Trong một lần đi tác nghiệp, tôi tình cờ gặp bà Xinh đang nhặt giấy tại bệnh viện Bạch Mai. Lần gặp ấy, tôi đã bắt chuyện với bà, nghe bà kể về cuộc sống gia đình khiến tôi không khỏi xúc động.
Vào một buổi trưa ngày cuối hè, tôi tìm đến nhà bà Mai Thị Xinh ở xóm nổi bãi giữa sông Hồng. Cảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một căn nhà lụp xụp, một người đàn ông thân hình gầy còm đang nằm bệt giữa nền nhà.
Người phụ nữ gặp tôi lần trước đang ngồi ăn cơm một mình, bữa cơm đạm bạc chỉ có mỗi đậu phụ rán và một bát nước mắm. Thấy vậy, tôi liền mở túi lấy máy ảnh ra để xin chụp một kiểu nhưng bà Xinh đã gạt đi và nói: "Đừng chụp tôi lúc ăn, bữa cơm đạm bạc quá chụp lên tôi ngại lắm. Tí nữa ngồi nói chuyện cho chú chụp thoải mái".
Ông Nguyễn Văn Trọng không còn đi lại được nữa.
Khi hỏi chuyện, chúng tôi mới biết người đàn ông nằm giữa nền nhà là chồng của bà Xinh, đó là ông Nguyễn Văn Trọng. Năm nay, ông Trọng đã bước sang tuổi 70 nhưng trông bề ngoài, ông già hơn so với tuổi, sức khỏe ốm yếu. Mặc dù đang ngủ, nghe tiếng có khách ông Trọng đã tỉnh giấc và gượng dậy để chào.
Bà Xinh kể: "Ông ấy yếu lắm rồi, giờ chỉ ngồi một chỗ như vậy thôi, không đi lại được nữa. Mỗi ngày đi làm về, nhìn thấy chồng nằm thấp thỏm trên nền nhà tôi lại chảy nước mắt, mặc dù chồng bệnh tật nhưng không có tiền chữa trị, tôi đành chấp nhận nhìn chồng chết dần chết mòn...".
Bà Xinh là nhân lực chính của gia đình.
Năm 1985, ông Trọng và bà Xinh đến với nhau. Sau một thời gian, vợ chồng ông Trọng đã có hai đứa con (một trai, một gái). Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng đi làm, bươn chải giữa đất Hà Nội không đủ tiền thuê trọ, cả hai đã tìm ra bãi giữa sông Hồng để ở đỡ chi phí tiền nhà. Số tiền kiếm được hàng ngày cả hai vợ chồng chỉ đủ lo cho việc ăn uống chứ không dư được là bao.
Cuộc sống như vậy cứ kéo dài, hai vợ chồng chắt chiu từng đồng với mục đích có ít tiền khi về già. "Con cái rồi nó cũng có vợ, có chồng, nó lo cho cuộc sống gia đình nó, thương bố mẹ thì cho và nuôi vài ba bữa chứ đâu nuôi được cả đời. Bổn phận làm bố mẹ phải nuôi nó lớn thành người, khi nào nó tự lập riêng rồi mình mới an tâm được", bà Xinh chia sẻ.
"Khó khăn lại đè lên khó khăn, đến năm 2005, chồng tôi bắt đầu đau ốm triền miên, khi đi bệnh viện khám thì mới phát hiện ra bị bệnh tim và bệnh phổi. Cũng chính từ ngày đó, số tiền tích góp của hai vợ chồng từ ngày cưới nhau dù không nhiều nhưng đã phải chi trả cho chi phí bệnh viện và tiền thuốc thang của chồng. Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của chồng cũng chẳng khá được, một phần do bệnh nặng nhưng phần lớn do điều kiện gia đình không có tiền để lo thuốc men, viện phí... Tôi đành để chồng về nhà uống thuốc", bà Xinh ngậm ngùi.
Mọi việc nặng hay nhẹ đều tự tay bà Xinh gánh vác, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của bà con hàng xóm.
Người con trai cả đã có gia đình, cuộc sống cũng vất vả, đứa con gái thì ngày ngày đi bán nước cũng chẳng kiếm được bao nhiêu. "Tôi cũng khuyên nó chịu khó rồi kiếm vốn mà lấy chồng, sau này còn lo cho cuộc sống của riêng nó. Nhưng rồi nó cũng chẳng chịu khi nhìn cảnh bố không có tiền mua thuốc mà phải nằm vật vã kêu đau. Tiền kiếm được nó cũng đưa để tôi mua thuốc cho bố nó, nghĩ mà thương con", bà Xinh gạt nước mắt tâm sự.
Bà Xinh cho hay, không chỉ mỗi chồng bị bệnh, chính bản thân bà cũng đang mang nhiều bệnh trong người. Ngày qua ngày phải uống thuốc, nhưng giờ đây, chồng chỉ nằm một chỗ, nếu bà không làm thì lấy gì mà sống.
"Nghề nhặt giấy chú biết rồi đấy, có phải ngày nào cũng kiếm được đâu, ngày được ngày không, thất thường lắm. Có lần phải 2 - 3 hôm mới có hàng để cân một lần (tức đủ để bán), mỗi lần như vậy được dăm chục hoặc một trăm. Hiện tại thì không đủ tiền thuốc thang cho hai vợ chồng", bà Xinh nói.
Ngôi nhà rách nát của vợ chồng ông Trọng - bà Xinh.
Vì không biết đi xe đạp nên hàng ngày đi làm, bà Xinh thường phải đi bộ một quãng đường khá dài, ra bắt xe buýt đến tận bệnh viện Bạch Mai để nhặt giấy. Số tiền kiếm được hàng ngày khá bấp bênh khiến cuộc sống của vợ chồng ông Trọng ngày càng khốn khó.
Từ những bữa cơm có rau, có thịt dần đến những bữa cơm đạm bạc chỉ có đậu phụ rán và nước mắm suông... Những hôm đi làm cả ngày, bà Xinh chỉ ăn bánh mỳ cho qua bữa bởi không có tiền ăn cơm, ăn phở.
Mong muốn lớn nhất của bà Xinh bây giờ là có tiền để chữa trị cho chồng, và mình khỏe mạnh để sống hạnh phúc bên nhau những năm tháng về già...
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ trực tiếp với gia đình bà Mai Thị Xinh theo số điện thoại 0165.925.6891
Hoặc tới địa chỉ nhà ở xóm nổi, bãi giữa sông Hồng (Hà Nội).