Cứ khoảng 4,5 giờ chiều, những ông bà cụ bán tăm bông bắt đầu ngồi ở những ngã tư lớn của thành phố. Khi được hỏi thăm, các ông bà đều nói mình là người vô gia cư, bán bông tăm kiếm tiền nuôi con cháu. Nhưng thực chất, những ông bà này đều thuộc đường dây chăn dắt của một cặp vợ chồng ở Sài Gòn.
"Không ai bắt ép tôi đi bán đâu", "Tôi ngủ ngoài đường mà"...
Đó là câu trả lời quen thuộc của các ông bà cụ bán tăm bông trên đường phố Sài Gòn. Dường như đã được "cảnh báo" trước nên các ông bà rất e dè khi người đi đường hỏi quá nhiều về nhà cửa, người thân...
Tiếp cận với cụ bà bán tăm bông ngay góc Nguyễn Thị Minh Khai và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 1), cụ cho biết mình đã hơn 90 tuổi, quê gốc ở Hà Nội nhưng vào Nam bán tăm bông để nuôi cháu trai ăn học. Dù chỉ hỏi về việc lấy nguồn hàng ở đâu để bán, nhưng cụ cũng trả lời răm rắp như một bài học thuộc lòng được ai đó căn dặn từ trước.
"Tôi ở với cháu tôi, cháu tôi đi học và đi làm suốt nên chiều 4 giờ nó chở tôi ra đây ngồi bán, tối 11 giờ nó đón tôi về. Tăm bông do gia đình tôi sản xuất, tôi bán cho tôi chứ không cho ai cả đâu, không ai bắt ép tôi bán đâu. Một ngày bán được vài chục ngàn thôi nhưng cực khổ tôi chịu được mà...".
Bà cụ già quen thuộc ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai cứ đến chiều lại bày tăm bông để bán trên vỉa hè.
Mỗi khi mệt mỏi, bà cúi gục mặt xuống để ngủ.
Tại góc ngã tư Cách mạng tháng 8 và Nguyễn Thị Minh Khai, cụ ông hơn 80 tuổi, ốm yếu già nua cũng chia sẻ hoàn cảnh khó khăn tương tự như trên. Ông không nói về con cháu thân thích, chỉ nói buổi tối sau khi bán xong thì ngủ ngoài đường luôn vì không có nhà về.
Khi dừng đèn đỏ ở các ngã tư, nhiều người đi đường không khỏi chạnh lòng khi thấy các ông bà cụ co rúm trong gió lạnh, có khi các cụ ôm mặt ngủ gục vì quá mệt mỏi. Người mua tăm bông thì ít nhưng người bố thí cho các ông bà thì nhiều.
Ông cụ cho biết vỉa hè là nhà, cứ bán xong ông sẽ ngủ tại đây.
Những cụ già bán hàng thường chọn những góc ngã tư, đường lớn, nơi có lượng xe lưu thông nhiều để hành nghề.
Theo chân những kẻ chăn dắt người già
Những ông bà cụ cứ thế ngồi bán đến gần 11 giờ đêm. Người viết đã bí mật theo dõi cụ bà ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai để xác minh có phải người cháu trai sẽ đến đón như lời cụ đã nói không. Hơn 10 giờ 30 tối, dù mệt mỏi nhưng cụ không cúi gầm mặt như lúc chiều mà luôn nhìn từng dòng xe qua lại, chờ đợi một ai đó đến đón về sau một ngày ngồi lê ngoài đường hít khói bụi xe cộ.
Dòng người thưa thớt, cụ ngồi nhỏm dậy khi thấy bóng người quen xuất hiện.
10 giờ 45 phút, một người phụ nữ trên xe treo một bọc lớn đựng tăm bông dừng lại, sau khi hỏi chuyện cụ bà vài câu thì người này cúi xuống kiểm tra số tăm bông và gom tất cả vào một bọc lớn khác.
