Vụ 7 học sinh chết đuối ở biển Cần Giờ: Bài học quá đắt giá!

Ngọc Phương, Theo Pháp luật xã hội 14:10 31/12/2013
Chia sẻ

Sự việc 7 em học sinh chết đuối thương tâm trong lúc đi tham quan, tắm biển ở Cần Giờ là bài học vô cùng đau xót, đắt giá dành cho nhà trường, gia đình và cả xã hội.

Vụ việc 7 em học sinh trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) chết đuối thương tâm tại biển Cần Giờ (TP HCM) trong một chuyến tham quan, dã ngoại do nhà trường tổ chức đang khiến dư luận bàng hoàng. Không cần phải nói thêm về nỗi đau quá lớn của gia đình các nạn nhân trước sự mất mát quá lớn và bất ngờ này.

Nhưng đằng sau vụ việc thương tâm với những nỗi đau xé lòng này là hồi chuông báo động, là những bài học quá đắt giá về việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh trong các hoạt động ngoại khóa, tham quan, du lịch.

Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của 7 em học sinh là sự mất an toàn tại bãi biển Cần Giờ và sự vô trách nhiệm của Ban quản lý khu nghỉ mát 30/4. Đây không phải là lần đầu tiên bãi tắm 30/4 của huyện Cần Giờ xảy ra sự việc đau lòng như thế này, mà trước đó, tại khu vực này đã xảy ra nhiều vụ đuối nước khác khiến nhiều người thiệt mạng. Nhiều du khách và người dân chứng kiến vụ việc cho biết, nếu như đơn vị tổ chức chuyến đi thật chặt chẽ và được sự quan tâm từ ban quản lý khu nghỉ mát thì đã không xảy ra sự cố đau lòng này.

Vụ 7 học sinh chết đuối ở biển Cần Giờ: Bài học quá đắt giá! 1
Khu bãi tắm xảy ra vụ chết đuối khiến 7 học sinh thiệt mạng trên biển Cần Giờ được cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: Afamily.

Nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ việc cũng như trách nhiệm của các bên liên quan đang được điều tra, làm rõ. Nhưng trong lúc chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng, vụ việc đã khiến dư luận, trong đó đặc biệt là các bậc phụ huynh, vô cùng lo lắng cho sự an toàn của con em mình trong các chuyến tham quan, dã ngoại do nhà trường tổ chức.

Chị Trần Thu Thủy (ở Từ Liêm, Hà Nội) có một con trai đang học lớp 8 và một con gái đang học lớp 6. Chị Thủy cho biết: “Hai cháu nhà tôi sắp kết thúc học kì 1. Vào thời gian này, nhà trường nơi các cháu học thường tổ chức cho học sinh đi tham quan, dã ngoại. Các năm trước, trường thường tổ chức đi thăm bảo tàng, một số khu du lịch quanh Hà Nội nên tôi khá yên tâm. Nhưng trong Cần Giờ vừa xảy ra vụ 7 cháu học sinh chết đuối thương tâm trong lúc đi tham quan nên tôi rất lo. Năm nay, trường cho các cháu đi tham quan ở Tây Thiên, nơi có nhiều núi non nên tôi càng lo hơn. Dù đã đóng tiền tham quan cho hai cháu nhưng tôi đang hỏi kĩ lại cô giáo xem lịch trình, kế hoạch chuyến đi thế nào. Có thể năm nay tôi sẽ cho hai cháu ở nhà cho an toàn, chứ nhỡ không may xảy ra chuyện gì thì hối hận cũng không kịp”.

Cùng chung nỗi lo lắng như chị Thủy, anh Ngô Xuân Trường (ở Cầu Giấy, Hà Nội, có con trai đang học lớp 7) cho biết: “Cháu nhà tôi khá hiếu động và nghịch ngợm nên hay bị thương tích nhẹ trong lúc chơi đùa. Năm ngoái, trường cháu học tổ chức cho học sinh đi du lịch ở khu Ao Vua, con trai tôi lội suối bị ngã sưng chân, quần áo ướt hết. Năm nay, trường có kế hoạch cho các cháu đi chơi ở Khoang Xanh – Suối Tiên cũng có nhiều núi, suối. Mọi lần, cháu đi chơi về có xây xát nhẹ, tôi cũng không bận tâm lắm vì trẻ con, lại là con trai nên nghịch một chút cũng không sao. Nhưng tối qua xem tivi thấy có vụ 7 học sinh đi tắm biển bị chết đuối, tôi cũng hơi hoảng. Tôi phải gọi ngay cháu nhà tôi ra xem và dặn nó phải cẩn thận trong chuyến tham quan sắp tới. Tôi nghĩ chắc nhiều phụ huynh khác cũng có nỗi lo như tôi”.

Vụ 7 học sinh chết đuối ở biển Cần Giờ: Bài học quá đắt giá! 2
Mẹ một em học sinh khóc ngất khi đến nhà xác bệnh viện nhận xác con. Ảnh: Thanh Niên.


Anh Nguyễn Văn Toàn (25 tuổi, ở Hà Nội) thì chia sẻ về quãng thời gian còn là học sinh của mình: “Khi tôi còn học cấp 1, cấp 2, năm nào nhà trường cũng tổ chức cho học sinh đi tham quan vào những dịp nghỉ giữa kì. Dù các thầy cô và cán bộ lớp luôn theo sát, hò hét khản cả cổ nhưng lần nào đi cũng có bạn bị lạc hoặc thương nhẹ. Với tụi học sinh nghịch như giặc thì thầy cô quản lý không xuể được, lơ là một chút là có chuyện ngay. Đến khi tôi lên học cấp 3 thì suốt 3 năm nhà trường không tổ chức chuyến tham quan toàn trường nào, vì sợ không quản lý được hàng ngàn học sinh lúc đi ra bên ngoài”.

Một số ý kiến cho rằng, nhiều nhà trường khi cho học sinh đi tham quan, du lịch xa mới chỉ quan tâm đến những hiệu quả tích cực mà hoạt động ngoại khóa này mang lại như giúp học sinh tìm hiểu văn hóa, lịch sử, gắn bó, đoàn kết với nhau hơn… Yếu tố an toàn cho học sinh chưa thực sự được lưu tâm khi nhà trường chọn các điểm đến. Nhiều trường thích chọn các khu vực có biển, có núi để cho học sinh mới học cấp 1, cấp 2 đi du lịch.

Chúng tôi đã trao đổi với một số thầy, cô giáo để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến về việc tổ chức cho học sinh đi tham quan.

Phó Giáo sư (PGS) Văn Như Cương – hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội – vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ việc 7 em học sinh bị chết đuối trong lúc tắm biển: “Sự việc trên quá bất ngờ và đau lòng. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các em học sinh không may thiệt mạng và các thầy, cô giáo nhà trường. Thỉnh thoảng đâu đó, ngay cả ở Hà Nội, vẫn có những trường hợp học sinh chết đuối, nhưng thường chỉ một em. Lần này, 7 em cùng tử vong thì nỗi đau quá lớn”.

“Nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ việc đau lòng trên vẫn đang chờ cơ quan chức năng điều tra nên lúc này tôi nghĩ chúng ta không nên tự đưa ra những đồn đoán làm gì. Tôi cho rằng, đây là sự cố ngoài ý muốn, bất khả kháng, vì vậy không nên vội trách phía nhà trường tổ chức cho các em đi tắm biển. Chắc hẳn các thầy cô đã chuẩn bị kĩ càng khi quyết định lựa chọn bãi biển Cần Giờ cho các em học sinh tham quan, nhưng chuyện không may vẫn xảy ra”, PGS Văn Như Cương nói.

Vụ 7 học sinh chết đuối ở biển Cần Giờ: Bài học quá đắt giá! 3
Nỗi đau quá lớn và bất ngờ đối với gia đình các em học sinh tử nạn. Sự việc cũng là bài học đau xót, đắt giá cho xã hội và các nhà trường. Ảnh: Zing.


Là người đứng đầu một ngôi trường có hàng ngàn học sinh cả cấp THCS và THPT, thầy Cương cho biết đã rất nhiều lần tổ chức cho các em học sinh của trường đi tham quan, dã ngoại xa. Thầy Cương cho biết: “Trước mỗi chuyến tham quan cho hơn 2.000 học sinh, phải đi tới 70 xe ô tô, tôi và các thầy cô trong trường phải lo lắng, chuẩn bị nhiều thứ lắm. Các địa điểm tham quan có thể nguy hiểm thì chúng tôi tuyệt đối không chọn. Những nơi có biển, có núi phải được nhà trường tìm hiểu, nghiên cứu rất kĩ trước khi lựa chọn. Có năm trường tổ chức cho các em tham quan vịnh Hạ Long nhưng tuyệt đối cấm học sinh tắm biển. Các chuyến đi của chúng tôi lúc nào cũng phải có đầy đủ giáo viên phụ trách, giáo viên thể dục và y tế đi cùng để kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh”.

Cô H.T (tổng phụ trách một trường THCS ở Hà Nội, xin giấu tên) chia sẻ: “Các em học sinh đang tuổi hiếu động nên mỗi lần tổ chức cho các em đi tham quan, dã ngoại bên ngoài đều rất vất vả. Trường tôi mỗi lần cho học sinh đi tham quan đều huy động tất cả thầy, cô giáo và nhân viên nhà trường đi cùng để quản lý các em. Dù vậy, nhiều lúc chỉ cần rời mắt giây lát thôi là các em lại chạy lung tung, nghịch ngợm ngay. Để lo cho các em có một ngày đi chơi, các thầy cô có khi phải mất ăn mất ngủ cả tháng trời để chuẩn bị, lên kế hoạch chi tiết, cẩn thận”.

Tuy vậy, dù với bất cứ lý do gì, sự việc 7 em học sinh chết đuối thương tâm trong lúc đi tham quan, tắm biển ở Cần Giờ cũng là bài học vô cùng đắt giá dành cho nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh trong những hoạt động ngoại khóa ý nghĩa, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày