Theo bảng xếp hạng năm 2015 của trang web The Guide to Sleeping in Airports, sân bay Tân Sơn Nhất bị xếp hạng đứng thứ 4 trong danh sách “những sân bay tệ nhất châu Á”.
“Đúng là cần cải thiện”
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho hay, ngay khi có thông tin này, ngày 20/10 vừa qua, Cảng vụ đã tổ chức cuộc họp giữa các đơn vị phục vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất.
“Với tinh thần cầu thị, chúng tôi xem lại, chấn chỉnh không riêng những nội dung đó mà cả những khía cạnh khác nữa.
Dù Tân Sơn Nhất đã quá tải, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng chấn chỉnh anh em trong thái độ, tinh thần phục vụ. Quá tải thì khách cũng sẽ thông cảm, nhưng thái độ, tinh thần phục vụ rất quan trọng”, ông Trần Doãn Mậu cho biết.
Ông Mậu thông tin thêm, các đơn vị tham dự cuộc họp trên đã có cam kết tới đây đẩy mạnh phong trào 4 xin, 4 luôn (“4 xin”: “Xin chào, Xin lỗi, Xin cảm ơn, Xin phép”; và “4 luôn”: “Luôn mỉm cười, Luôn nhẹ nhàng, Luôn thấu hiểu, Luôn giúp đỡ” – pv) của Bộ GTVT.
Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết: Sẽ rà soát, chấn chỉnh nhân viên trên tinh thần cầu thị. (Ảnh: Internet)Theo ông Mậu, 3 nội dung báo chí nêu gồm wifi, nhà vệ sinh, lựa chọn nhà hàng: “đúng là phải cần rà soát lại ngay”.
Lý giải cho việc wifi truy cập chậm, ông Mậu cho rằng đó là do lượng khách quá tải.
“Sau quá trình làm việc, Cảng đã hứa thời gian tới sẽ tìm nhà mạng mới để bổ sung… Các anh ấy hứa trong tháng 11 sẽ bổ sung ngay”, ông Mậu khẳng định.
Về vệ sinh, theo vị này, sân bay Tân Sơn Nhất cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, nhưng lúc quá tải phải nỗ lực hơn.
“Các anh chị em phải làm việc thường xuyên hơn nữa. Tôi nghĩ không riêng gì nhà vệ sinh, tất cả các khu vực khác cũng cần tăng cường vệ sinh hơn nữa nhất là lúc quá tải.
Về nhà hàng, tôi nghĩ biển bảng hướng dẫn có thể chưa rõ, chưa phù hợp. Chúng tôi đã nhắc nhở và Cảng sẽ cải thiện biển hướng dẫn để khách biết khu vực nào có nhiều nhà hàng.
Nhiều khi khách tây có thể chưa phù hợp với món ta. Cái đó cũng cần cải thiện. Dù mặt bằng chật hẹp, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để các món ăn phong phú hơn để phục vụ mọi loại khách”, ông Mậu nhấn mạnh.
Rớt thảm là “do lỗi chủ quan”
Trong khi đó, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng bảng đánh giá, xếp hạng của trang web The Guide to Sleeping in Airports là một kênh để các đơn vị hàng không rà soát, khắc phục yếu kém của mình.
“Trang web đó xếp hạng dựa trên đánh giá, phản ánh của hành khách và chúng ta phải tôn trọng các đánh giá của hành khách, rà soát vào từng tiêu chí, từng yếu kém bên cạnh rà soát tổng thể để nâng cao chất lượng.
Bởi các tiêu chí họ đưa ra không có tiêu chí nào là không hợp lý cả bởi đó toàn là những dịch vụ liên quan trực tiếp đến hành khách và hành khách mong muốn có dịch vụ đó, dịch vụ đó phải tốt”, ông Thanh nói.
Sân bay Nội Bài được tăng thứ hạng là nhờ áp dụng rất nhiều giải pháp đồng bộ trong ngành. (Ảnh: Internet)Theo Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, sân bay đạt chuẩn quốc tế khi đáp ứng được các dịch vụ tiêu chuẩn bắt buộc tại cảng hàng không sân bay. Bộ Giao thông vận tải đã ban hành thông tư về bộ tiêu chuẩn này.
Ngoài ra còn có thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm làm sao để cảng của mình tốt khi so sánh, đánh giá với các cảng khác.
Chẳng hạn buồng ngủ không phải là dịch vụ tiêu chuẩn bắt buộc của quốc tế, nhưng nếu có, chất lượng cảng sẽ được nâng lên, hành khách sẽ đánh giá cao.
Ông Thanh nhận định, Tân Sơn Nhất chưa đạt được các tiêu chí đó phần nhiều do lỗi chủ quan.
