Phải biết xấu hổ khi để xảy ra việc mất trộm hành lý ký gửi

Lao động, Theo 23:49 18/06/2015
Chia sẻ

Chiều 18.6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm và “mổ xẻ” các vấn về mà dư luận bức xúc như: Tình trạng mất trộm đồ, chậm chuyến, hủy chuyến, buôn lậu… có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây tại các cảng hàng không.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ rõ trách nhiệm đầu tiên là của cơ quan quản lý nhà nước và nhấn mạnh phải biết xấu hổ khi để xảy ra các hiện tượng trên.


Vận chuyển hành lý từ máy bay vào khu chờ

Phân định rõ trách nhiệm

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, tính riêng 6 tháng đầu năm 2015 đã có 168 vụ khai báo mất cắp hành lý, đây là con số khiêm tốn vì một số người mất không khai báo, cho thấy tình hình còn phức tạp. Hầu như rất khó kết luận trong việc phân định trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc mất mát hành lý ký gửi. Hành lý quốc tế bị mất nhiều, nhưng chưa phân định rõ trách nhiệm từ đầu nên việc chống mất cắp chưa đạt hiệu quả cao. Khiếu nại nội bộ tập trung lớn ở sân bay Nội Bài, như vậy cho thấy nguy cơ từ nhân viên nội bộ đơn vị phục vụ hành lý ký gửi tại Nội Bài.

Theo Cục Hàng không, đối với các chuyến bay nội địa, trách nhiệm bảo đảm hành lý không bị can thiệp thuộc về các đơn vị ngành hàng không dân dụng. Đối với các chuyến bay quốc tế, do có sự phục vụ của các bên nước ngoài, có nguy cơ hành lý ký gửi bị can thiệp ở nước ngoài hoặc trong nước.

Đối với các khiếu nại của hành khách, hãng hàng không xử lý bằng cách điện kiểm tra các sân bay xuất phát, quá cảnh/nối chuyến và các đơn vị vệ sinh tàu bay ở sân bay đến, tuy nhiên thời hạn tìm kiếm kéo dài, cách xử lý này rất hạn chế trong việc xác minh và ngăn ngừa sự trộm cắp tài sản nếu có trong hành lý ký gửi. Còn một số điểm mù camera, một số nơi camera chưa giám sát tới như trong xe container vận chuyển hành lý, cổng ra vào chưa có soi chiếu. Hệ thống tủ gửi đồ của nhân viên đã được quy định và triển khai nhưng việc giám sát chưa hiệu quả.

Hiện chưa có sự phân định rõ trách nhiệm trong dây chuyền xử lý khi xảy ra mất hành lý, dẫn đến đa số trường hợp không kết luận được hành lý bị can thiệp ở dây chuyền nào. Trong khi đó, việc kiểm soát nội bộ chưa đạt hiệu quả, chủ yếu trông chờ vào sự kiểm soát của nhân viên an ninh. Hơn nữa, đa số các đơn vị áp dụng mức lương, chế độ đãi ngộ thấp với lực lượng lao động trực tiếp liên quan đến bốc xếp hành lý, 3-4 triệu đồng/tháng.

Trước báo cáo của ông Thanh, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu phải quy rõ trách nhiệm của từng bộ phận, trước tiên là những người lãnh đạo vì nếu không quy được trách nhiệm thì không giải quyết được vấn đề. “Tại sao các biện pháp được triển khai mạnh mà hiện tượng mất cắp vẫn gia tăng, đây là con số chưa đủ vì nhiều hành khách mất cắp đồ vật nhưng không khai báo. Chúng ta phải làm rõ nguyên nhân và giải pháp đã đúng chưa?”, ông Thăng đặt câu hỏi.

Phải biết xấu hổ

Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận – Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an) chỉ rõ, nhiều vụ mất cắp hàng hóa xảy ra có sự tham gia, móc nối của nhân viên hàng không, đặc biệt là bộ phận soi chiếu vì nhiều vụ, vết rạch đúng chỗ để đồ có giá trị. Do vậy, cần phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ phận thì sẽ giảm tối đa sự mất cắp, các biện pháp phòng ngừa chưa đồng bộ.

Hiện Bộ Công an đang triển khai một số chuyên án về mất cắp tại các sân bay, đề nghị Bộ GTVT có cơ chế trong tuyển dụng, trả lương xứng đáng cho nhân viên vận chuyển, bốc xếp để họ yên tâm công tác và đặc biệt phải kiểm tra rõ lý lịch các nhân viên. Mất cắp hành lý đang là vấn đề bức xúc nhưng cao hơn nữa là hiện tượng buôn lậu, nhất là buôn lậu vàng và ngoại tệ.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Vấn đề phòng chống trộm cắp tài sản, hành lý ký gửi là hiện tượng đáng buồn và đáng báo động không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không, ngành GTVT mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước. Do vậy không thể để tình trạng này kéo dài. Chúng ta phải có lòng tự trọng vì đây là trộm trong nhà. Trách nhiệm đầu tiên là của lãnh đạo các đơn vị ngành hàng không. Tuy Cục Hàng không đã đưa ra các giải pháp và tích cực, quyết liệt nhưng chưa đạt hiệu quả. Tình hình mất trộm tài sản của hành khách vẫn gia tăng. Cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ đội ngũ nhân viên, công tác tuyển dụng lao động, nhân thân và vấn đề lương thưởng của NLĐ. Đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh, bảo vệ nội bộ nếu phát hiện có vấn đề sẽ chấm dứt ngay HĐLĐ.

Kết luận hội nghị, ông Thăng yêu cầu Cục Hàng không phải tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp về nguyên nhân và hiện tượng trộm cắp tài sản tại cuộc họp, khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách và quy trách nhiệm của người đứng đầu từ đội trưởng đến cảng vụ và Cục Hàng không. Hiện tượng mất trộm này gần như 100% là trong nhà, nên chúng ta phải cảm thấy xấu hổ và bị xúc phạm khi để việc này xảy ra.

"Hiện tượng mất trộm hành lý do cơ quan quản lý nhà nước, tôi nghĩ xã hội hóa còn tốt hơn, chuyển nhượng quyền sử dụng kết cấu hàng không, nhà đầu tư chỉ khai thác đúng ký kết, sau khi cho đấu thầu tư nhân vào cảng làm, rất sạch sẽ, giấy không bao giờ thiếu, chất lượng dịch vụ tốt hơn" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Cùng đó, ông Thăng cũng yêu cầu "Cục Hàng không, Cảng vụ xem lại trách nhiệm, nếu từ nay đến cuối năm mà không giảm chuyện trộm cắp thì tôi sẽ xử lý trách nhiệm Giám đốc Cảng vụ".

Liên quan đến việc mất cắp hành lý ký gửi khi đi máy bay, năm 2013 có tổng số 205 khiếu nại, trong đó sân bay Nội Bài có 56 vụ, Tân Sơn Nhất có 149 khiếu nại. Số khiếu nại liên quan đến chuyến bay quốc tế là 141 vụ. Năm 2014, tăng lên là 301 vụ, trong đó Nội Bài là 144 vụ, Tân Sơn Nhất là 157, khiếu nại quốc tế là 178 vụ. 6 tháng đầu năm 2015 có 168 vụ, trong đó Nội Bài là 79 vụ, Tân Sơn Nhất là 88 vụ, số vụ liên quan đến chuyến bay quốc tế là 111 vụ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày