Tại một quán cà phê nhỏ gần nhà, anh Hoàng chia sẻ: “Tôi là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mẹ tôi gửi đi học nhà trẻ (kiểu giữ trẻ gia đình) rồi bỏ đi luôn không lời từ biệt. Từ năm 3 tuổi, tôi đã côi cút như thế. May nhờ người giữ trẻ lúc đó thương tình nên giữ lại nuôi đến lớn. Tôi gọi bà bằng má. Má thương tôi như con ruột, đi làm về cực khổ cũng hay la mắng nhưng cái gì ngon, cái gì đẹp cũng dành phần cho tôi nhiều hơn chị gái (con ruột) với lý do: “Nó nhỏ hơn, thiếu thốn tình cảm hơn”".
Ngày đó còn nghèo, chị gái lại có chồng xa và cũng ốm yếu nên không giúp được nhiều. Tôi quyết định bỏ học, đi làm phụ má kiếm tiền sinh sống. Má cũng đồng ý nhưng xuýt xoa hoài việc đó, bà nói mình có lỗi với tôi…
Trong quá trình đi làm, vì là thanh niên mới lớn nên còn nhiều ngu dại. Tôi nghe lời bạn bè rủ rê đi đánh nhau với một nhóm khác với lý do là thằng cầm đầu bên đó không cho bạn tôi qua xóm thăm bạn gái của mình. Chúng tôi đánh nhau nảy lửa, gây náo động cả khu khố với kết quả là người ta bị liệt 50% phần trên cơ thể (chấn thương dây thần kinh khiến cổ bị trẹo một bên vĩnh viễn). Lúc công an gọi lên, má tôi khóc quá trời. Mọi thứ sụp đổ khi ở tòa án, tôi bị kết tội giết người. Bao nhiêu mơ ước, bao nhiêu dự tính báo hiếu má của tôi vỡ tan tành. Tôi khóc như một đứa trẻ vì cái án 15 năm chỉ vì những phút bồng bột, nghe lời bạn bè và làm người khác bị thương tật.
Những ngày vào tù ở trại giam Hàm Tân là những ngày đầy cơ cực. Mỗi ngày chúng tôi được đánh thức từ 5h30 để lao động và 10h thì đi ngủ. Mỗi người mỗi việc, người thì làm việc nặng như đi cày, cuốc ngoài ruộng, người thì làm việc nhẹ trong nhà có mái che. Để sống cuộc sống trong đó không phải dễ...
Má già rồi, ít đi thăm nuôi và có đến cũng chẳng còn tiền cho vì đi đường xa khá tốn kém nên tôi chẳng trách gì. Mỗi lần gặp chỉ thấy thương má rồi trách mình bất hiếu. Tôi mong thời gian qua nhanh, cố gắng cải tạo tốt để được về cho má yên lòng. Nhất định tôi sẽ làm lại con người mới để tạ lỗi cùng má tôi.
Trong 10 năm sống ở trại giam, tôi không đếm được hết số lần mình bị bệnh, bị ghẻ… Có thời điểm bệnh ghẻ nhiều đến mức tôi phải viết thư về xin nhà mấy cái quần lót phụ nữ để mặc cho dễ chịu và sẵn xin luôn vài chục ngàn mua thuốc chữa bệnh trong này (họ không cho đem đồ từ ngoài vào vì sợ có chứa ma túy, chất cấm…). Má già yếu và vì thương xót tôi nên đổ bệnh, không còn đi đứng khỏe mạnh như ngày xưa và còn có dấu hiệu tâm thần, hay đi lang thang rồi nói chuyện một mình về tôi (các cháu viết thư kể lại). Chị gái phải thay má đi thăm tôi và cũng rất vất vả vì thằng em hư đốn từ trên trời rơi xuống này.
Cảm giác tội lỗi như chồng chất, tôi day dứt từng đêm từ khi má đổ bệnh. Tôi lo…
Nhưng rồi nỗi đau cũng ập đến, như chính sự lo sợ của tôi. Má tôi già yếu không chờ đợi nổi thằng con út bất hiếu này trở về. Bà chết đi giữa những câu chuyện không đầu, không đuôi, không ai hiểu về tôi… Tim tôi như thắt lại khi biết tin trước lúc chết, bà vẫn kể chuyện về mình. Trong bà, tôi đã được thả và không còn những ngày tăm tối trong trại giam này nữa. Có lẽ, đó là niềm mơ ước của bà. Niềm mơ ước xuất phát từ nỗi đau mà chính tôi đã gây ra cho người cưu mang và nuôi dưỡng mình.
Tôi là một thằng khốn!
Ngày má chết, tôi không được về. Vậy là tôi ở tù để tang má. Suốt thời gian đó tôi không nói năng gì, chỉ lao động và lao động. Cán bộ cũng thương hoàn cảnh nên an ủi nhiều. Bạn tù sau một thời gian sống cùng nhau cũng quý mến, giúp đỡ tôi đứng dậy sau nỗi đau.
