Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9

Ngọc Phương, Theo Trí Thức Trẻ 08:01 31/08/2013

Những tù nhân xăm trổ đầy mình, từng có một quá khứ bất hảo òa khóc như con trẻ khi được trở về trong vòng tay gia đình, bạn bè do được đặc xá, ra tù trước thời hạn nhân dịp Quốc khánh 2/9.

Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá cho 15.523 phạm nhân nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9.

Trong ngày 30/8, tại trại giam số 1 của Bộ Công an (xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội), 200 phạm nhân thuộc diện được đặc xá đã được trả tự do, ra tù trước thời hạn.

Theo kế hoạch được thông báo ban đầu, từ 9h sáng 30/9, các phạm nhân được đặc xá sẽ lần lượt được trở về với gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, phải đến hơn 11h, những phạm nhân đầu tiên mới bước ra khỏi cánh cổng trại giam. Trong suốt mấy tiếng đồng hồ chờ đợi, chúng tôi đã hòa cùng không khí chờ đợi, cảm giác sốt ruột với gia đình, người thân và bạn bè những người được đặc xá trong đợt này.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Tiến (đến từ thành phố Hải Phòng, đến đón anh trai được đặc xá) tâm sự: “Anh trai tôi vì gây tai nạn giao thông làm chết người nên  phải chịu hình phạt tù 36 tháng. Chịu án được 19 tháng, do cải tạo tốt nên anh trai tôi được nhà nước đặc xá, tha tù trước thời hạn trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay. Tôi đi xe máy từ Hải Phòng lên Hà Nội từ sáng sớm để đón anh. Ở nhà mọi người đã chuẩn bị sẵn tiệc rượu để “tẩy trần” cho anh ấy”.

Anh Tiến cho biết, vì đi từ sớm để đón anh nên anh chưa kịp ăn gì. Ngồi trong quán nước, anh ăn vội quả trứng luộc và uống cốc trà đá để đỡ đói.

Trong sáng 30/8, khu vực cổng trại tạm giam số 1 chật kín người. Ngoài đa số người thân tới đón người nhà được đặc xá, có những người đến tiếp tế, thăm nom người thân đang chịu án trong trại tạm giam.

Chia sẻ với chúng tôi, bác Hùng (đến từ Vĩnh Phúc) cho biết: “Thằng cháu tôi vì không có công ăn việc làm nên nhàn cư vi bất thiện, sinh ra rượu chè, cờ bạc. Nó bị bắt vào đây trong một vụ đánh bạc. Dù đau buồn vì con cháu mình chịu cảnh tù tội nhưng gia đình tôi cũng nghĩ chỉ có như thế nó mới tu chí, tỉnh ngộ để làm người tốt. Hôm nay thấy cảnh nhiều người cải tạo tốt được đặc xá, tôi cũng mong thằng cháu tôi lấy đó làm gương để phấn đấu, sớm được ra tù”.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 1
Các phạm nhân được đặc xá làm thủ tục cuối cùng trước khi được tự do.


Theo quan sát của chúng tôi, trong số hàng trăm người tới đón người nhà được đặc xá trong ngày này, có đủ cả gia đình, bạn bè tới những “anh em giang hồ” xăm trổ đầy mình của những phạm nhân. Tuy nhiên, bỏ qua những vẻ mặt bặm trợn, bỏ qua những vết sẹo, hình xăm khiến nhiều người nhìn vào đã khiếp vía, tất cả mọi người đều dành cho nhau những nụ cười, những lời nói nhẹ nhàng, những lời hỏi thăm ân cần.

Mặc dù phải chờ suốt mấy tiếng đồng hồ trong trời nắng nóng nhưng khu vực trước trại tạm giam số 1 vẫn trật tự, ổn định.

Một nam thanh niên có nước da đen bóng nhiệt tình đứng ra giải thích cho mọi người: “Từ lúc được thả đến khi ra khỏi cổng trại giam cần qua nhiều thủ tục lắm. Người ta không thả một lúc tất cả mấy trăm người đâu, mà từng tốp vài người một lần. Khi ra cổng, người được đặc xá còn phải làm thủ tục lần cuối ở cổng trực ban, vậy nên mới lâu”.

Hỏi ra mới biết cậu thanh niên này đã từng là “khách quen” của trại giam số 1. Hôm nay, anh tới đón một người bạn tù cùng buồng giam được đặc xá.

Khoảng 11h30, những phạm nhân được đặc xá đầu tiên bước ra, đó là những cô gái, phụ nữ còn khá trẻ. Sau khi làm xong các thủ tục, bước ra khu vực người thân đang chờ sẵn, tất cả những người phụ nữ này đều òa khóc vì được trở về nhà.

Sau khoảng chục người phụ nữ, đến lượt những phạm nhân là nam giới được bước ra. Xăm trổ đầy mình, khuôn mặt lạnh như tiền nhưng khi sà vào vòng tay của gia đình, bạn bè, nhiều người đàn ông bật khóc như trẻ con vì sung sướng. Nhìn những hình ảnh đó, chắc hẳn không ai nghĩ những con người ấy đã từng có một quá khứ yêng hùng.

Một số phạm nhân khi bước ra khỏi cổng trại giam nhưng không có ai đến đón. Nét buồn rầu hiện rõ trên khuôn mặt họ. Khẽ thở dài, những người này đành bắt xe ôm để về nhà.

Đến khoảng gần 1h chiều, những phạm nhân cuối cùng được đặc xá đã rời trại giam. Từ đây, họ sẽ làm lại cuộc đời mình, bỏ qua quá khứ lầm lỡ.

Một số hình ảnh phạm nhân được đặc xá tại trại giam số 1 nhân dịp Quốc khánh 2/9:


Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 2
An ninh trước cổng Trại giam số 1 được thắt chặt ngay từ sáng sớm.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 3
Nhiều người đứng trật tự giữa trời nắng nóng nhiều giờ để chờ người thân, bạn bè được đặc xá bước ra.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 4
Tất cả đều hướng mắt về phía cổng trại giam.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 5
Nhiều người sốt ruột cố gắng đứng càng gần càng tốt để mong nhìn thấy người thân đầu tiên.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 6
Một số người còn trèo lên cây để vẫy người nhà bước ra từ trại giam.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 7
Những người đầu tiên được đặc xá bước ra là phụ nữ. Họ được mọi người đứng bên ngoài chào đón.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 8
Một nam thanh niên đi giữa hàng rào cảnh sát và những người đứng chờ.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 9
Nhiều người còn rất trẻ được đặc xá trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 10
Người cha đón người con một thời lầm lỡ trở về nhà.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 11
Ôm chầm lấy nhau vì sung sướng.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 12
Đón bạn trở về.

Những người lầm lỡ khóc, cười như trẻ con trong ngày đặc xá dịp 2/9 13
Những người được đặc xá được mọi người mở rộng vòng tay chào đón để họ sớm hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày