Đó là hoàn cảnh thương tâm của cụ Hoàng Thị Huệ (80 tuổi, ở xóm Miếu, thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Cuộc đời cụ Huệ là một bi kịch, mà đến lúc cuối đời, gánh nặng cuộc đời vẫn đè lên đôi vai cụ.
Hai bà cháu lay lắt sống qua ngày
Trong căn nhà tồi tàn, cụ già 80 tuổi cùng cháu trai của mình đang leo lắt sống qua ngày. Vào nhà, không có thứ gì giá trị ngoài hai chiếc ghế gỗ đã mấy chục năm. Sợi dây vắt ngang trong nhà với ngổn ngang quần áo cũ, không có thứ gì đáng giá trong căn nhà.
Thân già khó nhọc
Cụ Huệ sinh được 4 người con, khi con cái trưởng thành, cụ ở với người con trai tên Nguyễn Ngọc Thiệu. Anh Thiệu lấy chị Vương Thị Xuyến là người cùng thôn. Kết quả cuộc hôn nhân là hai đứa con đầu lòng của anh chị đều có biểu hiện tâm thần, ngờ ngệch. Số phận nghiệt ngã hơn khi căn bệnh tim bẩm sinh của anh Thiệu ngày càng trầm trọng. Gia đình phải gồng gánh lo lắng chữa trị cho anh Thiệu. Làm quần quật ngoài đồng ruộng cũng chẳng đủ tiền thuốc men cho anh Thiệu.
Thân già 80 tuổi, cụ Huệ không nuôi nổi hai cháu bị tâm thần
Đến năm 2009, cháu gái Nguyễn Ngọc Thúy – là con đầu của vợ chồng anh Thiệu bị lừa bán sang Trung Quốc. Lúc đó Thúy vừa tròn 20 tuổi. Mất con, cả nhà chạy đôn đáo khắp nơi đi tìm nhưng không thấy. Gia đình đau lòng khôn xiết, đặc biệt là anh Thiệu. Cũng vì thế mà căn bệnh của anh Thiệu ngày càng trầm trọng hơn. Bà Huệ kể: “Nằm trên giường bệnh mà nó cứ ngóng ra cửa đợi con. Nó bảo nó muốn đi tìm cái Thúy nhưng tôi không cho. Cũng vì vậy là sức khỏe nó ngày càng yếu hơn”
Đợi chờ trong vô vọng, cháu Nguyễn Ngọc Thúy vẫn bặt vô âm tín mặc cho người cha bệnh tật đang mong ngóng từng ngày. Mấy tháng sau, Thúy vẫn chưa về, anh Thiệu bị đột quỵ và vĩnh viễn ra đi, không kịp đợi con gái anh về.
Mỗi khi nhắc về con trai và con dâu chết cách nhau chỉ sau ngày, cụ lại nghẹn ngào
Tai họa ập đến liên tục. Vợ anh Thiệu vì nhớ con thương chồng, mà sau ngày chồng chết chị sinh quẩn tính, như người điên dại trong nhà. Chị kều gào đợi con suốt đêm không ngủ, cả nhà lo lắng chị làm điều dại dột nên phân công nhau trông nom chị. Một hôm, chị Xuyến tắm giặt từ rất sớm, mặc bộ quần áo đẹp nhất của chị, lợi dụng lúc gia đình không ai để ý, chị bỏ nhà đi và quyên sinh tại cái hồ sâu nhất của thôn. Vậy là sau ngày chồng chết 6 ngày, chị Xuyến cũng ra đi mãi mãi, để lại cho cụ Huệ 3 đứa con thơ dại, bệnh tật.
Người mẹ già khóc cạn nước mắt, người đầu bạc tiễn người đầu xanh. Trong đau buồn, bà gồng gánh nuôi hai đứa cháu nhỏ và vẫn không ngừng tìm kiếm đứa cháu gái bị mất tích. Sau gần 6 tháng bị lừa bán, em Nguyễn Ngọc Thúy trốn ra ngoài được và nhờ lực lượng chức năng đưa em về quê Chương Mỹ. Với tiền sử bệnh tâm thần, sau thời gian dài lưu lạc sống trong sợ hãi, bệnh của Thúy ngày càng trậm trọng hơn. “Chúng tôi tưởng sẽ không bao giờ gặp lại cái Thúy nữa. Ngày nó về vừa mừng vừa thương. Nó sống bên đất khách quê người, lưu lạc mấy tháng trời. Giờ về nó bị bệnh tâm thần trầm trọng, suốt ngày la ó, chửi bới. Nhìn cháu mà thương đứt ruột” cụ Huệ nghẹn ngào nhớ lại.
Gần cả cuộc đời, cụ Huệ một mình nuôi con, giờ lại thân già nuôi 3 cháu mồ côi
Một mình nuôi hai cháu mắc bệnh tâm thần
Nói về cháu Nguyễn Ngọc Trung, bà Huệ cũng buồn đau không kém. Trung bị bệnh tâm thần từ nhỏ. Ngày bố mẹ mất đi, bệnh em càng trầm trọng. Bà huệ đau đớn xích cháu vào cái chân giường. Hằng ngày cho ăn uống, mọi việc tắm giặt đều tới tay bà. Bà chăm Trung như đứa trẻ lên hai, lên ba. Nhìn cảnh cụ già 80 tuổi chăm cháu tâm thần bị xích chân nơi đâu giường ai cũng đau lòng. Số phận nghiệt ngã hơn với cụ Huệ khi một lần nữa cụ phải tự tay xích đứa cháu thứ hai là Nguyễn Ngọc Thúy vào cột nhà. Từ ngày trở về từ tay bọn buôn bán người, chứng tâm thần của em càng trâm trọng, cụ Huệ gạt nước mắt xích Thúy lại, và chăm sóc như Trung. Thân già lọ mọ một mình chăm sóc hai đứa cháu tâm thần.
Cụ Huệ nghẹn lòng khi phải xích hai đứa cháu bị bệnh tâm thần
Càng ngày, chứng bệnh của hai cháu càng nặng. Ăn một chỗ, vệ sinh một chỗ, mình cụ Huệ lo toan mọi việc. Khó khăn đủ bề, sức già không lao động được, cụ chẳng biết lấy tiền đâu nuôi cháu. Lại thêm vất vả vì căn bệnh quái ác khiến cụ thức trắng nhiều đêm. Cụ đành chấp nhận gửi hai cháu vào trung tâm chăm sóc người tâm thần. Cháu Nguyễn Ngọc Thúy được gửi lên trung tâm ở Ba Vì, Sơn Tây. Cháu Nguyễn Ngọc Trung được gửi vào trung tâm ở Ứng Hòa, Hà Nội. “Gửi các cháu đi, tôi buồn lắm, thấy có lỗi với chúng nó nữa. Nhưng thân già này phải chấp nhận thôi chú ạ. Nay tôi đã 80 tuổi rồi, không lo nổi cho hai cháu bệnh tật được” cụ Huệ chia sẻ khi nghĩ về hai cháu đang trong trại tâm thần.
May mắn với cụ Huệ và cũng là niềm an ủi lớn nhất khi đứa con trai út của vợ chồng anh Thiệu khỏe mạnh. Cháu Nguyễn Ngọc Linh năm nay học lớp 6, trường THCS Phụng Châu. Năm nay 12 tuổi, nhưng nhìn cậu gầy gò, ốm yếu, lúc nào cũng đăm chiêu ít nói. Linh sống với bà trong căn nhà nhỏ tồi tàn, hai bà cháu rau cháo nuôi nhau qua ngày. Ngày Linh nhập học, cụ đi vay mượn hàng xóm được hơn trăm nghìn về mua cho cháu bộ quần áo đồng phục để đi học cho kịp chúng bạn. Hai bà chua cơm ăn bữa đói bữa no, leo lắt sống qua ngày. “Gia đình các con tôi kinh tế khó khăn, quanh năm làm ruộng nuôi con ăn học nên tôi hiểu là chúng không giúp được gì nhiều” cụ Huệ nói. Tôi hỏi Linh có hay đi thăm anh chị ở trung tâm chăm sóc người tâm thần không? Linh trả lời buồn bã: “Cháu muốn đi những không ai đưa đi cả, cũng không có đủ tiền để đi thăm anh chị đâu chú ơi”. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến tết Nguyên Đán, Linh chỉ mong được đi thăm hai anh chị thôi.
Cháu Nguyễn Ngọc Linh (học lớp 6) là gánh nặng cho cụ Huệ bây giờ
Cụ Huệ kể: “Mấy hôm trước con dâu cả có xuống thăm thằng cháu Trung ở Ứng Hòa, nhưng lại đúng vào hôm Trung bị đau bụng phải nằm điều trị ở viện mấy ngày. Nghe tin mà tôi thương cháu quá. Chỉ mong có sức khỏe, có tiền để đi thăm hai đứa cháu”. Để lên trung tâm thăm được hai cháu cũng là một khó khăn với cụ Huệ. gánh nặng tuổi tác, chi phí đi lại một mình cụ không lo nổi. Cụ tâm sự nhiều lúc nhớ cháu đến sinh bệnh mà không đi thăm được. Lúc nào nhớ hai cháu, cụ chỉ biết ngồi nhìn ra của rồi lặng khóc một mình.