mà người lớn cũng phải xem đi xem lại vài lần mới hiểu hết những điều mà bộ phim truyền tải. Chưa kể một số phim còn có không khí quá u uất khiến người xem cảm thấy nặng nề. Những điều này dù muốn dù không đã "phạm" vào các tiêu chuẩn vô hình nói trên, khiến những người đại diện và cả số đông khẳng định chúng không dành cho trẻ em. Thế là mất Oscar và cuộc chiến dai dẳng giữa phe anime và phe Disney lại bắt đầu mà không bao giờ tìm được điểm chung.
Mind Game - một anime đỉnh cao nhưng sẽ không bao giờ có Oscar
Trong số 27 bộ phim được đề cử cho hạng mục Hoạt hình năm nay tại Oscar có 3 tác phẩm anime là Kimi no Na wa (Your Name), The Red Turtle và Miss Hokusai. Miss Hokusai đã từng đoạt giải Phim hoạt hình hay nhất tại Liên hoan Điện Ảnh Châu Á Thái Bình Dương 2015, sự đặc thù đậm tính Nhật Bản trong câu chuyện sẽ khó có thể giúp bộ phim này chiến thắng, đây là điều dễ đoán. The Red Turtle - tác phẩm không lời thoại hợp tác với nước ngoài sau khi Ghibli Studio tuyên bố đóng cửa lại đến tháng 1/2017 mới ra mắt, chịu bất lợi rất lớn về mặt thời gian cũng như độ phổ biến nên có lẽ cũng chỉ là "tham gia cho vui". Mọi hy vọng của những "con nghiện" anime lúc này đều đổ lên đầu Kimi no Na Wa, một quả bom đầy bất ngờ tại Nhật.
The Red Turtle đang được nhiều người trông đợi
Poster Kimi no Na wa - tạm dịch: "Tên cậu là..." dự kiến chiếu tại Việt Nam từ ngày 13/1/2017
Công chiếu từ tháng 8, hiện tại theo doanh số đã công bố thì bộ phim đã thu về hơn 19.7 tỉ yên (tương đương 174 triệu đô la Mỹ), trở thành phim ăn khách nhất Nhật Bản năm 2016. Phim vừa được trình chiếu tại Mỹ vào ngày 2/12 vừa rồi và một số nước châu Á trước đó. Với thành tích khổng lồ mà Kimi no Na wa đã mang về, không khó hiểu khi mà nhiều người đặt niềm tin chiến thắng vào nó. Đạo diễn Makoto Shinkai (người đã làm ra 5cm/s, Garden of Words) đang được ca ngợi sẽ trở thành người kế thừa của Hayao Miyazaki vì đã làm được một tác phẩm anime có doanh thu khổng lồ mà không phải do Ghibli sản xuất.
Hình ảnh và đồ họa trong Kimi no Na wa đẹp đến độ chuẩn mực và hùng vĩ, thuộc một đẳng cấp khác hoàn toàn những anime chuyển thể từ truyện tranh. Hàng loạt những khung cảnh có thật của nước Nhật được chọn đưa vào phim như thị trấn Itomori với những ngọn đồi, hồ nước, các đền thần đẹp như tranh. Bố cục ánh sáng và màu sắc trong các phim của Makoto Shinkai đang dần khẳng định một vị thế riêng. Và nếu đem "Ghibli" ra làm tiêu chuẩn so sánh thì Kimi no Na wa đã gần như có thể chạm đến.
Câu chuyện trong Kimi no Na wa cũng chính là thứ khiến bộ phim này hái ra tiền vì nó phản ánh rất tinh tế tâm tư người Nhật. Dùng ý tưởng hoán đổi hồn xác của hai cô cậu học sinh ở hai vùng địa lý để minh họa cho sự cô đơn và nỗi ám ảnh về thiên tai, Kimi no Na wa ngỡ là một câu chuyện tình yêu nhưng càng về cuối càng bộc lộ được nhiều tâm ý mà đạo diễn gửi gắm. Đôi khi chúng ta cứ có cảm giác như mình đi tìm một ai đó, một nơi nào đó nhưng tuyệt đối không thể nhớ ra một cái tên. Để rồi khi có một chút manh mối hay hy vọng, ta sẽ bất chấp mọi thứ để cứu lấy những điều tưởng như rất mơ hồ.
