Những hội từ thiện, tình nguyện trẻ nói gì về "không cho tiền người ăn xin"

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 27/12/2014

Những hội từ thiện trên địa bàn TP.HCM đồng ý với chủ trương của UBND thành phố về việc không cho tiền người ăn xin nhưng khi gặp những người lang thang cơ nhỡ thì họ không thể làm ngơ trước cảnh thương tâm đó.

Ngày 18/12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận ký quyết định số 49/2014/QĐ-UBND của UBND TP về việc quản lý người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú. Theo đó, từ ngày 28/12 tới, người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn TPHCM sẽ được đưa vào các cơ sở xã hội, trung tâm hỗ trợ có nơi ăn, chỗ ở ổn định, với mong muốn những người này sẽ có được cuộc sống tốt hơn.

Trước chính sách này, đa số dư luận đều đồng tình, tuy nhiên vẫn còn có nhiều những băn khoăn, trăn trở của người dân trong đó có những hội, nhóm chuyên làm từ thiện vì không thể làm ngơ trước những mảnh đời đáng thương như thế khi gặp ngoài đường. Để hiểu hơn về những trăn trở và những nỗi lòng người làm công việc thiện nguyện, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bạn Đặng Thị Như Hằng (trưởng nhóm từ thiện Ấm Áp Tình Thương). Nhóm "Ấp Áp Tình Thương" hoạt động được 2 năm, chuyên đi trao quà đêm cho những người ăn xin, những số phận lang thang cơ nhỡ vào những ngày cuối cùng của mỗi tháng và các ngày lễ Tết.

Những hội từ thiện, tình nguyện trẻ nói gì về "không cho tiền người ăn xin"  1
Nhóm từ thiện "Ấm Áp Tình Thương" làm từ thiện tại chùa - ảnh nhóm cung cấp.

Là trưởng nhóm của một hội từ thiện tại TP. HCM, Hằng có suy nghĩ gì về quyết định của UBND TP việc đưa tất cả những người ăn xin, lang thang không có nơi cư trú ổn định vào các Trung tâm hỗ trợ xã hội?

Theo cá nhân mình cũng như các thành viên trong nhóm từ thiện "Ấm Áp Tình Thương" thì quyết định của chính quyền TP. HCM về việc đưa người ăn xin, lang thang không có nơi cư trú ôn định vào các Trung tâm hỗ trợ xã hội, một quyết định hay và đúng đắn. Mình có đi Đà Nẵng làm từ thiện và được biết ở địa phương này có những mái ấm để đưa những người ăn xin vào trong này để chăm sóc và nuôi dưỡng, giúp họ có được cuộc sống tốt hơn và tạo được việc làm cho những người đó. Còn ở Sài Gòn thì người ăn xin quá nhiều và có không ít những người ăn xin đó ở phía sau có một đường dây chăn dắt. Vì vậy mình hoàn toàn ủng hộ với quyết định này với mong muốn cho người ăn xin đó có được cuộc sống tốt.

Nhưng có một số ý kiến cho rằng nếu làm như vậy, chúng ta đã vô tình khuyết khích người dân vô cảm quay lưng với đồng loại đang gặp khó khăn trong cuộc sống?

Vâng, như mình đã nói là ủng hộ quyết định của chính quyền thành phố nhưng chúng ta cũng không thể thấy những đứa trẻ đen đuốc, những cụ già yếu ớt lang thang xin ăn ngoài đường mà quay lưng không giúp đỡ họ được. Nếu thấy người mà không cứu giúp thì lương tâm cắn rứt lắm. Bản thân mình khi thấy người ăn xin là những trẻ em hay cụ già ngửa tay xin những đồng tiền lẻ bố thí không thể nào quay mặt làm ngơ. Có thể không cho tiền nhưng không thể không mua tặng một gói quà. Lòng nhân ái của con người luôn trỗi dậy trước những hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống. Việc nói không với người ăn xin là hoàn toàn không thể, bởi từ nhỏ đến lớn mỗi chúng ta đều được gia đình giáo dục về lòng thương người với người.

Vậy ngày 28/12 sắp đến, nhóm các bạn đã nghĩ đến việc hình thức hoạt động sẽ thay đổi thế nào chưa?
 
Nhóm từ thiện của mình cũng đã nghĩ đến trường hợp đó, chính quyền kêu gọi "không cho tiền người ăn xin" khiến những thành viên trong nhóm đều băn khoăn. Đã làm từ thiện thấy người ăn xin khó khăn mà không cho thì áy náy lắm. Nhưng nếu không còn những trường hợp khó khăn lang thang ngoài đường nữa thì nhóm sẽ trực tiếp đến những Trung tâm nuôi dưỡng họ để giúp đỡ. Theo mình, đây là trách nhiệm chung của xã hội, vì thế cần có sự chung tay, góp ý của tất cả người dân để có những giải pháp hợp tình người. Dù biết những phương án nào đưa ra cũng có những cái được và chưa được. Ở đây những cái được là thành phố chúng ta sẽ có những thay đổi lớn, mang tính tích cực. Vấn đề cho hay không cho người ăn xin sẽ có những đấu tranh tâm lý dữ dội đối với mỗi người.

Dù có những quyết định như thế nào đi nữa nhóm từ thiện của bạn sẽ vẫn đi phát quà vào ban đêm hàng tháng chứ?

Nếu không còn người vô gia cư lang thang trong đêm, nhóm mình vẫn sẽ tiếp tục công việc thiện nguyện bấy lâu nay. Không còn người vô gia cư để trao những món quà từ tấm lòng thì nhóm mình sẽ hướng đến những mảnh đời khác như những người nhọc nhằn mưu sinh về đêm, những ông bà bán vé số, bác chạy xe ôm, gánh hàng rong...

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này!

Những hội từ thiện, tình nguyện trẻ nói gì về "không cho tiền người ăn xin"  2
Bạn Hằng (trưởng nhóm) đang trao quà cho 1 cụ già vô gia cư về đêm - Ảnh nhóm cung cấp.

Những hội từ thiện, tình nguyện trẻ nói gì về "không cho tiền người ăn xin"  3
Nhóm "Ấm Áp Tình Thương" cũng băn khoăn về quyết định "không cho tiền người ăn xin" của UBND TP. HCM. Tuy nhiên các bạn cho rằng chủ trương này thực sự cần thiết và nhóm sẽ tặng quà thay vì cho tiền khi thấy người lang thang ăn xin ở đường phố. Ảnh nhóm cung cấp.

Chúng mình đã không cho tiền người ăn xin từ rất lâu rồi

Theo bạn Đặng Thành Trung, SN 1994, trưởng Nhóm từ thiện Hoàng Hoa Thám, Quận Bình Thạnh cho biết, nhóm của Trung hoạt động gần một năm nay nhưng chưa bao giờ tổ chức quyên góp để cho tiền người ăn xin hay người vô gia cư ở Sài Gòn.

"Chúng mình quyên góp tiền nhưng lấy số tiền đó để mua chăn ấm, quà, bánh, nước uống cho những người già, trẻ em ăn xin. Vì chúng mình đều sợ nếu cho tiền thì bọn chăn dắt sẽ hưởng được. Sắp tới nhóm cũng có nhiều hoạt động tặng quà bánh cho người ăn xin vào cuối năm nhưng với chủ trương mới của thành phố thì những người này sẽ được đưa vào Trung tâm bảo trợ, vì vậy bọn mình sẽ chuyển các hoạt động từ thiện ở các Trung tâm này. Bên cạnh đó mình cũng sẽ gọi về số điện thoại đường dây nóng khi phát hiện người ăn xin, để họ được đưa vào Trung tâm bảo trợ và có cuộc sống tốt hơn", Trung chia sẻ về kế hoạch sắp tới.