Thưởng hương, khăn mặt...
Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, cứ giáp tết xưởng sản xuất tăm hương ở thôn Quảng Nguyên (Quảng Phú Cầu, Hà Nội) lại rộn ràng không khí sản xuất.
Lao động làm việc tại Nhà máy Cao su Xuân Lập, Đồng Nai. Ảnh: N.V
Bà Trần Thị Oanh - lao động tại một cơ sở sản xuất tâm sự: “Chúng tôi chủ yếu làm thời vụ, ăn lương theo sản phẩm, vì thế cũng không dám đòi hỏi gì về thưởng tết. 5 năm làm ở xưởng này tôi chưa hề được nhận một đồng tiền thưởng tết. Có chăng cũng chỉ là gói bánh kẹo, túi mì chính và vài chục bó hương – sản phẩm của xưởng làm quà tết”.
Anh Nguyễn Anh Tuấn - chủ cơ sở sản xuất tăm hương cho hay, đã thành thông lệ, năm nào cơ sở cũng tặng bà con làm việc ở xưởng vài chục bó hương. “Mấy năm gần đây việc sản xuất, xuất khẩu tăm hương đi các quốc gia khác gặp khó khăn, chính vì vậy đơn hàng cũng ít hơn. Lao động ở xưởng thì nhận lương theo sản phẩm, vì vậy ngày lễ tết xưởng cũng không có thưởng. Tuy nhiên, thường vào dịp tết xưởng cũng tặng cho lao động mỗi người dăm chục bó hương gọi là có quà, cho lao động biếu anh em họ hàng dùng dần” – anh Tuấn nói.
Ngay tại TP.Hà Nội, lao động tại một công ty dệt may trên đường Minh Khai cũng đang ngậm ngùi vì chuyện thưởng tết. Chị Nguyễn Thị M (nhân viên xưởng may) chán nản cho hay: “3-4 năm nay công ty làm ăn không hiệu quả, lương còn phập phù nói gì đến thưởng”.
Cũng theo chị M, thưởng tết của công ty mấy năm gần đây chủ yếu là thưởng bằng hiện vật: Khăn mặt - một loại sản phẩm của công ty. “Không nhận thì phí, mà nhận thì không vui bởi năm nào cũng tặng khăn mặt, lao động chúng tôi phát ngán lên rồi” - chị M nói.
Với một số đơn vị hợp tác xã, tổ sản xuất hay xí nghiệp liên doanh như: Chè Phú Bền (Công ty TNHH một thành viên Chè Phú Bền), hoặc Chè Phú Đa (Công ty Liên doanh Chè Phú Đa) có vốn của nước ngoài, tình hình cũng không có gì khá hơn. Thường lao động chỉ được thưởng tết bằng sản phẩm là chè, kèm một chút bánh kẹo.
... Và “choáng” vì thưởng tết
Chị N.T.N – nhân viên Công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ tới tết là mình thấy tủi phận lắm. Trong khi dân lao động chúng tôi chỉ gọi là nhận thưởng cho có (3 -4 triệu đồng/người) thì nhìn mức lương, thưởng của cấp quản lý mà “choáng” hết cả người”. Cũng theo chị N, mức thưởng tết của lao động chức danh quản lý của công ty lúc nào cũng cao gấp cả chục, thậm chí cả trăm lần so với “lính quèn” như chị.
Đến thời điểm này. Mặc dù chỉ lác đác một số đơn vị có báo cáo lương, thưởng tết, tuy nhiên bức tranh lương, thưởng tết năm Bính Thân cũng hiện lên khá rõ. Trước đó, đầu tháng 1.2016 báo cáo nhanh của Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho thấy mức thưởng tết cao nhất thuộc về một doanh nghiệp FDI, với mức 78 triệu đồng/người. Gần đây nhất, thông tin từ Sở LĐTBXH tỉnh Đà Nẵng cho thấy, có doanh nghiệp thuộc công ty cổ phần có vốn nhà nước đã mạnh tay chi thưởng tết cho cấp quản lý với mức thưởng bằng cả vài chục lần tiền lương tháng của người lao động (200 triệu đồng/người).
Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đánh giá: Nhìn bình diện chung, trong nhiều năm gần đây tình hình thưởng tết vẫn tăng nhưng tăng chậm, không đáng kể. Về cơ bản, mức bình quân tiền thưởng dao động trong khoảng 1 tháng lương cơ bản (khoảng 5 triệu đồng).
Tết năm 2013, mức thưởng cao nhất của một lao động thuộc doanh nghiệp FDI với mức 650 triệu đồng. Tết năm 2014, mức thưởng cao nhất vẫn thuộc về khối doanh nghiệp này, nhưng mức thưởng có cao hơn, đạt 709 triệu đồng/người tại TP.Hồ Chí Minh.
Gần 283 tỷ đồng chăm lo tết cho đối tượng đặc biệt
Đây là thông tin được ông Lê Toàn Khang – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội công bố ngày 5.1. Theo đó, năm nay TP.Hà Nội dành gần 283 tỷ đồng tặng quà cho 806.790 người có công và các đối tượng chính sách. Đối với người có công với cách mạng, mức quà dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/người; đối với Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh từ 41% trở lên là 500.000 đồng/người; đối với con của người nhiễm chất độc da cam là 300.000 đồng/người, người thuộc diện hộ nghèo là 300.000 đồng/người...