Tranh luận gay gắt về hình thức xử phạt nhóm học sinh đánh bạn dã man ở Trà Vinh

Hồng Minh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 13/03/2015

Đuổi học hay không đang là vấn đề được dư luận quan tâm sau vụ việc nữ sinh lớp 7 trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị một nhóm học sinh đánh hội đồng dã man gây phẫn nộ suốt những ngày gần đây.

Những ngày qua, hành động tàn bạo của nhóm học sinh trong clip ghi lại cảnh tượng một nhóm học sinh đánh hội đồng một nữ sinh diễn ra tại Trường THCS Lý Tự Trọng, Trà Vinh đã khiến dư luận nổi sóng và lên án gay gắt.

Vụ việc có sự tham gia của nhiều học sinh lớp 7, trong đó có cả lớp trưởng. Nhóm học sinh đã bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, túm tóc, dùng ghế nhựa đập, vứt vào đầu một nữ sinh trong lớp. Nguyên nhân ban đầu được xác định do "nạn nhân" không chịu nghe lời nên bị tổ chức đánh hội đồng để "dằn mặt".


 Em N.T.H.Phượng (học sinh lớp 7/5 Trường THCS Lý Tự Trọng bị các bạn bạo hành dã man - (Ảnh cắt từ clip).

Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường và tỉnh Trà Vinh đã đưa vụ việc ra hội đồng kỷ luật và đề xuất mức phạt cao nhất là đuổi học các học sinh này.

Tuy nhiên, quyết định này lại dẫn đến những tranh luận gay gắt, nhiều chiều từ cộng đồng mạng và dư luận xã hội.

"Cần đuổi học để răn đe nghiêm khắc"

Rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải có hình phạt thích đáng mới đủ sức răn đe những học sinh này. Vì nếu chỉ dựa vào quan niệm từ bi, tuổi trẻ bồng bột, không suy nghĩ, chưa trưởng thành mà không dám phạt nặng sẽ rất dễ dung túng cho điều sai trái. Hành động này vô hình chung làm cho những đứa trẻ khác nghĩ rằng mình cũng có thể đánh bạn, vì nếu đánh bạn cũng sẽ không bao giờ bị phạt nặng. Việc làm kiên quyết này tuy có nghiêm khắc nhưng sẽ là đòn bẩy tích cực, đưa các em vào khuôn khổ, từ đó thay đổi thói quen và suy nghĩ đúng hướng, trở thành công dân tốt.

“Cần phải dùng biện pháp mạnh để kìm hãm còn hơn để các em trượt dài theo vòng xoáy của tội lỗi”, một độc giả chia sẻ.

Trên thực tế, bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối vẫn tồn tại lâu nay của ngành giáo dục. Thông thường nếu không có những clip được ghi lại thì hình thức xử phạt chỉ đơn giản là viết kiểm điểm, hạ bậc hạnh kiểm hoặc đình chỉ học khiến các học sinh coi những hình phạt đó là nhẹ nhàng và lần sau tiếp tục vi phạm với mức lỗi nặng hơn. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhà trường cần dứt khoát và có biện pháp mạnh hơn (đuổi học, nhờ sự can thiệp của pháp luật) để xử lí vấn đề này để tránh tạo cho các học sinh khác cái cảm giác "trường học là nơi nguy hiểm nhất" và bất an khi đến trường.


Hình ảnh bạo hành trong clip gây phẫn nộ những ngày qua. Ảnh cắt từ clip

Đuổi học phải chăng là thể hiện sự bất lực trong việc giáo dục con trẻ?

Tuy nhiên, phần đông các ý kiến lại cho rằng đuổi học là biện pháp tiêu cực, không khác nào nhà trường, thầy cô chối bỏ cái ý nghĩa của việc dạy học, dạy làm người. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng không nên đuổi học vì đây không phải là một cách hay mà biện pháp phù hợp là có hình thức răn đe, uốn nắn, giúp các em hiểu được đúng sai, tác hại và hậu quả của việc mình làm.

 “Xã hội lên án gay gắt, ai ai cũng muốn đuổi học mấy đứa trẻ kia. Đáng! Chúng đáng bị vậy lắm chứ. Nhưng rồi thì cái xã hội này đẩy những đứa đó đến đâu đây. Không biết liệu đuổi học có thể giáo dục được một con người không hay là vô tình khiến chúng càng tệ hơn khi mà từ gia đình đến xã hội đều xa lánh. Những gì trách nhiệm thuộc về những ông bố, bà mẹ , thầy cô giáo ở đâu khi để chúng trở nên như vậy".

Đa số độc giả cho rằng, trường học nhận nhiệm vụ chính là giáo dục, không nên đẩy các em ra làm gánh nặng cho xã hội. Không có gì không dạy được chỉ có điều người dạy có phương pháp hay không mà thôi. Ai cũng có sai lầm nhất là ở độ tuổi này, việc tước đoạt quyền được học của trẻ là điều không chấp nhận được. Người lớn phải có biện pháp răn đe thích hợp, làm gương uốn nắn sao cho cái xấu nhường chỗ cho cái tốt.

"Mình cảm thấy không ủng hộ việc đuổi học. Mình cũng từng là một học sinh độ tuổi này, trường mình lúc đó cũng có các vụ đánh nhau. Và thông thường, suy nghĩ của các học sinh gây ra đánh nhau - học sinh cá biệt, thường là do bố mẹ bắt. Với suy nghĩ đó, việc đuổi học trở thành vấn đề hết sức bình thường cho các học sinh này. Các em sẽ không cảm thấy hối lỗi việc mình đã làm. Hơn nữa việc đuổi học không hề mang tính chất giáo dục, góp phần làm hỏng các em thêm nữa. Vì vậy mình nghĩ có các cách như đưa vào trường giáo dưỡng một thời gian có lẽ sẽ tốt hơn, vừa giáo dục được các em, vừa không bác bỏ các quyền cơ bản nhất của trẻ em là được ăn học”.



Nhiều độc giả chia sẻ về vụ đánh hội đồng nữ sinh ở Trà Vinh - (Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh đó, cùng có những ý kiến cho rằng cần phải "giơ cao đánh khẽ" với các em, cho các em một cơ hội để thay đổi: "Mình nghĩ mọi chuyện nên dừng ở đây thôi, các em ấy đều là học sinh cấp 2, tuổi chỉ 11-12, tâm sinh lý chưa thực sự được hình thành tốt, uốn nắn vẫn được. Vì vậy mấy ý kiến trại giáo dưỡng, đuổi học 1 năm, rồi công an vào cuộc là không nên. Xin người lớn "giơ cao đánh khẽ" để các e nhận thức ra được cái sai của mình để sửa chữa. Nạn bạo lực học đường không bao giờ chấm dứt, nhưng không phải cứ có bạo lực là ta cho vào tù, cho giáo dưỡng, đuổi học... mà phải giáo dục chuyên tâm hơn các em. Thực sự đây là lúc mà các em cần nhà trường và thầy cô nhất, chứ đừng vì chuyện này mà đẩy các em đi, để rồi những đứa trẻ này lớn lên, không ai đảm báo là tâm lý còn thực sự nguyên vẹn. Đấy là bài học lớn cho những người giáo dưỡng các em".

Hiện tại, nhà trường đang phối hợp với cơ quan chức năng tìm hiểu, điều tra làm rõ để đưa ra quyết định xử phạt cuối cùng dành cho các em học sinh này. Tuy nhiên, vụ việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng bạo lực học đường vẫn đang tồn tại và để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần cho chính những "mầm non" tương lai của đất nước.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày