Thú sưu tầm những đôi "dép tông, dây nilon" lạ đời của ông cụ 80 tuổi lạc quan nhất Bình Dương

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 10:03 28/12/2015

Những năm tháng cuối đời không có lấy một ai thân thuộc bên cạnh, ông Xuân vẫn vui vẻ tận hưởng hạnh phúc tại "giang sơn" của mình. Ông "thiết kế" dép, ngâm thơ, bình lặng hái sen mang đi bán mỗi ngày và hài lòng với tất cả điều đó.

"Tôi sống vậy đủ rồi, chẳng mong có nhiều tiền làm chi"

Gần 20 năm qua, người dân dọc Quốc lộ 13, đoạn từ TP. Thủ Dầu Một về huyện Bến Cát, Bình Dương đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông lão đen đúa, gầy nhom, mình trần, đẩy chiếc xe tự chế "có một không hai" đi bán sen dạo. Ông lão đó là ông Nguyễn Văn Xuân, sinh năm 1930, sống đơn thân trong căn nhà dựng tạm, không điện nước ở xã Tương Bình Hiệp - nơi mà ông cho rằng đó là "giang sơn", là "dinh thự" của mình, do mình thiết kế nên.

Hình ảnh ông Xuân lưng còng đẩy chiếc xe tự chế đi bán hoa sen gây chú ý với người đi đường.

Ông sống một mình trong căn nhà do mình dựng nên.

Thấy hình ảnh ông lão đã già vẫn phải phơi lưng trần mưu sinh ngoài đường phố, nhiều người chạnh lòng dừng lại mua sen và gửi ông ít tiền, những lúc đó, ông cũng cười hiền, nói thẳng: "Tôi bán không phải để mưu sinh mà để tạo công quả với đức Phật thôi".

Có trò chuyện cùng ông mới biết, dù sống một mình nhưng ông không thiếu thốn vật chất như người ta vẫn nghĩ, chỉ có điều là ai cho tiền, ông đều mua... đồ nghề, vật liệu về "dinh thự" của mình để tái chế hoặc sáng tạo ra vật gì đó mà ông thích. Mỗi ngày, ông mua khoảng 100 - 200 ngàn đồng tiền hoa sen rồi để lên xe, đẩy đi bán, lời lỗ với ông không quan trọng vì: "Mình bán cho người ta, người ta đem về thờ cúng thì lòng mình cũng thanh thản".

Ông có một khu đất rộng gần 500m2 do ông bà để lại, nhưng phần vì không có nhiều tiền, phần vì chỉ muốn tự mình xây dựng nhà cửa nên ông chỉ lợp tôn, rào chắn xung quanh làm thành nhà.

Trong ngôi nhà này, tất cả đồ đạc đều ngổn ngang nhưng ông không cho ai sắp xếp lại vì cho rằng đó là do ông "thiết kế", "nghệ thuật sắp đặt" nên ông cứ để thế.

Ông thật thà kể: "Mấy người đến thăm tôi hay thích cho tiền lắm. Mới mấy ngày trước có nhóm từ thiện gì đó ghé nhà tôi thấy vậy cho tôi 500 nghìn. Có lần một nhà hảo tâm còn cho tôi hẳn 10 triệu để dưỡng già. Mà tôi sống có một mình, ăn cơm ngày 2 bữa là no, không cần gì thêm nên ai cho tiền là tôi mua vật liệu về "xây" nhà. Tôi ưa thiết kế lắm, chỗ tôi ở cái gì cũng phải là của tôi thiết kế hết!".

Ngoài sân, ông còn mua rất nhiều lu đồng để... trang trí cho đẹp.

Thấy ông lão suốt ngày cởi trần, chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, đi đôi dép có quai là dây nilon, nhiều người còn nghĩ ông Xuân "có vấn đề". Nhưng qua trò chuyện mới thấy, ông tính tình có hơi kỳ quặc nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và rất niềm nở với những ai quan tâm hỏi chuyện mình.

Khách đến nhà chơi, ông chuẩn bị sẵn mấy chiếc ghế nhựa, cẩn thận lau sạch bề mặt, hỏi khách có uống nước không, dù nước mà ông uống chỉ là nước mưa hứng từ những cơn mưa đầu mùa trước. Ông bảo, khi nào cạn hết nước thì mới mua nước đóng chai ở ngoài về uống, còn không thì cứ uống nước mưa cũng được.

Chiếc xe đẩy đi bán sen do ông tự làm với kinh phí lên tới 8 triệu đồng.

Ông lão thích xỏ dép bằng dây nilon, thuộc lòng cả trăm bài thơ tình

Ông Xuân có nhiều bộ sưu tập kỳ lạ chẳng giống ai, nhưng lạ kỳ nhất là những đôi dép được thay bằng dây nilon. Có những đôi dép cũ do ông nhặt ngoài đường về bị hư quai, ông cắt bỏ và thay bằng dây nilon, ông "thiết kế" luôn phần quai sau nên những chiếc dép lại hóa thành giày, khi nào hư dây chỉ việc thay dây mới nên có hàng chục đôi dép đã có tuổi thọ mười mấy năm trời nhưng ông vẫn để dành lại.

Đôi dép tự chế mà ông Xuân rất thích khi mang vào.

Có những đôi dép cũ, nhưng cũng có những đôi ông tự mua mới về rồi thay dây. Hỏi ông sao lại mất công đến thế, ông chỉ trả lời ngắn gọn: "Tại thích vậy đó!".

Ông nói, thay dây cho những đôi dép khiến ông đi lại dễ dàng hơn.

Trong nhà có rất nhiều đôi dép cũ và mới do ông sưu tầm được.

Ông Xuân rất thích làm thơ, ông có thể ngâm thơ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào ông có cảm hứng sáng tác. Mỗi lần có ai ngỏ ý muốn nghe thơ ông, ông bắc ghế ra trước nhà, ngồi ngâm hết bài thơ này đến thơ khác trong hào hứng. Ông làm thơ về đời, về cuộc sống, về hoa sen, cho đến những bài thơ tình từ đau buồn đến hạnh phúc. Ông nói mình có thể đọc hơn 200 bài thơ cả ngày nếu ai muốn nghe.

"Chẳng hạn bây giờ tôi thấy cô gái đi ngang thì tôi ngâm "Thấy dáng nàng đi thướt tha, tôi đứng bên hàng dương ngó qua". Còn tôi thấy nàng đó ngồi thì "Thấy em ngồi nhớ hôm qua anh đứng đó. Mơ nhiều một cánh chim bay, chim bay mãi mãi ngày nào về đây?". Vậy đó!", ông Xuân thử ngâm vài câu thơ ngẫu hứng.

Ông Xuân rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.

Dù thích làm thơ tình nhưng cả cuộc đời ông không tha thiết kết duyên với người phụ nữ nào, cũng không thích ai hỏi chuyện vợ con. Ông nói, với ông, bây giờ mọi thứ đã quá đủ. Ông sống cuộc đời không tham vọng, chẳng lo toan, ngày ngày kết bạn với hoa sen và... dép tông. Chẳng ràng buộc với ai, khi buồn thì hát, lúc vui làm thơ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày