Khắp nơi đìu hiu quá ít thí sinh
Điểm thi đóng cửa vì không có thí sinh thi môn Sử. Ảnh: Minh Tâm
Im lìm không có thí sinh. Ảnh: Minh Tâm
Cần Thơ: Theo thống kê của Sở GD – ĐT TP Cần Thơ, sử là môn ít thí sinh chọn nhất với số lượng 477 học sinh. Trong 9 điểm thi ở 9 quận huyện do Sở GD – ĐT TP Cần Thơ tổ chức thì Trường THPT Hà Huy Giáp ở huyện Cờ Đỏ là điểm thi có ít thí sinh nhất với số lượng thi chỉ có 4 em; còn điểm có nhiều thí sinh nhất là điểm thi Trường THPT Thới Lai ở huyện Thới Lai với số lượng 98 em.
Còn tại cụm thi liên tỉnh do trường ĐH Cần Thơ chủ trì có 4.925 thí sinh đăng kí chọn thi môn Sử. Ông Nguyễn Minh Trí - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ cho biết, trong 28 điểm thi thì có đến 14 điểm thi không có thí sinh nào thi môn Sử nên phải “đóng cửa”.Theo ghi nhận của phóng viên, sáng ngày 4–7 thì 14 điểm thi này hoàn toàn im lìm, không có công an, giám thị, phụ huynh, thí sinh nào cả...
Đồng Nai: Điểm thi Trường THPT Ngọc Lâm (huyện Tân Phú, Đồng Nai), do Sở GD-ĐT Đồng Nai chủ trì gồm 10 phòng thi với 229 thí sinh đăng ký nhưng không có thí sinh nào thi môn Lịch sử.
Trường THPT Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) có 446 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ có 2 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử.
Tương tự, tại điểm thi Trường THPT Điểu Cải (huyện Định Quán, Đồng Nai), có 346 thí sinh đăng ký thi nhưng cũng chỉ có 4 em lập thành một phòng thi môn Lịch sử.
Thí sinh dự đoán đề nói về lòng yêu nước?
TP.HCM: Tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Trãi, Q.4, nhiều thí sinh bàn luận sôi nổi về vấn đề bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, cho rằng đề sử sẽ nhấn mạnh đến lòng yêu nước, đề cập đến những sự kiện mà nước ta đang tổ chức lễ kỉ niệm lớn như 30-4, Quốc khánh 2-9, cách mạng tháng 8.
Thí sinh Nguyễn Đình Kiển, bộ đội, cho biết đã ôn tập rất kĩ những phần có khả năng xảy ra, nhất là những nội dung liên quan đến biển, đảo, hợp tác ASEAN, các vấn đề về Liên hợp Quốc.
Thí sinh tự do Nguyễn Ngọc Thanh, tỉnh Bến Tre cho biết có thể những cuộc chiến sẽ được nhấn mạnh trong đề để nâng cao tinh thần dân tộc.
5g, tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn cơ sở 3 đã có một số thí sinh đến sớm, tranh thủ ngồi ôn bài. Hôm nay là ngày thi cuối của các thí sinh khối C nên nhiều bạn tỏ ra rất lo lắng và sợ đề sử sẽ ra những câu hỏi phân tích, tổng hợp kiến thức hóc búa.
Thí sinh đến sớm, tranh thủ ngồi ôn bài - Ảnh: Phương Nguyễn
Nhiều thí sinh cho rằng, môn Sử năm nay về phần lịch sử thế giới sẽ không ra Trung Quốc.
Thí sinh Ngọc Ánh (THPT Bình Hưng Hòa, TP.HCM) chia sẻ: “Em chỉ muốn sử ra những câu trọng điểm như thành lập Đảng, chiến dịch Hồ Chí Minh hoặc chiến dịch Điện Biên Phủ. Em nghĩ lịch sử thế giới sẽ ra về toàn cầu hóa hoặc Asean”.
Từ 5g30, tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhiều tốp thí sinh đã đến để chuẩn bị môn thi Lịch sử. Một số thí sinh còn thức khuya để ôn tập, sáng dậy sớm đi thi.
Thí sinh Đắk Lắk ôn bài. Ảnh: Tiến Thành
Nhiều thí sinh đánh giá đề thi môn Lịch sử sẽ tập trung vào phần lịch sử Việt Nam hiện đại. “Bữa em thi văn khá tốt, môn Địa cũng tạm được nhưng chưa ưng ý lắm. Môn Lịch sử em cũng ôn tập kỹ, chủ yếu làm những đề thi minh họa của thầy cô. Em tập trung khá nhiều vào phần lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến nay” - Bùi Thị Đông Quỳnh, học sinh Trường THPT Long Thành, Đồng Nai, cho biết.
Một số thí sinh hôm nay thi môn Lịch sử để lấy điểm xét tốt nghiệp tỏ ra khá thoải mái.
“Em thi khối A, khối D để xét đại học. Còn môn Lịch sử là môn xét tốt nghiệp. Em cảm thấy khá thoải mái. Chỉ tập trung vào những phần quen thuộc của lịch sử thế giới như sự ra đời của Liên hợp quốc, ASEAN… để đủ điểm tốt nghiệp” - thí sinh Nguyễn Thiện Phúc (THPT Trường Chinh, Q.12), nói.
Tại điểm thi THPT Gia Định, TP.HCM, số thí sinh dự thi đã ít hơn so với những ngày thi trước. Phần đông thí sinh dự thi môn Sử chọn môn này để xét điểm vào đại học.
Một thí sinh trường THPT Lê Hồng Phong (Đồng Nai) cho hay bạn học sử không tốt lắm, mong muốn đề ra dễ hơn năm trước và đừng có nhiều lí thuyết.
Nguyễn Thị Thắng cùng bạn là Lê Phương Quỳnh (THPT Trấn Biên, Đồng Nai) cùng bàn luận về hướng ra môn Sử. Thắng nói môn Sử hiện nay quá chú trọng lí thuyết, hi vọng xu hướng đổi mới phương pháp dạy sử thì cũng đổi mới luôn đề ra thi sử.
Một nhóm thí sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Đồng Nai) bàn luận về môn Sử, nhiều thí sinh mong muốn đề ra theo hướng mở, suy luận. Thí sinh Thành Công nói: “Mình mong đề sẽ có nhiều liên hệ thực tiễn, đặc biệt là liên hệ ở phần lịch sử Việt Nam để rút ra kinh nghiệm, bài học cho thực tiễn quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, vì suy luận sẽ hay và dễ làm hơn lí thuyết”
Đắk Lắk: Mong đề lịch sử sẽ mở
Ngày thi cuối cùng 4-7, tại cụm thi ĐH Tây Nguyên (Đắk Lắk) có sáu điểm thi tập trung thí sinh thi môn Lịch sử như THPT Cao Bá Quát, Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Lắk , THPT Lê Duẩn ...
Thí sinh Cao Minh Minh (H.Buôn Đôn) cho biết năm nay ôn tập tất cả các vấn đề trong sách, tránh học theo tủ. "Tuy nhiên mình mong đề thi năm nay sẽ mở, gắn liền với thực tế hiện nay, đặc biệt là vấn đề biển Đông, mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc" - Minh nói.
Bạn Võ Thị Bích Huyền (TP.Buôn Ma Thuột) nhận định đề thi năm nay sẽ "dễ thở" hơn so với mọi năm vì kết hợp giữa thi tốt nghiệp và Đại học.
Hải Phòng: khó dự đoán đề thi sử!
Trao đổi với người bạn cùng phòng thi, thí sinh Nguyễn Thị Hồng Trạng (trường THPT Quang Trung, Hải Phòng) nhận định đề thi sử năm nay khó đoán sẽ vào phần nào nên từ đầu năm đã ôn luyện dàn trải tất cả các phần.