Tôi nhớ má và đến bây giờ vẫn không thôi day dứt. Giá như ngày đó tôi đừng…”.
Lặng im khá lâu với đôi mắt chất chứa nhiều tâm sự. Anh nhìn về phía xa xăm và tiếp tục câu chuyện buồn đang dang dở về cuộc đời mình:
"Má chết vài năm thì tôi được đặc xá nhân ngày lễ Quốc khánh. Ngày về gần hơn khi đã ngỡ 15 năm không bao giờ đến. Có lúc tôi còn cảm tưởng như mình sẽ chết trong tù, không còn thấy ánh sáng ngoài cuộc sống của những con người ngoài xã hội. Tôi thật sự vui mừng và mong chờ từng giây từng phút. Đó là niềm vui duy nhất của cuộc đời từ ngày tôi bước chân vào đây để trả giá cho hành động sai trái của mình thời trai trẻ.
Năm 30 tuổi, tôi được ra tù.
Tôi quay về căn nhà bỏ hoang nơi ngày xưa gia đình mình sống để gặp lại má. Má tôi không còn ngồi trên võng đu đưa, tay phe phẩy quạt, nói cười như xưa nữa… Má tôi ngồi trên kia, vẫn mỉm cười nhưng là nụ cười vô hồn. Má không thể mừng cho ngày tôi được trở về…
Và tôi khóc. Giọt nước mắt kìm nén bao năm qua, tôi muốn thành thật với má mình. Lời xin lỗi là muộn màng dù ngàn lần tôi đã nói trong những bức thư gửi về cho má. Tôi đã sai.
Tôi đi xin việc làm với tờ giấy sơ yếu lý lịch: “Đã có tiền án”
Để trở lại cuộc sống là một điều không dễ. Báo đài mỗi ngày đều động viên người sai lầm quay về cuộc sống bình thường để làm người lương thiện nhưng muốn làm được điều đó thật ra rất khó khăn.
Những ngày tháng bỡ ngỡ khi quay về cộng đồng với muôn vàn khó khăn: không có tiền, không còn bạn bè, không biết đường đi, không có xe, không kịp hòa nhập cùng sự phát triển của cuộc sống… có lúc tưởng như làm tôi quỵ ngã. Nhưng vì tất cả, vì má, vì chị hai và các cháu, vì tương lai và vì sai phạm tuổi trẻ của mình – tôi lại gượng dậy và bước tiếp.
Tôi đi xin việc làm với tờ giấy sơ yếu lý lịch: “Đã có tiền án”. 10 chỗ, người ta từ chối 10. Nơi lịch sự còn viện lý do. Nơi “thẳng thắn” thì nói luôn vào mặt. Buồn có, tức giận có, tủi thân có, chán nản cuộc sống cũng có. Nhưng đã quyết làm lại từ đầu, tôi lại mò mẫm đi xin việc và tự an ủi rằng, coi như đó là một trong những cái giá phải trả sau trại giam cho tội lỗi của chính mình. Tôi chấp nhận!
Hiện nay, tôi đang làm bảo vệ cho một tòa nhà trong thành phố với mức lương 3 triệu đồng/tháng, với thời gian làm việc từ 8h sáng đến 11h tối. Công việc ở đây có được là nhờ một người anh thương tình giúp cho với lời dặn: “đừng để cho ai biết mày đã ở tù”. Vậy là tôi đồng ý. Tôi cần công việc lương thiện và dù để có nó, tôi phải che giấu sự thật thì tôi vẫn muốn trở thành kẻ lừa dối để được sống lương thiện.
Nếu như được chia sẻ với mọi người về những con người sai phạm và may mắn được ân xá trong đợt lễ này, tôi xin mọi người bớt cái nhìn thiếu thiện cảm với họ để họ có thể thuận lợi hơn trong việc hòa nhập cuộc sống và làm người lương thiện, giúp ích cho đời để trả giá cho tội lỗi của mình. Tôi biết có người ra tù vào khám nhiều lần thành quen, nhưng cũng có những người vì sai lầm một lần duy nhất mà đánh mất tất cả như tôi. Nhưng người đó họ rất muốn lương thiện nhưng thử hỏi về chẳng có việc làm, mọi người xa lánh, mọi thứ thay đổi một cách choáng ngợp… thì họ biết sống lương thiện bằng cách nào đây? Mong mọi người sự cảm thông vì con người thật tình là chẳng ai muốn thành kẻ xấu".
*Vì muốn bảo vệ cuộc sống riêng tư của của người được phỏng vấn, chúng tôi xin phép được làm mờ mặt và thay đổi tên thật của nhân vật.