Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo

Vy Trần, Theo Trí Thức Trẻ 00:07 14/10/2013
Chia sẻ

Từ ngày cha mất, gia đình túng quẫn không có nổi tiền mua được cái hòm – chú Ba Oanh quyết tâm sẽ dành cả đời mình để giúp đỡ những linh hồn bất hạnh, dù nó là một việc kì cục đến mức ai nghe đến cũng sợ.

Hơn 30 năm trôi qua, 21 thành viên của đội tang ma miễn phí Phước Thiện ở phường 16 (quận 4, TP.HCM) vẫn làm những chuyện không giống ai, chạy đôn chạy đáo mọi ngõ ngách tại TP HCM để lo cho các vong hồn bất hạnh trong cuộc sống từ giã trần thế.

Xuất phát từ tấm lòng "nghĩa tử là nghĩa tận", có người đạp xe ba gác, xích lô, người làm phụ hồ, người bán vé số... vất vả mưu sinh để kiếm từng miếng cơm manh áo nhưng chỉ cần nhận được tin báo có người chết vô thừa nhận là mọi người tức tốc lên đường.

Sau nhiều lần hẹn gặp bất thành vì chú Bùi Văn Oanh (SN 1948, tức Ba Oanh, tổ trưởng tổ tang ma miễn phí Phước Thiện) phải “đi công tác” theo những chuyến xe tang về các tỉnh, thành. Chúng tôi đã gặp được chú vào một buổi sáng tháng 10, trời ẩm ướt. Ngôi nhà nhỏ nằm trong hẻm quanh co như một chốn mê cung, cạnh Miễu Bà Cố từ lâu đã trở thành địa điểm “hot” của khu phố này. Chỉ cần hỏi “ông Ba Oanh làm mai táng từ thiện” là ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường rất chu đáo.

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 1
Chú Ba Oanh bên xấp hồ sơ tang lễ của mình


Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 2

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 3

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 4
Những hình ảnh thật về một lần đi bốc mộ

Hình ảnh đầu tiên về người đàn ông dành cả đời cho việc từ thiện giúp người chết là một ông chú đã lớn tuổi nhưng vẫn rất phong độ và khỏe mạnh. Chú có gương mặt hiền và cách nói chuyện từ tốn, chân thành. Trong suốt cuộc nói chuyện về công việc của mình, chú luôn nhắc đi nhắc lại câu nói: “Một mình tôi chẳng làm được gì đâu, may nhờ đời còn có các anh em trong hội, có gia đình - con cháu cảm thông và ủng hộ, mà đặc biệt nhất là những người luôn âm thầm giúp đỡ hội mai táng từ thiện của chúng tôi như: ông Hữu Chiến, ông Hoàng Thành, cháu Vinh, cháu Trang… Để làm được việc này trong suốt hơn 30 năm qua – giúp đỡ cho hơn hàng trăm người đã khuất là nhờ có họ cả”.

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 5

Đơn xác nhận để xin hòm

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 6

Những người hảo tâm đã nhiều năm cùng bước bên cạnh hội mai táng từ thiện

Chú Ba Oanh cho biết, hiện hội mai táng từ thiện Ba Oanh của chú có 21 thành viên và trong đó có 7 người là con trai, con rể và cháu của chú. Thành viên trẻ nhất hội là đứa cháu ngoại, năm nay chỉ mới 22 tuổi và đã “theo nghề” nhiều năm. Dành nhiều tình cảm cho đứa cháu này, chú nói: “Nó là người tôi mong chờ nhất vì tôi muốn sau này nó sẽ nối nghiệp tôi. Tôi già rồi, sẽ có ngày ra đi như “những người bạn” mà tôi đã giúp họ ra đi nên cần lắm một người yêu mến công việc này để tiếp tục gồng gánh nó. Tôi mong cả khi mình mất đi, thì những người nghèo – không gia đình – vô thân tứ cố vẫn sẽ có được những đám tang đúng lễ nghĩa, đầy ấm áp như khi tôi còn tồn tại trên cõi đời này.”

