Trước khi đến với nghề bán kẹo bông gòn, ông Huỳnh Văn Bảy (tên thường gọi là ông ngoại Bảy kẹo) mở một tiệm sửa chữa máy móc tại nhà. Một lần, ông đến sửa máy cho một nhà máy sản xuất đường cát, bước vào bên trong, ông tận mắt chứng kiến từng dòng nước mía khi được xử lý, trở thành những hạt đường trắng tinh khiến ông nghĩ đến kẹo bông gòn. Là một thợ máy lành nghề, sẵn có nhiều ý tưởng sáng tạo riêng, ông Bảy "kẹo" ấp ủ một ngày sẽ làm được cây kẹo bông gòn trong suy nghĩ của mình.
Kể
từ khi ông viết một bảng hiệu "Kẹo bông gòn ông ngoại không có gì lạ
Milo bơ sữa dâu dứa trái vải sàu riêng là số zách", thì học sinh tại
những trường ông đến đều gọi ông là ông ngoại. Ông Bảy cho biết, ông rất
thích hai từ "ông ngoại" mà học trò dành cho mình, được đi bán, được có
cháu thì còn gì vui bằng. Ông ngoại phải đến cổng trường học từ sáng sớm để chuẩn bị kẹo đủ bán cho các cháu của mình. Ông ngoại không đứng tại trường nào cố
định, mỗi trường ông đến một lúc rồi đi. Suốt nhiều tháng liền, ông ngoại Bảy mày mò chế tạo, bao nhiêu tiền tích góp đều "đổ nợ" vì làm kẹo thất bại, ai cũng nói ông rồ dại, không ai tin đường có thể biến thành... bông gòn. Ông bồi hồi nhớ lại: "Khó khăn lắm, ông thất bại hết lần này đến lần khác, bao nhiêu tiền của, thời gian, công sức,... đều đổ dồn vào chiếc máy và sự hình dung trong tưởng tượng. Gia đình ông dường như bị dồn vào bế tắc sau những lần thất bại. Nhưng càng thất bại ông càng quyết tâm và tin tưởng mình có thể làm được vào lần sau. Cứ thế cả gia đình ngày càng khó khăn, thậm chí Tết đến, nhà không có vài trăm đồng mua cá, mua thịt, con cái đói khóc, ông thấy mình phải cố gắng. May mắn là ông có một người vợ đồng cảm và hiểu chồng, mặc dù ai cũng cho rằng ông điên, nhưng bà ấy thì không".
Ngoài bán kẹo bông gòn, ông ngoại còn nổi tiếng với các trò ảo thuật và vui tính nên học sinh rất thích. Từ
khi bán kẹo bông gòn ông ngoại chạy xe qua dường như không sót trường
nào tại Sài Gòn, thế nên hầu hết học sinh ở nơi đây đều được ông viết
tặng một phần ký ức về những chiếc kẹo ngọt ngào.
Được sự động viên, đồng hành của người vợ, cuối cùng ông Bảy đã có thể biến đường thành... bông gòn trong niềm vui sướng khôn tả, cảm giác như vỡ òa, suốt đêm ông Bảy không thể ngủ được vì vui sướng. Tuy nhiên, khi tạo ra được "bông gòn", ông Bảy chưa vội đi bán, vì với những gì được nhìn thấy ở nhà máy đường, ông trăn trở để nghiên cứu về một máy lọc trong chiếc máy của mình.
Đường cát không tự nhiên mà trắng như vậy, người ta bán lẻ ở chợ cũng ít khi đậy nắp khiến ruồi, kiến đậu lên rất mất vệ sinh. Ông phải làm một hộp lọc và loại bỏ chất dơ, kèm theo nhiệt độ càng cao càng tốt để tơ đường bay ra sẽ thật sạch, chiều về chỉ cần mở hộp lấy cặn dơ ra lau rửa sạch sẽ. Như thế học sinh ăn vào bảo đảm an toàn hơn, có lẽ nhờ thế mà ông bán kẹo bông gòn hơn 60 năm các cháu vẫn nhớ", ông Bảy hạnh phúc chia sẻ.
Kẹo bông gòn của ông ngoại được chế biến từ đường cát cho vào máy, quay đường nóng chảy thành tơ. Những sợi tơ này theo các lỗ nhỏ bay ra chiếc thùng chứa bên ngoài. Sau đó ông ngoại dùng một chiếc xiên để gom những sợ tơ này lại tạo thành cây kẹo bông gòn thơm ngon
Ông ngoại bán kẹo với bảy mùi hương quen thuộc milo, dâu, sầu riêng,... ông cho rằng kẹo của ông đặc biệt vì ông dùng hương liệu sạch được phép sử dụng trong xí nghiệp.