“Chẳng hạn, về wifi, anh phải dự tính trước được rằng nếu đông hành khách thì phải như thế nào mới đáp ứng được chứ không thể lý giải vì đông nên nó chập chờn. Không thể đổ cho khách quan như thế được.
Vệ sinh bẩn rõ ràng do lỗi chủ quan. Về nhà hàng, có thể do mặt bằng hạn chế nên Tân Sơn Nhất có ít nhà hàng, nhưng phải làm sao để hành khách hài lòng với chất lượng của sản phẩm.
Ví dụ có hành khách nói cũng được đấy, nhưng thức ăn chưa ngon. Rõ ràng thức ăn chưa ngon là do anh thôi. Rồi cách chỉ dẫn để người ta đến với nhà hàng là lỗi chủ quan của mình.
Thái độ nhân viên, tính chuyên nghiệp của nhân viên hay nạn trộm cắp rõ ràng do lỗi chủ quan”, ông Thanh nói thêm.
Cũng theo ông Thanh, do một số yếu tố khách quan như Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải. Mặt bằng cho nhà hàng không thể mở rộng được mà phải ưu tiên cho dịch vụ công cộng. Tình trạng tắc nghẽn chỗ tiếp cận nhà ga cũng là một vấn đề.
“Việc quá tải rất khó giải quyết, đòi hỏi phải có một giải pháp đồng bộ như mở rộng sân đỗ đường lăn của tàu bay, có những dự án xây dựng nhà để xe ở phía bên ngoài, trước cửa nhà ga…”, ông Thanh nhấn mạnh.
“Nội Bài từng tệ hại hơn, nhưng…”
Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho hay, ngày xưa Nội Bài còn bị đánh giá tệ hại hơn Tân Sơn Nhất về vệ sinh, nhưng từ sau khi mua dịch vụ vệ sinh ngoài, vấn đề vệ sinh được giải quyết cơ bản.
Sân bay Nội Bài được tăng thứ hạng là nhờ áp dụng rất nhiều giải pháp đồng bộ trong ngành. Bản thân Nội Bài cũng có rất nhiều giải pháp.
“Người ta sắm sửa thêm nhiều ghế chờ chuyến bay, xe đẩy lăn mới… Phong trào 4 xin, 4 luôn được phát động tốt hơn, nhân viên hưởng ứng nhiều hơn.
Ngoài ra, Nội Bài mới đưa nhà ga T2 vào khai thác”, ông Thanh cho biết.
Đánh giá về sân bay Đà Nẵng, ông Thanh cho rằng do vẫn giữ được chất lượng dịch vụ như vậy nên họ không bị tụt hạng.
“Từ trước đến nay hầu như không có phàn nàn về nạn trộm cắp và giờ người ta vẫn giữ được điều đó. Hơn nữa thái độ, tính chuyên nghiệp của nhân viên hàng không ở Đà Nẵng vẫn khá hơn.
Đó là yếu tố rất quan trọng vì họ là những người tiếp xúc trực tiếp với hành khách… Nhà ga Đà Nẵng cũng sắp sửa vào giai đoạn mãn tải rồi, nhưng họ bố trí hợp lý trong nhà ga mới”, ông Thanh nhận định.
Khẳng định không vì quá tải mà không nỗ lực cải thiện, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cam kết: “Về thái độ phục vụ, hiện nay chúng tôi ghi nhận là được, nhưng cũng có một số người vì áp lực có lúc cũng vẫn chưa được như ý muốn.
Trong tuần này, chúng tôi đang dự thảo một cam kết về phục vụ chất lượng để các đơn vị ký cam kết theo tinh thần 4 xin, 4 luôn với mục đích trong điều kiện quá tải khách vẫn hài lòng, thông cảm cho mình”.
Việt Nam có 3 sân bay được đưa trang The Guide to Sleeping in Airports đưa vào đánh giá, xếp hạng hàng năm là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng. Các tiêu chí khảo sát, đánh giá gồm: chất lượng dịch vụ khách hàng, mức độ sạch sẽ, tiện nghi, sự thoải mái của hành khách. Năm nay, Tân Sơn Nhất đứng thứ 4 trong top 10 sân bay tệ nhất châu Á cùng Kathmandu Tribhuvan (Nepal), Tashkent (Uzberkistan), Kabul Hamid Karzai (Afghanistan), Islamabad Benazir Bhutto (Pakistan), Quảng Châu (Trung Quốc), Chennai (Ấn Độ), Manila (Philippines), Dhaka Shahjalal (Bangladesh), Colombo (Sri Lanka). Trong khi đó, Nội Bài (hạng 28) và Đà Nẵng (hạng 23) trong top 30 sân bay tốt nhất châu Á. |