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 7

Hình ảnh kỉ niệm và bằng khen phủ đầy tường nhà

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 8

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 9

Người đàn ông lớn tuổi nhân hậu

Chia sẻ thêm về gia đình mình, chú vui vẻ nói: “Tôi sinh năm 1948, già lắm rồi. Gia đình có bà vợ và 6 đứa con – 4 trai, 2 gái. Tụi nó đều đã lập gia đình, có cuộc sống riêng nhưng vẫn giúp đỡ và ủng hộ tôi trong công việc từ thiện. Mỗi tháng các con, các cháu đều góp cho một ít tiền để 2 vợ chồng già chi tiêu và dành dụm mua hòm thô về đóng. Như thằng cháu ngoại này nè, nó đi bốc vác ngoài cảng, mỗi tháng cũng góp cho ông ngoại 200 ngàn để dành mua chuối xanh dằn bụng người chết. Bà vợ tôi thì ngày xưa ngăn cản dữ lắm, vì bả sợ. Bả thấy người ta chửi tôi là “Oanh điên, Oanh khùng”, nhà nghèo mà chỉ lo đi làm chuyện bao đồng nên bả cũng không ưng bụng. Nhưng tôi đâu có chịu, tôi cứ lấy chuyện ba má tôi ra nhắc nhở vợ. Kể lại những tủi nhục, khó khăn khi ông bà già mất mà không có tiền chôn cất cho phải phép với người đã khuất nên bả cũng nguôi ngoai và chịu đựng. Giờ thì quen rồi. Bả là hậu phương vững chắc cho tôi”.

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 10

Đứa cháu ngoại - thành viên trẻ nhất của hội mai táng từ thiện.

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 11

Vợ đã từng phản đối kịch liệt với công việc kì cục của chú nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi, bà là một trong những người ủng hộ ông nhất hiện nay.

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 12

Cả nhà cùng xem lại những clip phóng sự quay về ông và công việc lạ đời mà ông chọn cho mình

“Hồi mới lập hội mai táng, con cháu mỗi người cho một ít mỗi tháng, cứ vừa đủ tiền là đi mua về 1 cái hòm gỗ thô về đóng, sơn phết và trang trí lên cho thật đẹp. Hòm người lớn hay trẻ con, thai nhi gì thì tôi cũng phải làm cho thật đẹp mới vừa ý. Các nghi lễ của đám tang cũng phải đầy đủ và đúng quy cách. Tôi chăm lo cho họ, những người không quen biết như chăm lo cho chính người thân của mình. Người ta nghèo khổ cả đời rồi, tôi không muốn đến cả lúc chết, họ cũng bị phân biệt giai cấp – giàu nghèo nên luôn cố gắng chu toàn mọi thứ như một tang lễ được trả nhiều tiền của các cửa hàng mai táng khác".

Trầm ngâm một lúc, chú Ba lại kể tiếp: “Cái chết có nhiều loại lắm. Chết sông chết suối, chết bất thình lình (đột tử), chết biết trước vì bệnh nặng kéo dài… Ai, ở đâu và chết vì lý do gì, chúng tôi đều đến giúp. Có lúc đang đi thấy xác chết trôi, tôi cũng quăng xe đạp, cởi đồ vứt trên bờ và nhảy xuống vớt. Xác chết trôi sông ghê lắm. Người ta bị mục rữa rồi, mình kéo mạnh ngược dòng nước, có khi gan ruột bên trong nó rơi ra ngoài tung tóe. Nên với những trường hợp này, để người mất được nguyên vẹn khi về với đất trời, tôi thường phải kiếm cái bao to bọc người họ lại rồi mới kéo vào bờ, lo hậu sự.

Nhưng sợ nhất là những cái chết vì bệnh HIV ở các trung tâm, trại cai nghiện. Bọn trẻ ham vui nhưng ít chịu nghĩ đến hậu quả cuộc đời mình. Với những cái chết này là kinh khủng nhất. Mình lấy tay nắm tay xác chết để đưa vào hòm, da thịt họ thối rửa tróc ra từng mảng, dính vào bàn tay mình. Đụng đến đâu, tróc da tróc thịt đến đó. Người mai táng như chúng tôi phải giũ mạnh tay xuống đất liên hồi, nó mới rớt ra hết xuống đất. Nói chung là thảm hại lắm. Người chết đáng thương mà người mai táng cũng vất vả. Ai mà vào nghề không quen, gặp mấy vụ này là về bỏ cơm nhiều ngày, không ăn uống gì được vì ám ảnh…”

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 13

Nơi làm địa điểm đóng hòm là căn gác xập xệ của một dãy nhà vệ sinh công cộng

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 14

"Dù là người lớn hay trẻ em, tôi cũng phải cố gắng làm cho họ một cái thiệt đẹp thì mới an lòng..."