Chế tạo thành công chiếc máy "ăn đường nhả mây", ông Bảy đạp xe đi bán khắp các tỉnh thành từ Tiền Giang đến Cần Thơ, Trà Vinh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh,... khoảng năm 1975 ông ở lại Sài Gòn, chạy xe khắp các trường học nơi đây để bán.
Mắt ông ngoại rực sáng khi nhớ lại khoảnh khắc ông vừa đến trường đã có một đàn cháu chờ sẵn, vừa gặp ông chúng reo lên: "Ông ngoại tới, ông ngoại tới tụi bây ơi". Sau câu ấy là cả đàn cháu ùa ra, bu kín xe ông để mua kẹo. Nói chuyện với ai, ông cũng xưng là ông ngoại, vì nó vừa thân thương, vừa tinh cảm.
Ông cho biết nhiều lần ông nói với học sinh rằng hôm nay tụi con ăn cho thỏa thích nha, vì mai ông ngoại không còn bán nữa, hết đi nổi rồi, ông ngoại đến tuổi... chết rồi. Lúc đó cả đám con nít ào ào lên mà rằng: "Ông ngoại đừng nghỉ bán, ông ngoại đừng chết, ông ngoại chết là tụi con không có kẹo ăn".
Nghe bọn trẻ nói thế, ông ngoại không nỡ nghỉ, mà mưa cũng như nắng, sáng 8h ông đều đặn chạy xe đến các cổng trường để chờ các cháu của mình, đến khoảng 18h30 ông mới về nhà. Nghe thế, một người hàng xóm thêm vào: "Ông không nghỉ được đâu, ông nghỉ tụi nó cũng tìm vào tận nhà đòi mua cho bằng được mới về. Kẹo của ông Bảy nổi tiếng mấy chục năm nay mà".
Ông chỉ cười: "Tại tụi nhỏ đã tìm đến tận nhà, không bán coi sao đặng, nhiều khi về tháo máy ra dọn rửa, vừa xong tụi nó đã kéo đến. Chúng mua chỉ một hai cây, nhưng ông ngoại vẫn ráp vô quay kẹo, tụi nhỏ đã nhiệt tình tìm tới, mình mất công một, tụi nó mất công mười".
Có nhiều người đến hỏi mua chiếc máy của ông với giá 20 triệu đồng nhưng ông không bán, không phải vì ông ngoại chê ít, mà vì mua về nếu không biết sử dụng họ cũng sẽ làm hư chiếc máy thì phí.
Vài
chục năm trước, ông ngoại cũng truyền nghề cho nhiều người, nhưng họ vốn
muốn kinh doanh hơn là tâm huyết với nghề, pha đủ loại hóa chất để làm
kẹo. Thế nên đến bây giờ ông không nhận đệ tử, cũng như... chết mang
theo chứ không truyền cho người chỉ biết kinh doanh. Ông ngoại cho biết, đi bán kẹo thì phải nghĩ đến sức khỏe của học sinh là trên hết.
Kẹo bông gòn ông ngoại nổi tiếng khắp Sài Gòn không chỉ vì người ta lạ lẫm việc một cụ ông 91 tuổi vẫn phải mưu sinh, mà ông ngoại tự tin là nếu tìm khắp Sài Gòn này có cây kẹo bông gòn nào có mùi vị thơm ngon như của ông thì ông sẽ... giải nghệ. Ông ngoại bán cho học sinh ngoài việc kinh doanh còn có cái tâm, cái tình. Học sinh ra chỗ ông ngoại mua kẹo không được chửi thề, nói bậy, không được đánh nhau.
Thậm chí, không được bắt ông tăng giá bán. "Có lần các học sinh cứ bắt ông ngoại tăng lên 5.000 đồng, ông ngoại bực bội la cho một hồi, con có đi làm chưa, con có phụ giúp gì được cho ba mẹ chưa, tiền các con ăn, tiền con đi học đều do ba mẹ lo. Kẹo ông ngoại bán 3.000 đồng là được rồi, lên 5.000 đồng có nghĩa là ba mẹ các con cực thêm tí nữa, phải hiểu cho ba mẹ chứ. Đừng xúi ông ngoại lên giá nữa", ông ngoại chia sẻ.
Em Trần Đức Tính (học lớp 7A6, trường THCS Quang Trung) cho biết: "Ông ngoại rất hiền và vui tính, em rất thích ăn kẹo bông gòn của ông, nó thơm và rất ngọt, với ông ngoại thương tụi em lắm, nên em chỉ ăn kẹo của ông ngoại chứ không ăn của ai cả".
Em Trần Quang Khang (lớp 7A4, trường THCS Quang Trung) cho biết: "Em ăn kẹo của ông ngoại từ hồi tiểu học, đến bây giờ vẫn còn thích ăn lắm, ngày nào em cũng để dành 3.000 đồng để ra về tìm ông ngoại mua. Hôm nào ông ngoại không đi bán thì buồn và thèm ăn lắm, tụi em rủ nhau đến nhà ông ngoại là ông quay kẹo bán liền. Kẹo ông ngoại thơm ngon chứ không như của những người khác, thế nên bọn em thích lắm".
Đối với những đứa trẻ nghèo, không có tiền, cứ ra về là đứng một góc nhìn các bạn ăn kẹo bông gòn mà thèm thuồng, ông ngoại thương quá, gọi nó lại hỏi lý do, sau đó quay cho đứa trẻ ấy một cây kẹo to đùng mà đến lúc lớn khi ghé thăm ông người đó còn nhắc hoài.
Một ngày ông ngoại vệ sinh máy 2 lần, trước khi đi bán và sau khi bán về. Ông cho biết: "Ông ngoại bán kẹo làm từ đường, nhưng ông dám khẳng định đường cát là loại bẩn nhất, không tự nhiên mà đường trắng như vậy, với đường có tính ngọt nên côn trùng rất thích, vậy sao đường có thể sạch được. Vì thế ông ngoại chế ra một máy lọc cạnh bộ phận đốt nóng, và phải vệ sinh thường xuyên để học trò ăn mới đảm bảo sức khỏe".
Trong "sự nghiệp" bán kẹo bông gòn của mình, ông ngoại nhớ nhất là một cô học trò tinh nghịch của trường Võ Trường Toản 40 năm trước. Cô bé này rất tinh nghịch và thường phá ông, nói mãi không nghe ông đặt tên nó là Bé Lì. Một thời gian dài, ngày nào Bé Lì cũng ra vừa ăn kẹo vừa phá. Sau đó Bé Lì ra trường và ông ngoại cũng bặt tăm. Đến tận 20 năm sau, khi ông ngoại bán kẹo bông gòn ở Thảo Cầm Viên, vô tình đi ngang nhà Bé Lì.
Cô gái năm xưa vừa thấy ông đã dùng xe máy đuổi theo, gặp ông Bé Lì mừng phát khóc chỉ hỏi "ông ngoại có còn nhớ con không, con bé hay leo trèo, quậy phá ông ngoại nè. Gặp ông ngoại con mừng quá, con tưởng ông... chết rồi, con không được ăn kẹo nữa rồi". Sau đó hai ông cháu trò chuyện, chia sẻ đủ điều. Đó cũng là lúc Bé Lì của ngày nào giờ đã thành mẹ của ba đứa con nhỏ, nhưng đến bây giờ gặp ông vẫn ăn một mạch vài cây kẹo bông gòn.
Ông rưng rưng biết ơn cuộc đời, vì đã cho ông những người cháu có tình, có nghĩa. Từ đứa trẻ ngày nào bên cạnh ông, chúng đã trưởng thành, làm cha làm mẹ nhưng vẫn nhớ đến ông già bán kẹo bông gòn ngày nào.
Vì những điều đó, ông ngoại đến nay đã 91 tuổi nhưng ông cho biết, ông sẽ gắn bó với học sinh, bán cho chúng từng cây kẹo bông gòn, đến khi ông không còn đủ sức quay kẹo nữa mới thôi.
Kẹo bông gòn của ông ngoại đúng là không có gì lạ, đó là cây kẹo làm từ đường quay thành bông, vị ngọt và mùi hương quen thuộc hàng ngày, nhưng ông ngoại đã viết nên một phần tuổi thơ của rất nhiều người cháu tại Sài Gòn. Giờ đây, họ trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, thậm chí là người công nhân chân chính,...
Tuy nhiên, khi nhìn thấy ông ngoại đi ngang, hay chợt ngửi được mùi hương thoang thoảng lúc ông ngoại quay kẹo, là họ phải tìm đến ông cho bằng được để ôn lại kỷ niệm. Để cảm ơn vì đến nay ông ngoại vẫn còn sống, vẫn còn gắn bó với xe kẹo ngày nào, nơi mà họ có thể quay về với thuở học trò gắn liền biết bao kỷ niệm.
Và chắc hẳn, mùi vị kẹo bông gòn ông ngoại là một phần ký ức không thể nào quên của rất nhiều người con Sài Gòn khi một lần được gặp, được thưởng thức lại cây kẹo bông gòn có một không hai này, họ sẽ thấy thật nhẹ nhàng trên mảnh đất Sài Thành náo nhiệt.