Họ chính là những tình nguyện viên (TNV) trong Trạm thông tin & Cứu hộ chó mèo Đà Nẵng, do anh Vũ Văn Chính (sinh năm 1992, quê Nghệ An) khởi xướng thành lập.
Trong căn nhà thuê nằm trên một con đường nhỏ thuộc quận Sơn Trà (Đà Nẵng), Trạm thông tin & Cứu hộ chó mèo Đà Nẵng là nơi đón nhận, cứu trợ, chia sẻ thông tin về những chó, mèo đi lạc, bệnh tật, bị bỏ rơi… bất kể ngày đêm. Gần 1 năm nay, trạm đã trở thành ngôi nhà chung cứu vớt hàng trăm những mảnh đời chó, mèo bất hạnh, đáng thương. Có những lúc cao điểm, trạm nhận chăm sóc, cưu mang cùng lúc hơn 70 “em bé” chó, mèo.
Những “em” chó, mèo bị bỏ rơi được đưa về trạm
Xuất phát từ tình yêu thương dành cho chó mèo, Chính và nhóm bạn của mình đã thành lập trạm từ vô vàn những khó khăn.
“Tụi mình thành lập trạm hoàn toàn tự phát, không có kinh phí, thiếu nhân lực, thiếu kinh nghiệm chăm sóc và nhận được rất ít sự ủng hộ từ cộng đồng… Những khó khăn ban đầu không kể hết, nhưng tụi mình vẫn cố gắng tìm mọi cách xoay xở để duy trì trạm đến tận bây giờ”, anh Chính chia sẻ.
Những “em” chó, mèo khi đến với trạm đều là những trường hợp hết sức đặc biệt, đa số đều bị bệnh tật, gặp nạn hoặc bị bỏ rơi. Vì thế, số lượng công việc mỗi ngày tại trạm rất nhiều. Ngoài việc vệ sinh, quét dọn, các bạn TNV còn phải chăm sóc, tắm rửa, thuốc men cho những “em” chó, mèo bị bệnh; phân chia giờ giấc và chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng mỗi “em”. Chưa kể, các bạn còn phải thường xuyên túc trực điện thoại và facebook để kịp thời cứu trợ những ca khẩn cấp.
Anh Vũ Văn Chính đang cạo lông để chữa bệnh viêm da cho một “em” chó xù
Công việc này hoàn toàn không làm vì lợi nhuận nên các bạn TNV cũng đến rồi đi, ít ai có thể gắn bó lâu dài. Hiện nay, trạm chỉ còn tổng cộng 6 bạn TNV làm việc thường trực, các bạn đều là những bạn trẻ 9X. “Mình rất buồn vì công việc của tụi mình ít ai hiểu được, ngay cả gia đình mình cũng không ủng hộ. Mình làm việc ở trạm phải giấu ba mẹ và phải tranh thủ làm thêm những việc khác để kiếm thêm thu nhập”, một bạn TNV tâm sự.
Tất cả kinh phí duy trì hoạt động của trạm đều từ việc bán thức ăn và phụ kiện chó, mèo, tiền công nhận chăm sóc hộ thú cưng và tiền ủng hộ của những người yêu động vật. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hàng tháng cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà, làm chuồng và thuốc men cho “các bé”. Để giảm bớt chi phí cho việc điều trị bệnh, các TNV ở trạm kiêm luôn vai trò là bác sĩ thú y chữa các bệnh thông thường ở chó, mèo như: viêm da, đau bụng…
Các bạn TNV tận tụy chăm sóc những “em” mèo.
Theo anh Chính, công việc ở trạm hầu như chiếm toàn bộ thời gian của anh. “Lâu lắm rồi mình chưa được về quê vì không yên tâm để về. Dịp lễ, Tết cũng rất muốn về nhưng không có ai thay thế công việc ở trạm. Nhiều lúc mình cũng chán nản và nghĩ đến chuyện bỏ cuộc để đi làm công việc đúng với ngành học của mình, nhưng nhìn mấy “đứa nhỏ” không ai chăm sóc, thấy tội. Rồi đi ngoài đường thấy tụi nó đi lạc, bị bỏ rơi lại không yên tâm, thôi thì cứ cố gắng mà cưu mang tụi nó”.
Nhờ sự chăm sóc và cưu mang của trung tâm, chú mèo Chân Chân bị thương khi được đưa về nay đã khỏe mạnh
Mỗi “em” chó, mèo ở trạm đều được các bạn TNV tận tình theo dõi, chăm sóc và đặt những cái tên riêng đáng yêu. Sau khi được chăm sóc mạnh khỏe, các em sẽ được trạm tìm chủ mới với những cam kết đặc biệt. Nói về kỷ niệm với các “em” chó, mèo ở đây thì nhiều không kể hết.
Chăm “các em ấy” cũng như chăm những đứa trẻ trong nhà, cần phải tận tụy và rất vất vả, nhưng bù lại cũng rất vui. Nhớ nhất là trường hợp của “em” mèo Chân Chân, lúc được trạm cứu em ấy bị gãy một chân sau rất nặng, phải đưa đi bác sĩ phẫu thuật. Vì bị cắt mất một chân nên việc chăm sóc “em” tốn rất nhiều công sức. Nhưng với những nỗ lực của trạm, cùng với nghị lực của Chân Chân, cuối cùng em ấy cũng trở thành một chú mèo 3 chân đáng yêu, mạnh khỏe, được về với chủ mới”, một bạn TNV kể lại.
Ngoài việc chăm sóc thuốc men, các bạn ở trạm còn nấu nước lá để tắm cho những “em” chó, mèo bị bệnh ngoài da.
Trong tương lai, trạm sẽ tích cực hoạt động và nâng cấp để trở thành một trung tâm cứu trợ chó, mèo đầy đủ các chức năng như phòng khám, spa, dịch vụ lưu trú... “Nhưng dù gì đi nữa, sự cố gắng của tụi mình là không bao giờ đủ để cứu vớt tất cả những “em” chó, mèo đáng thương. Chỉ mong sao mọi người dân đều nâng cao ý thức, nuôi nấng và chăm sóc chó, mèo bằng tình yêu thương, không bỏ rơi “ các em ấy” khi bệnh tật chỉ vì những quan niệm mê tín cổ hủ”, anh Chính tâm sự.