Về những người đã âm thầm giúp đỡ cho hội từ thiện suốt nhiều năm nay, chú cũng chia sẻ: “Tôi đưa nhiều người về quê hương khi họ lìa trần, tiếng lành đồn xa, đâu đâu cũng biết nên người này giới thiệu người kia. Cứ có ai chết mà hoàn cảnh nghèo khó hay không thân nhân đến nhận, cần đến hội mai tang từ thiện là chúng tôi có mặt. Ngoài ra, cũng có nhiều anh chị, mấy cháu chung tay giúp đỡ tôi trong việc hoàn thành trách nhiệm này. Như cô Huyền Thư (MC truyền hình) đó. Tôi đâu biết cô ấy là ai, cô ấy đến và xin tham gia vào hội trong nhiều năm, cùng tôi đến với rất nhiều linh hồn bất hạnh. Quan sát và ghi nhận công việc của tôi. Rồi bất ngờ cô ấy lên tivi nhắc đến tôi và dành tặng hội mai tang từ thiện số tiền lớn, tôi vô cùng cảm kích. Cảm kích không chỉ vì số tiền quá lớn đó sẽ giúp được rất nhiều gia đình nghèo không có tiền chăm lo cho người chết, mà điều cảm kích lớn nhất là có một người như vậy. Một người dành nhiều năm để đi theo tôi, quan sát từng việc tôi làm và ghi nhận chúng. Tôi thấy đời mình may mắn vì có những tấm lòng như vậy. Nó quá là tốt đẹp. Bây giờ nhiều khi việc thiện cũng bị người ta lợi dụng nên với tôi, những tấm lòng như cô Huyền Thư là đáng quý rất nhiều”.

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 15

Một cô gái trẻ sinh năm 1991 bị bệnh bẩm sinh sắp ra đi, được người hàng xóm liên hệ với hội từ thiện của chú để "xin trước một cái hòm cho cháu nó"

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 16

Những chiếc hòm thô mua về sẽ được sơn phết và trang trí thật đẹp

Người đàn ông hơn 30 năm làm mai táng "miễn phí" cho người nghèo 17

Thực hiện việc nghĩa cho tất cả mọi linh hồn, bất kể đạo nào. Nên chú Ba Oanh phải thờ đầy đủ để còn cầu nguyện cho họ sau mỗi đám tang.

Tuy nhiên, vẫn canh cánh trong lòng một nỗi lo to lớn nhiều năm nay chưa giải quyết được, chú nói: “Tôi có duy nhất 2 điều ước cho cuộc sống này. 1 là ước mình nhiều sức khỏe để phục vụ cho nhiều người bất hạnh.  2 là ước một mảnh đất nhỏ để chứa hòm. Nơi tôi để nhờ từ năm 1979 đến giờ là tầng trên gác của một dãy nhà vệ sinh bên nhà hàng xóm . Người ta cũng tốt lắm, nhiều đêm có người mất đột xuất, tôi đóng gỗ suốt đêm suốt ngày nhưng họ vẫn không trách mắng gì. Họ cho tôi để miễn phí ở đó nhiều năm rồi nhưng giờ có việc phải lấy lại xây cất. Tôi rất lo vì chưa tìm được chỗ chuyển đi. Vì cái này nó cũng nhạy cảm, người ta chẳng cho thuê nếu biết tôi chứa hòm. Mà mua đất thì thân già tôi không có đủ chi phí nên rất mong ai đó có đất rộng và không ngại thì cho tôi xin mượn một khoảng trống để làm nơi đóng hòm giúp đỡ người chết nghèo khổ. Chỉ cần vậy thôi. Sau này tôi chết thì tôi cũng an lòng”.

Video về công việc đặc biệt của ông Bùi Văn Oanh và các thành viên trong đội tang ma miễn phí Phước Thiện ở TP HCM.

Mọi thông tin liên hệ:

Ông Bùi Văn Oanh

Địa chỉ: 334/ 33A Đoàn Văn Bơ – phường 6 – quận 4 (Cạnh Miễu Bà Cố)

Điện thoại: 08.35392580 - 0978088564.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày