Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ

Vy Trần, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 05/05/2013

Để được vào cái nơi mà bình thường chẳng ông bà cụ nào muốn vào, các nghệ sĩ lão thành đã phải trải qua rất nhiều “kiểm duyệt” – tất cả chỉ vì đời người nghệ sĩ xưa quá nghèo và còn nhiều khó khăn.

Đến thăm viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) vào một ngày cuối tháng 4, không khí tại đây trong lành và mát mẻ vì ngôi nhà chung của các cụ được bao quanh bằng nhiều cây xanh. Hội trường có vẻ đông vui vì có một nhóm bạn trẻ của trường đại học đang đến thăm các ông bà. Cựu ký giả kịch trường Tần Nguyên – trưởng ban quản lý viện dưỡng lão nghệ sĩ đại diện các cụ để giao lưu với mọi người (vì nhiều cụ đã lớn tuổi, lãng tai và mờ mắt nên không còn nhanh nhẹn khi trao đổi nữa). Các nghệ sĩ nổi tiếng lừng lẫy một thời giờ đây đã là những ông cụ, bà cụ chân run – mắt mờ nhưng chỉ duy nhất giọng hát và trái tim yêu nghề vẫn còn rực cháy – đó là điều không khó thấy khi hòa mình vào không gian nơi này.

Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 1

Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 2
Khuôn viên đầy bóng mát của viện dưỡng lão nghệ sĩ


Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 3
Bác Tần Nguyên trong một buổi chia sẻ cùng các bạn thanh niên đến thăm viện


Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 4
Những cụ ông cụ bà đều đã trên 70 tuổi...

Đa số những bậc tiền bối đang được hưởng chế độ tại viện dưỡng lão đều là người có công với đất nước, cống hiến thời xuân sắc cho nền nghệ thuật sân khấu nhưng về già, họ chỉ biết trông chờ vào sự từ thiện của xã hội và sự giúp đỡ của ban ái hữu nghệ sĩ để sống qua ngày. Đó là một thiệt thòi lớn đới với các lão thành.

Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 5
Bên trong ngôi nhà 2 tầng - nơi ở của 23 cụ

Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 6
Ngôi nhà đã khá cũ kỹ và xuống cấp nhưng vẫn chưa đủ kinh phí để xây dựng

Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 7
Phòng bếp đơn sơ của viện dưỡng lão được diễn viên điện ảnh Việt Trinh tài trợ sửa chữa cách đây không lâu

Để vào được viện dưỡng lão và trở thành người chính thức, không phải ai cũng có đủ điều kiện và nếu có đủ điều kiện thì cũng phải chờ thêm “may mắn” nữa. Điều kiện ở viện là các nghệ sĩ phải có hơn 20 năm hoạt động trong nghề - được nhiều khán giả yêu mếm (hâm mộ), cụ ông phải trên 65 tuổi và cụ bà trên 60, đặc biệt là chỉ duyệt cho những hoàn cảnh nghèo khó, không nơi nương thân… Và “may mắn” nằm ở chỗ, viện dưỡng lão chỉ có hơn 20 phòng nên người mới chỉ được vào khi người cũ đã “ra đi”… Cuộc sống là vậy, có những sự thật rất buồn. Một cụ bà buồn bã chia sẻ: "Chúng tôi được vào đây là mừng lắm rồi. Ở ngoài kia có hơn cả trăm đồng nghiệp đang ngày càng già yếu và thiếu thốn nhưng chưa đủ điều kiện vào hoặc đủ nhưng chưa có chỗ để vào. Có người cả đời chỉ mong được xem xét cho vào viện để có thể sống những ngày an nhàn bên bạn bè, đồng nghiệp cũ, sống trong cái tình sân khấu nhưng đến lúc chết vẫn chưa được. Thương lắm..."

Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 8
Phòng thờ nghệ sĩ nhân dân Phùng Hà (người lập ra viện) và các nghệ sĩ quá cố


Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 9
Cái tình nghệ sĩ và tâm hồn tươi trẻ yêu nghệ thuật đã giúp các cụ trẻ hơn tuổi của mình


Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 10
Cụ bà Bạch Yến - cụ lớn tuổi nhất viện hiện đang bệnh nặng.

Tại viện, ngoài chỗ che nắng che mưa là một căn phòng nhỏ vỏn vẹn vài mét vuông, một cái giường và một cái tủ nhỏ đựng quần áo cùng nhiều kỉ vật sân khấu thì mỗi cụ ở viện sẽ được cấp chi phí ăn là 21.000 đồng/ người/ ngày. Với số tiền ích ỏi này cho cả 3 bữa ăn trong ngày, cô đầu bếp (là vợ của một người làm hậu cần đoàn cải lương ngày xưa) sẽ đi chợ và chăm lo bữa ăn với đầy đủ cơm – rau - cá (hoặc thịt) cho các cụ. Nghe chuyện mà nhói lòng, khi 21.000 đồng chưa đủ ăn một bát phở cho một bữa ăn bình thường thì các cụ ông cụ bà cả đời hi sinh tuổi trẻ, đi khắp các nơi phục vụ nhân dân thì lại phải ăn uống thiếu thốn như thế kia.

Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 11
Bên trong một căn phòng


Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 12
Người nghệ sĩ già cô độc bên những kỉ vật đời mình thời vinh quang

Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 13
Bữa cơm đơn sơ của một nghệ sĩ nghèo chỉ có vài con cá nhỏ...

Các cụ ở viện đa số không còn sức khỏe nên không còn đi diễn nữa. Ngoài cụ Thiên Kim vẫn còn là ngôi sao các phim truyền hình với những vai bà lão phù hợp thì các cụ còn lại chỉ còn biết sống dựa vào từ thiện. Một số cụ trước khi được vào đây an dưỡng đã rất vất vả, phải đi bán vé số dạo ở khắp các con đường dù cách đây vài chục năm, các cụ là những “ngôi sao” và luôn được săn đón trên sân khấu lẫn ngoài đời.

Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 14
Một nghệ sĩ lão thành đang ngân nga câu hát vọng cổ mùi mẫn phục vụ khách đến thăm

Nghệ sĩ Thiên Kim chia sẻ bà rất vui khi đến giờ này vẫn còn được tổ đãi nên cho nhiều vai diễn phù hợp, khiến bà có cơ hội được góp mặt vào nhiều bộ phim phục vụ khán giả dù đã rất già như thế này. với người nghệ sĩ, không còn gì may mắn hơn điều đó. Bà có 5 đứa con đã trưởng thành, có cả cháu chắt nhưng bà thích cuộc sống anh em bạn bè ở đây hơn. Mà theo bà "Người già với nhau mới dễ hiểu nhau". Mỗi khi có vai diễn, bà sẽ đi xe ôm đến nơi quay phim và về viện trong ngày ("Xe ôm của bà cũng là một bác nghệ sĩ già nhưng chạy xe "xịn" lắm" - bà nói). vì tuổi cao, nên bà chỉ nhận những vai trong thành phố để giữ sức khỏe. Con cháu bà đều cản, chúng muốn bà nghỉ ngơi nhưng một người nghệ sĩ như bà: "Còn diễn được ngày nào là hết mình với nghề ngày đó, chỉ có tình yêu với nghề mới giúp bà thấy khỏe hơn."


Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 15
Ngôi sao sáng của các bộ phim truyền hình, bà có 5 đứa con và đều đã thành đạt nhưng vẫn thích cuộc sống bên cạnh các đồng nghiệp của mình trong viện


Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 16
Có thể nói, hiếm có một nghệ sĩ trẻ nào thể hiện ca khúc "Phận tơ tằm" hay như người nghệ sĩ lão thành này


Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 17
Chú Trường Sơn - bảo vệ viện, từng là nghệ sĩ hài ở các đoàn hát đang hát lại một ca khúc nhạc chế mà theo tiết lộ: "Tác giả bài này khi còn sống rất thích bài chế lời của chú"

Nghệ sĩ trong viện dưỡng lão hiện nay có khoảng 23 cụ Thiên Kim, Kiều Thu, hoạ sĩ Hoài Nam, hề Trường Sơn (đang làm bảo vệ), quản lý Trường, ông Tám hậu đài, hề Nam Thanh, Tuyết Nga, bà Tô, bà Tám y trang, Minh Viễn, nghệ sĩ Thanh An, Thành Phá Lang, cô nhạc sĩ piano Ngọc Bê, Lệ Thẩm, bà Bạch Yến… Cụ nào cũng đã rất lớn tuổi và già yếu nhưng điểm đặc biệt là các cụ đều còn có thể hát được, dù đôi khi giọng hát vẫn trộn lẫn hơi thở mệt nhọc nhưng vẫn không thiếu sự da diết, ngọt ngào vốn có từ thời xưa. Mỗi khi có người đến thăm, các cụ đều nhiệt tình hát tặng khách và chia sẻ những câu chuyện lòng thật ý nghĩa và đầy xúc động của mình.

Nhạc sĩ Ngọc Bê (năm nay đã gần 80 tuổi - bà là cháu nghệ sĩ Phùng Há, người sáng lập ra nơi này) chia sẻ: "Thời xưa tôi làm cho rất nhiều đoàn lớn bé, nào là Thanh Chung, là Ngọc Nga... cả tuổi trẻ đi rong ruổi khắp nơi trên đất nước để gặp mặt khán giả hâm mộ mình. Đi đến đâu là người hâm mộ họ bao vây đến đó, xin chữ ký, xin hình rồi tặng quà, gửi thư - đủ cả. Ở gánh hát, tôi sáng tác nhạc và đàn, các tác phẩm của tôi được nhiều gánh sử dụng lắm. Chúng tôi đã từng là những ngôi sao thực sự... Nhưng đó là quá khứ rồi. Những người yêu thương chúng tôi, họ đã già hoặc đã khuất núi, thời thế đã qua. Chúng tôi giờ không còn là ngôi sao sáng giữa sân khấu nữa, mà chỉ còn là những ánh sáng le lói chờ tắt của ngọn đèn dầu.

Đời người nghệ sĩ chỉ rực sáng khi trên đỉnh vinh quang, còn sau ánh đèn sân khấu, sau cánh gà cuộc đời thì "nát" lắm cháu ạ. Nhờ trời còn chút lòng thương, anh em còn được ở bên nhau và cùng cất tiếng hát cho nhau nghe trong những đêm rằm - Với tôi, đó là những điều hạnh phúc cuối cùng mà cuộc đời người nghệ sĩ ban tặng."

Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 18
Các cụ sẽ thấy đỡ cô độc hơn nếu có sự quan tâm và thăm nom của các bạn trẻ


Cảnh đời về già của "những ngôi sao một thời" trong viện dưỡng lão nghệ sĩ 19
Các cụ vui vẻ chụp ảnh giao lưu cùng các bạn lớp Kiểm toán - trường Kinh tế

Viện dưỡng lão nghệ sĩ là một căn nhà nhỏ cũ kỹ chỉ với hơn 20 người, còn đầy khó khăn và thiếu thốn nhưng lại là một nơi ấm áp tình người, tình đồng đội. Các nghệ sĩ với trái tim yêu quê hương, tình cảm "nặng nợ" với nghề và những cảm xúc vốn có của người làm nghệ thuật đã giúp họ tạo nên một ngọn lửa ấm áp sưởi ấm đời nhau trong những ngày tháng hiu quạnh này.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày