Người ăn xin liên tục tái xuất trên các tuyến đường Sài Gòn

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 03/08/2015

Sau một thời gian "ở ẩn" vì thành phố có chủ trương đưa người ăn xin, lang thang cơ nhỡ vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, đến nay tình trạng ăn xin lại liên tục xuất hiện ở Sài Gòn.

Thời gian qua, trên các tuyến đường của TP. HCM, tình trạng người ăn xin lại xuất hiện ồ ạt với nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, theo ghi nhận của chúng tôi tại ngã tư Nguyễn Thị Nhỏ - Hồng Bàng (quận 11) cứ cách 2 - 3 ngày lại xuất hiện một thanh niên khoảng 30 tuổi ngồi lì cả ngày, đưa mũ ra xin tiền người đi đường.

4-a979e
Người thanh niên được cho là bị mù ngồi ăn xin ở ngã tư đường Nguyễn Thị Nhỏ - Hồng Bàng (quận 11).

Chưa hết, trong vòng nửa tháng trở lại đây, hiện tượng ăn xin là những phụ nữ dẫn trẻ em và trẻ em tự đi xin tiền cũng phổ biến rất nhiều. Địa bàn hoạt động chủ yếu là ở các ngã tư, khi dòng người lưu thông trên đường thưa dần thì di chuyển tới các quán cà phê, quán ăn... để xin tiền.

Tại ngã tư đường Lý Thường Kiệt - 3/2 thường xuất hiện những người phụ nữ trạc 26 tuổi, ẵm theo đứa trẻ chờ các phương tiện vừa dừng đèn đỏ liền lao ra xin tiền: "Anh/chị ơi, con em bệnh và nhà ở xa quá không có tiền về, cho em xin ít tiền". Một số người thì lắc đầu nghi ngờ, còn một số vì thấy tội nghiệp đứa nhỏ nằm ngủ li bì nên tấp xe vào lề đường cho tiền.

5-a979e
Một phụ nữ ẵm đứa trẻ đứng chờ người dừng đèn đỏ để xin tiền trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10).

Cũng ngay tại ngã tư tuyến đường này, nhưng ở một góc đối diện thỉnh thoảng hay bắt gặp một cụ già ngồi nói thầm trong miệng vừa chắp tay cầu xin người đi đường cho tiền. "Thương cảnh cụ già ngồi cả ngày ngoài trời nắng, một số người đi đường và người dân ở đây lại cho ít tiền rồi đề xuất đưa cụ vào Trung tâm bảo trợ xã hội", một người dân cho biết.

8-a979e
Cụ bà ăn xin ở đường 3/2 (quận 10).

Trong khi đó, vào ban đêm tình trạng trẻ em hành khất xuất hiện khá nhiều tại một số tuyến đường như ngã tư Trần Nhân Tôn - Ngô Gia Tự (quận 10), đường An Dương Vương (quận 5) và khu vực chợ Tân Mỹ (quận 7). Những thiếu nữ khoảng 15 - 16 tuổi, bồng theo đứa trẻ đi xin tiền thường ăn mặc đen đúa, tóc tai bù xù cầm theo nón. Khi được đề nghị mời những đứa trẻ này ăn cơm thay vì cho tiền vì sợ nếu có người chăn dắt sẽ lấy hết, thì chúng không chịu, chỉ muốn xin tiền.

2-a979e
Thiếu nữ ẵm trẻ nhỏ lang thang xin tiền ở đường An Dương Vương (quận 5).

3-a979e
Cụ già xin tiền tại một quán cà phê trên đường Trần Nhân Tôn (quận 10).

Ngoài ra tại một số quốc lộ ở các quận ven TP. HCM cũng thường xuất hiện một nhóm 5 - 7 trẻ em da đen, đứng xin tiền tại giờ cao điểm ở ngã tư.

Trước đó vào cuối tháng 12/2014, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết đã thiết lập đường dây nóng 24/24h để tiếp nhận thông tin của người dân khi phát hiện người lang thang xin ăn. Theo đó, người dân có thể gọi vào các số máy: (08) 35.533.258 - Trung tâm Hỗ trợ xã hội và  0903.959.929 - Phòng Bảo trợ xã hội.

Ngay sau khi phát hiện những trường hợp ăn xin, chúng tôi đã liên hệ với đường dây nóng trên để phản ánh tình hình và được biết nơi đây vẫn đang tiếp nhận thông tin. "Thời gian gần đây cũng có nhiều điện thoại gọi phản ánh người ăn xin xuất hiện ồ ạt trở lại, chúng tôi sẽ tiếp nhận và báo xuống các quận/huyện để rà soát, đưa ra biện pháp kịp thời", đại diện Phòng Bảo trợ xã hội TP. HCM cho biết.

1-a979e
Tại khu vực ăn uống gần trường ĐH Sài Gòn và ĐH Sư Phạm TP. HCM (quận 5) thường xuất hiện nhiều trẻ em ăn xin.

Được biết, thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho hay, tính đến ngày 12/6/2015, Trung tâm Hỗ trợ xã hội đã tiếp nhận 815 trường hợp người xin ăn và người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn thành phố. Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần cũng tiếp nhận 110 trường hợp người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng có biểu hiện khuyết tật thần kinh, tâm thần.

Ngoài ra, Sở đề nghị các quận, huyện rà soát thường xuyên trên địa bàn, đặc biệt khu vực người xin ăn tái xuất để tổ chức tập trung kịp thời.