Người phù phép ô mai thành những tạo hình ngộ nghĩnh trên phố cổ Hà Nội

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 25/02/2015
Chia sẻ

Không chỉ tự tay làm ra những viên ô mai thơm ngon nổi tiếng phố cổ, với thâm niên hơn nửa thế kỷ trong nghề, nghệ nhân Bùi Văn Hưng còn có khả năng biến chúng thành những tuyệt tác nghệ thuật.

Ô mai hay xí muội là một trong những thức quà không thể thiếu của người Việt Nam mỗi độ xuân về. Nhắc đến món ăn này, người dân Thủ đô thường nghĩ ngay đến phố Hàng Đường. Một tuyến phố nhỏ từ bao đời nay nổi tiếng với nghề làm ô mai gia truyền. 

Trong số nhiều cửa hàng ô mai trên phố cổ, hiệu ô mai của ông Bùi Văn Hưng có lẽ là một trong những cửa hàng lâu năm nhất. Ông Hưng cho biết, gia đình ông suốt 4 thế hệ đều gắn bó với nghề làm ô mai. Bản thân ông, từ năm lên 10 tuổi đã theo cha mẹ học nghề. Tính đến nay, ông Hưng đã có hơn 50 năm tuổi nghề.

Người phù phép ô mai thành những tạo hình ngộ nghĩnh trên phố cổ Hà Nội 1
Ông Hưng đang dùng dao cắt ô mai sấu thành hình con sò - (Ảnh: Thu Hường).

Sinh ra ở một gia đình buôn bán trung lưu nhưng từ nhỏ, ông Hưng đã phải trải qua cuộc sống thiếu thốn về vật chất. Không có đồ chơi đẹp như chúng bạn, ông tự dùng đất sét nặn thành những chiếc trống bỏi hay các loại con vật, đồ chơi ngộ nghĩnh. Bằng sự khéo léo của đôi tay và trí tưởng tượng phong  phú, đồ chơi do ông Hưng làm ra lại trở thành những món quà đáng mơ ước của bạn bè đồng trang lứa.








Một số hình động vật được làm bằng ô mai rất ngộ nghĩnh - (Ảnh: Doãn Tuấn).

Lớn lên, nhìn thấy bố mẹ vất vả làm ô mai kiếm sống, ông Hưng cũng lần mò học theo. "Các cụ không dạy ai làm ô mai bao giờ. Mấy đứa con, đứa nào thích thì tự học rồi các cụ chỉ bảo thêm thôi. Ngày xưa, các cụ thấy tôi có chút năng khiếu lại khéo tay nên dìu dắt, dạy làm chứ mấy anh chị em có ai biết làm ô mai đâu" – ông Hưng cười.

Một lần, con gái ông làm hỏng mất một con tò he có hình chú bộ đội vác trên vai khẩu súng. Thấy con gái khóc lóc đòi mua một con tò he giống y hệt con đã hỏng, ông Hưng chợt nảy ra ý nghĩ lấy ô mai có sẵn trong nhà để nặn thành hình chú bộ đội. Nghĩ là làm, ông dùng ô mai sấu, quả trám, mứt quất, mứt táo... và tăm tre, nặn thành một chú bộ đội sống động, đẹp hơn cả chú tò he cũ của con gái. Thấy vậy, con gái ông lại tiếp tục vòi vĩnh ông nặn ô mai thành những hình dạng cầu kỳ, khó hơn. Lâu dần, ông Hưng nhận thấy việc nặn ô mai rất thú vị và thường xuyên duy trì nó như một thói quen không thể thiếu.

"Đấy, tôi bắt đầu nặn ô mai từ lúc con gái còn bé xíu. Bây giờ nó đã có chồng, có con rồi. Kể ra, tôi gắn bó với thú vui này cũng được chục năm gì đó" – ông Hưng nói thêm.

Theo ông Hưng, trước đây, ông nặn ô mai chỉ là để cho con gái nghịch chơi. Sau này khi thấy những tạo hình ô mai của mình được nhiều người để ý, ông mới đem chúng ra trưng bày trong tủ kính để khách thưởng lãm.
 

Ông Hưng cho biết, có rất nhiều người từng ghé thăm cửa hàng của ông chỉ vì những hình ô mai ngộ nghĩnh bày trong chiếc tủ kính nhỏ. Nhiều khách hàng từng trả giá rất cao nhưng ông nhất định không bán. Có người hỏi ông sao không ngồi nhà nặn ô mai bán cho khách du lịch, vừa nhàn vừa dễ kiếm tiền nhưng ông Hưng chỉ cười xòa cho qua mà không nói gì. 