Sau đó, người phụ nữ này chở cụ bà theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Du - Cách Mạng Tháng 8.Đến góc đường nơi cụ ông đang ngồi bán tăm bông, người phụ nữ bảo ông thu xếp đồ đạc.
Số tăm bông còn sót trong ngày hôm nay được chồng chất lên trước xe máy.
Sau đó ông cụ vòng ra sau xe để ngồi. Một vài người đứng chờ đèn đỏ tỏ ra e dè khi hai ông bà cụ đã già phải ngồi đằng sau chiếc xe chật chội... ... và người phụ nữ bắt đầu nổ máy chở hai ông bà cụ về nhà. Hai ông bà đều bám chặt yên xe vì sợ té. Chiếc xe chở ba người từ từ chạy từ Quận 1 đến Quận 10 và về hướng Quận 6 thì giảm tốc độ. Xe rẽ vào con hẻm 336 trên đường Nguyễn Văn Luông. Khi người phụ nữ này vừa về thì cũng là lúc một người đàn ông khác cũng chở 2 cụ già nữa về đến. Các cụ vào nhà, soạn đồ bán hôm nay ra và hai kẻ chăn dắt bắt đầu ghi chép. Khi phát hiện có người theo dõi, hai người này dắt xe vào nhà và đóng cửa im ỉm. Lúc này cũng gần 12 giờ đêm.
Hôm sau khi chúng tôi quay trở lại ngôi nhà mà hai kẻ chăn dắt thuê trọ để bóc lột sức lao động của 4 cụ già, thì hàng xóm cho biết hai người đã chở các cụ "đi làm". Đó là hai vợ chồng có tên Lê Ngọc Huy và Phạm Thị Hà (45 tuổi, quê Thanh Hóa). Được biết, tuy mỗi ngày các cụ ông, cụ bà bán chỉ được vài chục nghìn nhưng cộng với số tiền được người đi đường thương tình cho thêm thì bình quân một cụ kiếm gần 200 nghìn một ngày. Theo thỏa thuận của hai vợ chồng Hà và Huy thì số tiền mỗi cụ kiếm được sẽ chia 50/50 cho vợ chồng Huy và Hà.
Ngôi nhà trọ trong con hẻm 336 Nguyễn Văn Luông, nơi các ông bà cụ được cho ăn uống mỗi ngày trước khi bị bắt ra vỉa hè ngồi bán tăm bông đến tối.Một người dân sống gần đấy cho biết:
"Hai vợ chồng nhà này không thân thiện với hàng xóm, chúng tôi cũng không biết họ làm nghề gì nhưng cứ thấy họ nhận nuôi 4 người già rồi bắt đi lao động kiểu đấy thì biết là chăn dắt kiếm tiền. Cứ chở những người già đi xong là hai vợ chồng về nhà nằm nghỉ ngơi đến tối đi đón những người đó về. Công việc nhàn hạ thế mà mỗi tháng họ vẫn kiếm được tiền triệu. Những cụ ông, cụ bà gần đất xa trời không người thân thích nên có người cho ở nhờ, cho ăn uống, chỉ việc đi làm phục vụ nên họ tự nguyện làm ngay".
Công an phường 14, Quận 6 cũng đã nhận được phản ánh nhưng cho rằng rất khó xử lý vì những ông cụ bà ngày đêm bị bóc lột cũng đã trình bày với Công an phường rằng tất cả đều là người nhà và họ lao động tự nguyện cho con cháu chứ không bị ép buộc.
Tuy nhiên, theo Chương I, Điều 9 của Luật người cao tuổi có ghi rõ cấm hành vi lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để vụ lợi. Rõ ràng việc chăn dắt người già để ăn chia tiền như hai vợ chồng Hà và Huy là hành vi trái pháp luật nhưng cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong việc xử lý. Vậy nên, ngày qua ngày, những cụ già vẫn phải làm việc vất vả cho những kẻ lười lao động sống bám vào từng đồng tiền mà các cụ kiếm được từ lòng trắc ẩn của xã hội!.