Thí sinh có tâm trạng hồi hộp khi bước vào phòng thi - Ảnh: Tiến Thắng
Thí sinh Vũ Xuân Trường (Hải Phòng) cho rằng đề thi sử trong các năm thường rất khó dự đoán trước nên thí sinh muốn thi tốt phải ôn luyện kỹ nhiều phần. Trường hi vọng sẽ có câu hỏi nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979 vì từ rất lâu không có câu hỏi liên quan đến phần này.
Vừa dặn dò con phải giữ bình tĩnh, đọc kỹ đề trước khi làm bài, bà Nguyễn Thị Ngọc (Cẩm Phả, Quảng Ninh) không quên căn dặn con khi làm bài thi môn Lịch sử phải chú ý trình bày rõ được hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả và phải chỉ ra được tại sao lại có được thành quả đó.
Thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn tất môn Hóa tại cụm thi trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Như Hùng
Ngày thi thứ ba với môn Địa lý và hóa học kết thúc với nhiều nhận định cho rằng đề thi dễ thở, thí sinh không khó để đạt điểm 5. Với môn Hóa, giáo viên cho rằng chỉ cần học lực trung bình có thể đạt điểm 5, 6 dễ dàng nhưng để đạt điểm 8, 9 không hể đơn giản bởi đề có tính phân loại rất cao.
Đề địa lý dễ hơn đề thi ĐH năm trước trong khi 10 câu khó nhất của đề hóa học khó tương đương những câu khó của đề thi ĐH năm 2014, một vài câu còn khó hơn nhiều.
Ba ngày thi đã qua, đề thi môn toán, ngoại ngữ, văn, vật lý, địa lý, hóa học có cùng cấu trúc có những phần rất dễ dàng cho xét tốt nghiệp THPT. Trong khi đề toán, lý và hóa có sự phân loại cao cho việc xét tuyển ĐH thì các môn Tiếng Anh, văn và địa lý được đánh giá là khó phân hóa thí sinh.
Hôm nay thí sinh dự thi hai môn cuối cùng là lịch sử và sinh học. Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, môn Lịch sử có trên 153.000 thí sinh đăng kí dự thi và môn sinh học có trên 283.000 thí sinh đăng ký. Trong tám môn thi của kỳ thi THPT quốc gia, môn Lịch sử có lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất.
Buổi sáng thí sinh dự thi môn Lịch sử với thời gian làm bài 180 phút (phát đề lúc 7g45 và bắt đầu làm bài từ 8g). Buổi chiều thí sinh dự thi môn Sinh học (phát đề lúc 14g15 và làm bài lúc 14g30).
Ngay sau khi kết thúc giờ thi của mỗi môn, Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật liên tục bài giải của các môn thi. Bên cạnh đó là các nhận định đánh giá về đề thi của các giáo viên, giảng viên nhằm giúp thí sinh có cái nhìn tổng quan về đề thi.
Dự kiến chiều tối nay, sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đáp án của 8 môn thi. Ngay sau khi có đáp án, Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật nhanh nhất để bạn đọc theo dõi.
Trong ba ngày thi vừa qua, lượng thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu khá nhiều, nhất là đối với môn Văn. Sáng nay, thí sinh dự thi môn Lịch sử và thí sinh cần lưu ý, nếu mang tài liệu vào phòng thi, tuy không sử dụng như bị phát hiện thí sinh vẫn bị đình chỉ thi. Nếu bị đình chỉ thi một môn, thí sinh sẽ không được sử dụng kết quả các môn thi đã dự thi để xét tốt nghiệp THPT hay ĐH, CĐ.
Đối với môn Sinh học, thí sinh lưu ý, khi nhận đề thi, phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm; không được xem đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép. Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in.
Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi. Phải kiểm tra đề thi để đảm bảo có đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề và tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi
Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh (vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp)
Chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mà mình lựa chọn.
Thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn tất môn Hóa tại cụm thi trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Như Hùng