Taki - cậu trai thành thị và Mitsuha - cô miko ở thị trấn xa xôi
Câu chuyện của Taki và Mitsuha thực chất chỉ là những trăn trở về những cuộc gặp gỡ thoáng qua và tìm kiếm, nhưng nó lại thôi thúc điên cuồng trong lồng ngực. Nếu không hiểu được người Nhật, thấu cảm văn hóa Nhật hay một lần thử sống trong xã hội Nhật, có lẽ sẽ rất khó để đồng tình. Nhưng đối với người Nhật, bộ phim như một tiếng lòng thổn thức.
Người Nhật có một câu thành ngữ mà bất cứ ai cũng biết - Nhất kì nhất hội (ichi go ichi e) - tức là mọi cuộc gặp gỡ đều có nguyên do, nếu ta không trân trọng có thể sẽ đánh mất suốt cuộc đời. Thực tế thì một ngày bước ra đường chúng ta chạm trán hàng trăm, hàng ngàn người, có thể ta đã để lỡ hàng trăm, hàng ngàn mối nhân duyên tốt đẹp nhưng sẽ chẳng ai bận lòng chuyện đó, trừ người Nhật. Cuộc sống của họ có một sự đặc thù rất khó tả nằm ẩn trong cách sinh hoạt và suy nghĩ, ở sự trái ngược giữa cái vội vàng trong nhịp độ và sự mông lung trong tâm trí. Kimi no Na wa đã diễn tả hầu như trọn vẹn sự trăn trở này trong một câu chuyện khoa học viễn tưởng được vẽ bằng những mảng màu tuyệt đẹp.
Chưa kể phim còn đưa vào nỗi e ngại thiên tai của người Nhật bằng những chi tiết và hình tượng rất đẹp. Là sự băng ngang bầu trời rồi chia hai của sao chổi, là hồ thiên thạch tĩnh lặng như gương, là "musubi" - sự kết nối thời gian, là "kataware doki" - sự giao thoa của những ranh giới hư thực. Tất thảy những điều trên đã giúp Kimi no Na wa đánh bại Shin Godzilla (75 triệu đô) hay Zootopia (70 triệu đô) trong bảng xếp hạng phòng vé.
Vì thế đừng hỏi vì sao khi có ai đó xem Kimi no Na wa lại thấy thật mệt mỏi trong khi người Nhật lại yêu nó đến vậy. Vốn dĩ điện ảnh Nhật đã có một diện mạo rất khác, anime cũng không ngoại lệ. Có thể trẻ em Mỹ hay Việt Nam khi xem bộ phim này chỉ thấy khó hiểu và vô nghĩa, mà như thế tức là đã phạm vào "điều cấm kị" của Oscar. Nói đi nói lại thì gút mắc lớn nhất giữa Oscar và anime chính là "định kiến".
Nếu hầu hết số đông và Viện Hàn lâm đều cho rằng Phim hoạt hình chỉ nên hướng đến trẻ em, tạo ra được ước mơ cho chúng thì còn khướt mới có một anime nào khác vinh dự cầm tượng vàng. Thậm chí điều đó còn ảnh hưởng đến cả những "kẻ đồng hương" khác tại Mỹ như Kubo and The Two Strings của Laika Studio trong năm nay. Ngay khi vừa ra mắt bộ phim đã được giới phê bình khen ngợi nhiệt liệt về sự sáng tạo trong nghệ thuật và sức nặng của câu chuyện. Nhưng với sự thờ ơ của công chúng, rõ ràng Kubo vẫn khó mà đăng quang.
Phim "Kubo and the two strings"
Phải chăng đã đến lúc tất cả chúng ta, những nhà phê bình, những nhà văn hóa nên định hình lại những gì đã thành "khung"!? Trong cụm "Best Animated Feature" đâu có từ nào hướng đến "trẻ em"/"children" hay những gì liên quan. Hay vì đó là một định kiến lâu đời mà không ai muốn thay đổi, trừ người Nhật!? Có lẽ để công bằng nhất, thời gian tới Viện Hàn lâm nên "đẻ" thêm hạng mục Best Children-Animated Feature để thỏa mãn mọi đối tượng khán giả và ngăn những cuộc khẩu chiến mệt mỏi. Còn tạm thời năm nay, bản thân người viết dù là một kẻ "cuồng si" Kimi no Na wa nhưng vẫn tin Moana sẽ giành chiến thắng.