Những đĩa ô mai nhìn rất đẹp mắt - (Ảnh: Doãn Tuấn).

Dù không bán cho ai nhưng thỉnh thoảng, nếu gặp được người thật sự yêu thích những hình dáng ô mai độc đáo do mình làm ra, ông Hưng vẫn thành tâm tặng lại cho họ. Ông kể: "Có một lần khá lâu rồi, cặp đôi người Pháp du lịch qua đây vào buổi tối. Anh con trai có hỏi tôi giá cả, tỏ ý muốn mua một con chim sáo làm bằng ô mai nhưng tôi không đồng ý. Họ đứng mãi ở trước cửa dến tận 12h đêm không chịu đi. Mãi sau tôi mới mở tủ, lấy con chim ra tặng cho cặp đôi đó. Vừa mang ra thì cô gái túm vội lấy. Họ mừng quýnh và cúi đầu lia lịa để cảm ơn".

Với ông Hưng, việc tạo hình cho ô mai chỉ là một thú vui riêng, không phải là nghề câu cơm. "Ô mai này phải tìm được người thích và hiểu giá trị của nó. Bán cho mấy người kia rồi mấy chốc mà họ làm hỏng. Tôi chỉ tặng cho người thành tâm chứ chẳng bao giờ nghĩ ngồi nặn ô mai rồi mang bán" – ông Hưng giải thích.

 
Để làm ra một hình ô mai, ông Hưng phải mất ít nhất 15 phút, những hình công phu, ông mất tới 3 ngày để hoàn thành.

Gần 20 năm trôi qua, không biết bao nhiêu hình ô mai ngộ nghĩnh đã được đôi tay khéo léo của ông Hưng nhào nặn, hình nào bị hỏng là ông lại nặn hình khác thay vào. Mỗi khi xem ti vi, tranh ảnh, hoặc trong đầu nảy ra một hình ảnh đẹp là ôngHưng lại bật dậy, lấy ô mai tỉ mẩn nặn ra những hình dáng mới mà mình thích. Có lần ông nặn được một con tôm giống y hệt tôm sống khiến khách du lịch Singapore đi qua phải hốt hoảng. "Họ tưởng tôi bỏ tôm sống vào đĩa ô mai nên bĩu môi chê bai. Lúc sau tôi nói đó là ô mai mà họ không tin, bắt tôi phải nặn ra một hình con tôm khác giống y hệt rồi mới chịu rời đi" – ông Hưng kể lại.

Vào mỗi dịp năm mới, ông thường dùng ô mai để nặn một con vật biểu trưng. Năm 2000 (năm Canh Thìn), ông Hưng nặn được con rồng nặng 1,5kg từ mứt hồng và đào bao tử. "Đó là con vật to nhất mà tôi từng làm được. Những dịp tết khác, tôi thường chỉ nặn được những con nhỏ nhỏ. Ví như con ngựa, con rắn..." – ông Hưng vừa nói vừa chỉ tay về phía tủ kính trưng bày ô mai.

Gắn bó với nghề đã lâu, ông Hưng trở thành một người có tay nghề chế biến ô mai lão luyện. Ông cho biết, nghề làm ô mai quan trọng nhất là ở chữ tâm, sự kiên nhẫn và khéo léo. Hiện nay, dù ít khi trực tiếp vào bếp làm ô mai nhưng sản phẩm nào do ông tạo ra cũng đều chất lượng, nức tiếng gần xa và được nhiều khách hỏi mua. 
 
Hình ô mai chỉ dùng để trưng bày, khi hỏng thì sẽ bỏ đi chứ không bán.

Ông Hưng cho biết, nghề sản xuất và buôn bán ô mai vẫn là công việc chính của ông, còn việc tạo dáng cho chúng chỉ là thú vui ngẫu hứng. "Mình nặn hình ô mai này vừa để vui tay, vừa để khách du lịch có cái mà thưởng lãm. Tết đến tôi hay nặn hình ô mai để tặng cho con cháu hoặc những người yêu thích chứ không bán. Với tôi, nặn ô mai chính là một thú vui tao nhã lúc về già. Chừng nào không còn sức thì thôi chứ nếu vẫn còn đi lại, mày mò được là tôi vẫn còn nhào nặn ra những hình ô mai mới" – ông Hưng chia sẻ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày