Một người phụ nữ quỳ ở ngã tư Cách mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu (P.6, Q.3, TPHCM) để xin ăn. Ảnh chụp vào khuya 19.2.2016.
Người dân tỉnh khác gọi tới đường dây nóng của TP.HCM
Trong kế hoạch tập trung người xin ăn trên địa bàn, TP.HCM đã công bố số điện thoại 3 đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ người dân, trong đó có số điện thoại riêng của ông Lê Chu Giang - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương bình & Xã hội).
Trao đổi với PV, ông Lê Chu Giang cho biết, 10 ngày tính từ sau Tết Nguyên đán 2016 tới nay, thống kê riêng các cuộc gọi tới số di động của ông, có khoảng 100 cuộc. Đặc biệt, người dân ở các tỉnh lân cận cũng thỉnh thoảng gọi vào số này.
“Sau khi báo chí thông tin tuyên truyền, người dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương,… cũng gọi tới số điện thoại của tôi để thông báo các trường hợp người xin ăn. Họ tưởng số điện thoại này là đường dây nóng của chương trình chung”, ông Giang nói.
Với các cuộc gọi từ tỉnh, ông hướng dẫn người dân thông báo cho cơ quan chức năng trên địa bàn tiếp nhận, xử lý. Theo ông Giang, các tỉnh thành khác ngoài TP.HCM cũng đang có kế hoạch tập trung người xin ăn, người vô gia cư.
Ông Giang cho biết thêm, qua thông tin báo chí và nhiều hình thức vận động ở địa phương, người dân TP.HCM tỏ ra rất đồng tình với chủ trương tập trung người xin ăn. Ngoài ra, thành phố còn vận động người dân không cho tiền người xin ăn và đa số đều ủng hộ việc này.
“Thực tế, người dân có lòng trắc ẩn nên họ thấy hỗ trợ người khó khăn là bình thường. Nhưng chúng tôi đề nghị người dân muốn hỗ trợ thì hãy hỗ trợ cho các cơ sở, tổ chức từ thiện xã hội. Các tổ chức này sẽ hỗ trợ lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn, giúp người cơ nhỡ, trẻ em mồ côi, người già neo đơn được chăm sóc, được đóng BHYT…”, ông Giang nói.
Một người đàn ông bị cụt 2 tay, đang xin ăn ở ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM)
Về hiệu quả của chương trình tập trung người xin ăn, ông Giang thông tin: Tình hình người xin ăn trên địa bàn TP.HCM đã giảm. Cụ thể, năm 2015 đã có khoảng 2.000 người được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội; trong khi các năm trước, số người tập trung được thường lớn hơn con số này.
“Qua số lượng người xin ăn được tập trung giảm theo thời gian, có thể thấy rõ tình trạng xin ăn đã giảm. Thông qua tuyên truyền, việc người dân cho tiền người xin ăn cũng đã giảm theo”, ông Giang đánh giá.
Đề xuất hỗ trợ người báo tin
Tuy nhiên, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương bình & Xã hội TPHCM) cho biết, lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tập trung người xin ăn. Đầu tiên là người xin ăn ít khi đứng một chỗ mà thường xuyên di chuyển. Ngoài ra, họ biết thành phố đang tập trung người xin ăn, cơ nhỡ nên sẽ thay đổi ngay hình thức, chuyển sang đi bán vé số hay bán tăm bông.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới một bộ phận có suy nghĩ xin ăn sẽ có thu nhập cao mà việc nhẹ, nên họ chấp nhận đi ăn xin.
“Với một đô thị phát triển, nghĩa tình như TP.HCM, cũng không khó lý giải việc người xin ăn từ các tỉnh thành khác có xu hướng tập trung về đây”, ông Lê Chu Giang nói.
Bước tiếp theo, Sở LĐ-TB & XH sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch tới năm 2020 với nhiều nội dung. Trong đó, Sở dự định sẽ đề xuất tới các sở, ngành xem xét hỗ trợ cá nhân thông báo phát hiện người xin ăn. Nếu đề xuất này phù hợp, các bên sẽ họp bàn phương án cụ thể, sau đó trình lên UBND TP.HCM.
Theo ông Giang, kế hoạch này có liên quan tới kinh phí và tính hợp pháp nên Sở LĐ-TB & XH sẽ phải làm việc thêm với Sở Tài chính và Sở Tư pháp. Nếu triển khai, sẽ làm thí điểm tại một vài điểm nóng trước.
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB & XH cũng sẽ phối hợp với lực lượng công an, đoàn thể để rà soát, điều tra các hộ tập trung đông người cao tuổi hay trẻ em, xem có phải đường dây xin ăn hay không để xử lý.
“Quan điểm của chúng tôi là làm quyết liệt hơn, thường xuyên hơn, công tác vận động mạnh mẽ hơn. Thực tế hiện nay còn có người chưa đồng tình với lời kêu gọi không cho tiền người xin ăn. Tất nhiên không có phương án nào hoàn mỹ 100% cả, nhưng chúng tôi sẽ chọn phương án nào đạt được yêu cầu cao nhất”, ông Giang nhấn mạnh.
“Khi các đối tượng được tập trung về trung tâm, họ sẽ được hỗ trợ về văn hóa, dạy các nghề phổ thông, đơn giản. Chẳng hạn như nghề chăm sóc cây kiểng, thợ xây để ra ngoài có thể làm việc được ngay. Ngoài ra, nếu đối tượng có nhu cầu thì trung tâm vẫn sẽ dạy vi tính, dạy may, sửa xe gắn máy…”, ông Giang thông tin thêm.
Hiện, Trung tâm Bảo trợ xã hội còn kết hợp với doanh nghiệp để tạo công ăn, việc làm cho các đối tượng sau đào tạo. Trong năm 2015, đã có 44 người được các doanh nghiệp đón nhận về làm việc.